Hai chữ 'quê nhà'

21/09/2014 - 17:59

PNO - PNCN - Trước hết, cái nhà là một không gian vật lý có công dụng che nắng che mưa, tiền thân của nó là hang động thuở loài người còn chưa hơn những động vật xung quanh bao nhiêu, sống bầy đàn ở không gian vật lý trời cho ấy. Từ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không hiểu tự bao giờ và bằng cách nào mà cái nhà nhận thêm chức năng mới: “nhà nho”, “nhà văn”, “nhà khoa học”, “nhà báo”... như những mỹ từ sang cả. Chả ai nói... nhà bán nước, nhà bóc lột, nhà tham ô bao giờ. Thật đau xót khi nghe hai tiếng “nhà tù”, sao lại có một chỗ như thế được gắn với nhà? Có ô uế danh từ đi không? Nhưng thật may, “nhà” còn được biến tấu để chỉ định một không gian mang tính đón nhận, cưu mang gắn với đời người “nhà chùa”, “nhà thờ”, “nhà thương” và thậm chí nơi an nghỉ cuối cùng “nhà mồ”… nó giúp con người bớt bơ vơ trong cảnh một chọi một với bất hạnh.

Không chỉ thoát khỏi vai trò công cụ, và điều này phải ngả nón trước ngôn ngữ Việt Nam, người Việt Nam về sự tinh tế, thâm thúy, nhà còn có sức vươn tới những tầm cao hơn. Chẳng hạn, “tổ ấm” thành tiếng xưng hô với người thân nhất, không phải cha mẹ anh em, mà là một nửa (thậm chí ba phần tư) của mình. Nhà tôi, nhà ơi!, thì đúng là những ông Tây không thể nào tìm được một tiếng, chỉ một tiếng thôi như vậy!

Sự linh hoạt phong phú ấy khiến tôi nhớ đến câu thơ của Bùi Giáng: “Mình ơi! Tôi gọi là nhà/ Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi”. Nghe ra thân mật, ấm áp quá chừng trong tình chồng nghĩa vợ. Vâng, chỉ có nhà ơi là thứ tiếng đặc dụng trong một trường hợp quan hệ duy nhất mà dường như nó lại biến hóa không cùng: “Nhà ơi, đi đâu đấy? /À đi uống tí cà phê! /Thế thì ghé chợ mua giùm…”; hoặc: “Nhà đừng quên nhé. Còn phải về dặm lại cái mái nhà nữa đó/ Nhà yên tâm đi!” .

Hai chu 'que nha'

Vừa là không gian vật lý, vừa là nơi được ngưỡng mộ nâng lên một cấp là nhà báo, tòa soạn, đủ thấy người Việt Nam mình tôn kính và cũng rất phân minh tinh tế. Vậy mà, lần nọ có dịp ghé một không gian vật lý đầy tôn kính ấy để tìm cô bạn vong niên làm ở đó. Chào hỏi xong, bèn nói với nam nhà báo nọ cho gặp cô Z. Không chậm trễ, một ông cụ trẻ bảo “Cô Z. nào? Z Ván ép hay Z Bánh tét? Đây có tới hai Z lận. Mà cả hai ra ngoài cả rồi, chiều tới đi”.

Trời đất, nghe câu trả lời ấy chẳng khác gì đọc một bài báo đầy những lỗi morasse! Sao người ta - nhà báo có thể nói trỏng với khách, khiếm nhã và tàn nhẫn với hai người con gái cùng cơ quan thế nhỉ? Anh chàng “nhà báo” ấy có phải một tên vũ phu ngôn ngữ, nham nhở không vậy nhỉ? Ra khỏi, đi như chạy và có cảm tưởng như vừa bước vào “nhà hoang”!

Có người suốt đời thèm hai tiếng quê nhà như mèo thèm cá tươi. Xa quê, có được căn nhà tạm ổn nhưng vẫn thiếu một “quê nhà” là cái của mình và không quên đang tá túc ở “quê người”. Lấy không gian vật lý làm nguồn cội, “nhà” làm nhói lòng mỗi khi nhận ra kiếp lưu vong. Em một thời là “quê nhà” của tôi, bây giờ tôi có khác gì kẻ vong gia thất thổ?

“Hồ mã tê Bắc phong/ Việt điểu sào Nam chi” (Con ngựa Hồ thấy gió Bắc thì hí/ Chim Việt làm tổ thì chọn ở cành Nam). Động vật còn thế, bảo sao tôi không hơn thế? Hai chữ quê nhà thật khó dịch sang tiếng nước ngoài mà vẫn giữ được cái đa cảm trầm ấm của không gian vật lý, địa lý khi nâng cấp thành một phạm trù to lớn mà không ít người dằn vặt nhiều đêm mỗi khi nhận ra mình đang sống nhờ đất khách…

Nói thì nói thế, dù là đất khách đi nữa nhưng ở đó vẫn có sự đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi của “nhà tôi” đầu ấp tay gối hằng đêm thì vẫn là “quê nhà” từ trong sâu thẳm tình chồng nghĩa vợ đấy thôi. 

Cao Thoại Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI