Đại hội nói xấu... bố chồng

25/05/2019 - 11:00

PNO - Đó giờ chỉ nghe người ta nói mẹ chồng nàng dâu, chứ ai mà biết bố chồng nàng dâu cũng sóng gió không kém!

Nửa đêm, messenger đột ngột báo tin nhắn từ nhóm chat của hội chị em thân nhau từ mạng xã hội. Người đánh thức chúng tôi chính là chị Như - hội viên tích cực nhất của nhóm. “Sáng mai mấy đứa có rảnh không, gặp nhau tí đi, chị phải xả cơn bực này, nếu không chị sẽ ức chế đến điên mất!”. Vừa hay sáng mai là Chủ nhật, chúng tôi đều có thể thu xếp việc nhà để tụ họp một lúc. 

Dai hoi noi xau... bo chong
Hội chị em bà tám về bố mẹ chồng. Ảnh minh họa

Khi cả hội đã đến đông đủ, tôi vừa kéo ghế ngồi xuống, chưa kịp gọi nước uống, chị Như đã tuôn ra một tràng về câu chuyện khiến chị tức giận đêm qua. Hóa ra điều làm chị bức xúc là bị bố chồng mắng.

Sự việc xảy ra khi thằng con chị đòi xem điện thoại mới chịu ăn cơm. Chị không đồng ý, hai mẹ con cự cãi rồi chị mắng nó, đứa nhỏ bèn lăn ra ăn vạ, khóc váng nhà. Chị không muốn tập cho con thói quen dùng điện thoại cũng như cái tính vòi vĩnh nên mặc kệ cho nó khóc đã đời.

Bố chồng thấy vậy chạy lên lầu mắng chị xối xả, bảo chị học cao hiểu rộng mà không biết dạy con, có chút việc nhỏ không giải quyết được để cả nhà ồn ào như cái chợ. “Tức đến nghẹn ngào, nghĩ đến từng từ ông nói là nước mắt lại chực trào ra mấy đứa ơi!” - chị Như rưng rưng nói.

Trân vỗ vai xoa dịu chị Như rồi tiếp lời: “Công nhận, ở nhà bị bố mẹ đẻ la lối cũng khó chịu đấy, nhưng không thể so với nỗi bực bội khi bị bố mẹ chồng mắng. Bố mẹ mình có nói cái gì cũng là để tốt cho mình, còn bố mẹ người ta á, chỉ là do không vừa mắt với con dâu thôi!”.

Dai hoi noi xau... bo chong
Những ông bố chồng khó tính. Ảnh minh họa

Phương cũng tham gia: “Thôi thì mình nín nhịn, họ có nói gì cũng im lặng chứ hé miệng nói câu nào lại bị cho là hỗn. Bố chồng em thì luộm thuộm cực kỳ mà em nào dám góp ý với ông. Trời nắng nóng nhưng cả tuần ông không chịu tắm, mùi mồ hôi chua lè từ quần áo đến chăn gối. Ăn uống lại vô tội vạ, chỉ thích nước ngọt có gas và thịt mỡ. Khổ cái là ông đã ở bẩn lại còn thích chơi với cháu, mỗi lần ông bế thằng Bon là em lại sợ nó bị hăm, chưa kể ông còn cho nó ăn linh tinh, đau bụng hoài. Nói xa nói gần ông lại giận cho thì khổ”.

Chị Như tiếp lời: “Ông nhà chị thì kỹ tính kinh khủng, lau nhà để sót chỗ, phơi quần áo không thẳng, rồi đi đứng nói năng hở ra chút nào là ông soi rồi chê cái đó. Nhiều lúc đi làm về mệt, phải lo cơm nước, con nhỏ, còn thêm bố chồng cứ càm ràm sau lưng, chị muốn bốc hỏa. Nhưng thử hé câu nào không vừa ý đi, ông mắng cho không còn chỗ mà trốn, lại toàn nói mấy câu làm mình tổn thương ghê gớm. Như hôm qua, chị cúi gằm mặt mà nghe chứ dám nói gì đâu, bởi chỉ thiệt mình thôi”.

Chị Như chốt lại: “Đấy, đó giờ chỉ nghe người ta nói mẹ chồng nàng dâu, chứ ai mà biết bố chồng nàng dâu cũng sóng gió không kém”. 

Tôi cũng là một nàng dâu nhưng không sống chung với bố mẹ chồng, xích mích chưa có gì to tát. Bởi vậy từ đầu cuộc trò chuyện tới giờ tôi không góp chuyện nào. Đúng là mối quan hệ bố chồng - nàng dâu ít người bàn tới vì ai mà nghĩ đàn ông lớn tuổi trong nhà lại đi gây chuyện với vợ của con trai mình và ngược lại. Thế nhưng, đời mà, có người này người kia, mình chẳng gặp, không có nghĩa là không có. 

Tâm lý chung của những nàng dâu thường đem so bì bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng, từ đó nảy sinh những bất bình. Không chung huyết thống, không nuôi dưỡng ngày nào, nhưng họ cũng là bố mẹ, có quyền dạy dỗ, bảo mình phải làm cái này cái kia dù có khi không đúng, do vậy nhiều điều khiến các nàng dâu không phục.

Dai hoi noi xau... bo chong
Các nàng dâu chỉ bằng mặt không bằng lòng bố mẹ chồng vì không phục. Ảnh minh họa

Với mẹ chồng, cùng giới với nhau, ít nhiều còn dò đoán được tâm ý và cũng dễ tâm sự, thuyết phục hơn. Với bố chồng, thường là người giữ vị trí trụ cột trong nhà, quyền lực và quyết đoán nhất nên xích mích giữa bố chồng và nàng dâu dù lớn đến đâu cũng phải hóa nhỏ. Nhưng càng như vậy lại càng gây ức chế trong lòng, cứ thế tích tụ mà thành định kiến, rồi lại họp “đại hội” với nhau chỉ để nói xấu như hôm nay. 

Tình sau khi lắng nghe mọi người kêu ca mới bắt đầu nói: “Các chị ơi, ông kỹ tính thì đồ nào của ông mình né ra, chịu khó gọn gàng, cẩn thận hơn chút. Với ông ở bẩn, mình giặt quần áo, chăn gối giùm, kêu chồng lôi ông đi tắm. Ông hay càm ràm la mắng thì dạ thưa, nịnh ổng chút cho người ta mềm lòng. Không có cách gì mà không đối phó được. Nhưng em đố các chị giải quyết được chuyện nhà em, làm sao để bố chồng em bỏ được tật mê cờ bạc, giữ cho nhà em cái sổ đỏ để không phải ra đường ở đây này?”.

Câu chốt của Tình làm mọi người ngừng than thở. “Đúng là ca này nan giải!” - chị Như cất lời, tất cả đều gật gù đồng tình. Và đột nhiên chị la lên: “Chết cha, tới lúc cho thằng Bon ăn, sáng giờ giao ông nội giữ rồi, ông kỹ tính nhưng được cái là thương và biết chăm cháu, chị đi làm thì ông ở nhà lo hết cho thằng Bon đấy. Mấy đứa ở chơi sau nha, chị về”.

Hội viên tích cực đã rút lui, nhóm chúng tôi cũng lục tục giải tán. Liếc nhìn gương mặt chán nản của Tình, tôi nhớ một câu ai đó từng nói rằng, người ta luôn nghĩ chuyện của mình bi đát nhất cho đến khi nghe được chuyện của người khác. Gia đình đàng nội và nàng dâu - mối quan hệ muôn đời luôn nhiều điều để nói, miễn đừng quá quắt như bố chồng Tình thì cứ nhìn vào ưu điểm của nhau, chọn dĩ hòa vi quý mà chung sống vẫn là lựa chọn tốt nhất. 

Bích Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI