Vợ chồng sướng khổ có nhau

15/08/2016 - 13:10

PNO - Có những lần anh bị trầm cảm, không nói năng gì với vợ con, thậm chí còn nặng lời xua đuổi vợ. Nhưng ít hôm sau, anh quay lại xin lỗi…

Những lúc ấy, chị luôn cười tươi, tìm cách động viên chồng. Chị bảo: "Đàn ông khi “thất chí” thường có biểu hiện như vậy, nghĩa vợ chồng sâu nặng lắm, không dễ gì đổi thay, phụ bạc nhau".

Chị là Trịnh Thị Vóc (SN 1970), quê ở xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Năm 2000, cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, chị ôm cậu con trai út mới hai tuổi vào Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) sinh sống. Hai mẹ con vất vả nhiều năm với đủ thứ việc, lăn lóc từ nhà trọ này sang nhà thuê khác.

Là một cô gái xinh đẹp, đảm đang, thời con gái chị Vóc được không ít chàng trai trong làng ngoài xã theo đuổi. Chị chọn bạn đời là một anh cán bộ văn hóa xã tài hoa. Anh ta có nhiều tài vặt, lại giỏi xoay đủ việc kiếm ra tiền, nhưng kiếm được đồng nào là ăn chơi hết, không bao giờ đưa về cho vợ. Chị Vóc không chỉ vất vả với việc đồng áng nhà chồng, một nách ba con nhỏ, mà còn phải chịu đựng thêm tính trăng hoa của chồng. Anh ta còn thẳng thừng tuyên bố: “Không chịu đựng nổi thì chia tay!”. Một phút tự ái, chị định ly hôn ngay, nhưng nghĩ lại thương các con sẽ thiếu tình cha hoặc mẹ. Gắng chịu đựng thêm vài năm, khi nỗi đau bị phụ bạc không thể hàn gắn, chị quyết định ly hôn. Hai đứa con lớn, một trai, một gái ở lại với bố. Chị nuôi cậu con út. Hai mẹ con làm lại cuộc đời nơi đất khách quê người.

Vo chong suong kho co nhau
Nụ cười tin yêu của vợ chồng chị Vóc

Mười sáu năm sống tại thủ phủ của Tây Nguyên, chị lại nhiều lần đối mặt với “tình yêu”. Trẻ trung, xinh đẹp, giỏi làm ăn - nên không thiếu đàn ông vây quanh chị. Có những người còn trẻ, chung cảnh ngộ “giữa đường đứt gánh”, cũng có những người giàu có, lớn tuổi, cô đơn muốn chia sẻ tình cảm và tài sản với chị. Nhưng, lòng chị chẳng rung động với ai. 30 xuân xanh, chị đâu phải gỗ đá gì, chỉ là trái tim vẫn còn mang vết thương nhức nhối.

Năm 2011, chị gặp anh qua giới thiệu của một người bạn và có cảm tình với người đàn ông góa bụa, bệnh tật, hơn chị đến 14 tuổi. Anh là nhà văn Thạch Minh (SN 1956) quê tận Hà Tĩnh, trước kia là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, sau ngày giải phóng miền Nam chuyển ngành làm công tác thanh tra của tỉnh Tây Ninh. Anh lấy vợ muộn lại không may góa vợ sớm. Vợ anh chết ngay trên bàn mổ khi sinh đứa con trai đầu lòng. Yêu vợ, thương con, anh ở vậy nuôi con đến ngày trưởng thành.

Gặp nhau, anh chị mến nhau vì nết, thương nhau vì tài, đã có ý định “góp gạo thổi cơm chung” nhưng anh lại ngần ngại vì sức khỏe đã kém, sợ thêm gánh nặng cho chị. Vốn đã mang bệnh gút trong người, chữa chạy bao năm không khỏi, anh còn bị tai biến, đi đứng khó khăn. Chị Vóc thương anh vì tính hiền lành, chân thực; càng thương hơn khi biết anh gà trống nuôi con mấy chục năm. Chị chủ động chìa tay ra với anh. Năm 2012, sau khi mua được thửa đất cạnh đường Y Wang, phường Ea Tam (Buôn Ma Thuột), chị xây nhà mới khang trang rồi làm lễ cưới với anh nhà văn nghèo.

Tình mới “mặn nồng” chỉ được đúng ba ngày sau lễ cưới. Đêm đó dậy đi vệ sinh, anh Minh vấp ngã, gãy chân phải. Đưa chồng đi TP.HCM chạy chữa, chị được biết thêm lý do chân chồng dễ bị gãy là do hồi chiến tranh tiêm nhiều thuốc chống sốt rét. Với bốn chiếc đinh vít cố định xương chân, anh Minh đi lại rất khó khăn, phải bám vào chiếc ghế có bánh xe làm điểm tựa hoặc ngồi xe lăn. Việc làm đại lý bỏ mối nhang thơm của chị Vóc bận rộn quanh năm, nên chạy đi chạy lại từ Tây Nguyên về Tây Ninh và ngược lại để chăm sóc chồng và con trai rất vất vả.

Những lúc sức khỏe ổn định, anh Thạch Minh cũng lên Buôn Ma Thuột phụ lo với vợ, nhưng chỉ được dăm bữa vì anh vẫn phải đảm nhiệm công việc ở cơ quan cho đến ngày về hưu. Tiếng là vợ chồng mới, nhưng thời gian anh chị bên nhau rất ít, đến nỗi chị Vóc từng ví von anh chị là “vợ chồng Ngâu”. Khi cơ quan cho anh nghỉ việc chờ hưu vì sức khỏe kém, chị thuyết phục chồng lên Tây Nguyên với mình, phần cho tiện việc buôn bán và chăm sóc anh, phần vì khí hậu tốt hơn cho sức khỏe của anh. Tháng 8/2015, vợ chồng chính thức sum họp tại Buôn Ma Thuột.

Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuối tháng 10 năm ấy, huyết áp tăng cao, anh phải vào bệnh viện cấp cứu. Cơn đột quỵ lần hai này đã khiến anh liệt một bên người, không đi lại được. Chị Vóc càng vất vả hơn khi vừa phải lo giao hàng, vừa chăm sóc người chồng bệnh tật. Giờ anh ngồi một chỗ, muốn đi vệ sinh cũng phải kêu vợ, đi ngủ là vợ đỡ lên giường, sáng dậy vợ dìu xuống xe lăn. May là tay phải anh vẫn cử động được, đến bữa tự cầm muỗng xúc cơm ăn, dù có những hôm anh mệt, chị phải đút.

Mỗi sáng, nếu trời không mưa, anh ngồi xe lăn cho chị đẩy lên con dốc dài, ra phố ăn sáng, uống cà phê và ngắm các cháu sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên ríu rít đi về. Khoảng 10 giờ, sau khi giao hàng xong, cơm canh sẵn, chị đón chồng về nghỉ trưa. Anh to béo, lại bị liệt nên mỗi khi dìu đỡ chồng, chị rất vất vả. Đã vậy, anh còn bị trầm cảm, nhiều khi cáu giận vô cớ. Chị tìm cách nói chuyện vui, chỉ mong anh nở nụ cười hiếm hoi. Chị hiểu anh tự ti, mặc cảm, muốn kiếm chuyện “đuổi” vợ đi chẳng qua là muốn dứt gánh nặng trên vai vợ.

Có người khen chị can đảm, cũng có người bảo chị dại, không dưng ôm lấy ông chồng già bệnh tật để hầu hạ; như người khác, có lẽ đã “bỏ của chạy lấy người”. Chị chỉ cười, mặc mọi lời khen chê. Đạo vợ chồng sướng khổ có nhau.

Hoàng Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI