Từ việc điều động giáo viên nữ đi 'tiếp khách': Hãy cởi trói cho người giáo viên!

14/11/2016 - 15:21

PNO - Đã đến lúc thay đổi yêu cầu với giáo viên từng cấp học, cho họ quyền từ chối công việc nếu nó không liên quan tới giảng dạy hoặc nghiên cứu.

Trong bất kỳ hợp đồng lao động nào giữa giáo viên và nhà trường, ngoài hai nhiệm vụ chính là "giảng dạy và nghiên cứu" thường có một điểm nữa là "các nhiệm vụ khác được giao phó". Đây chính là cơ sở pháp lý để các phòng ban, nhà trường, và tổ chức điều các giáo viên đi làm các công việc "ngoài giảng dạy" và "ngoài nghiên cứu".

Ví dụ, ở nhiều trường đại học, giáo viên ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu còn phải tham gia các hoạt động khác như: trực khoa, họp khoa, thu khóa luận tốt nghiệp... Một việc rất đỗi bình thường, quen thuộc và bắt buộc không thể không kể là "coi thi đại học". Mỗi năm, hàng chục ngàn giáo viên bỏ giảng dạy, bỏ nghiên cứu để làm một việc mà chúng ta coi là đương nhiên: coi thi đại học.

Đấy là nói những chuyện mà mọi người coi là đương nhiên. Nhưng nếu tổng hợp lại, một giáo viên mỗi tuần phải trực khoa 1 ngày, họp khoa nửa buổi, là đã mất 1.5/5 ngày làm việc cho những việc "không phải là chuyên môn". Tức là họ chỉ còn 3.5 ngày để kham các việc còn lại, bao gồm soạn bài, lên lớp, chấm bài và... nghiên cứu khoa học.

Đấy là còn chưa tính các công việc hành chính khác, như tham gia sự kiện hoặc đi tiếp khách như các giáo viên đi tiếp khách ở Hồng Lĩnh.

Tôi từng nói chuyện với một giáo sư người Mỹ. Ông nói, làm Trưởng khoa ở Việt Nam sướng thật, thích điều giáo viên làm gì thì điều. Ở trường của ông thì khác, mỗi tháng 1 lần họp Khoa, mà gọi giáo sư lên nhiều ông còn chẳng thèm lên. Họ bận bù đầu với việc nghiên cứu cho đủ định mức bài báo; hoặc soạn bài, chữa bài để đảm bảo feedback của sinh viên là tốt. Ở Mỹ, học sinh được chọn giáo viên, nên ông giáo nào dạy không ra gì là rất rủi ro, vì lớp không có người đăng ký học.

Tu viec dieu dong giao vien nu di 'tiep khach': Hay coi troi cho nguoi giao vien!
Anh Nguyễn Xuân Quang.

Ở Việt Nam thì khác. Học sinh học lớp hành chính, giáo viên được phân lớp từ trên xuống, nên vấn đề chất lượng không thành vấn đề. Nghiên cứu khoa học ít cái thực sự có ý nghĩa, có tính ứng dụng hoặc được công nhận quốc tế.

Nếu bạn đã quyết định dành 1 ngày để trực khoa, bạn sẽ không thể làm bất kỳ việc gì khác trong cùng một ngày đó. Giáo viên ở Việt Nam phần nhiều mờ nhạt về yêu cầu giảng dạy (do bài giảng cũng chẳng phải do họ quyết, mà là của Bộ ép xuống trường, xuống khoa), thiếu hụt nghiên cứu khoa học, một phần cũng do yêu cầu không rõ ràng trong giảng dạy và nghiên cứu.

Thiết nghĩ, đã đến lúc thay đổi yêu cầu với giáo viên từng cấp học, cho họ quyền từ chối công việc nếu nó không liên quan tới giảng dạy hoặc nghiên cứu. Trao trả những nhiệm vụ như: trực khoa, tổ chức sự kiện, họp hành... lại cho bộ phận hành chính hoặc lãnh đạo.

Thay vào đó, siết chặt chất lượng giáo viên. Ví dụ, yêu cầu giáo viên tiếng Anh phải có ít nhất 6.0 IELTS, mỗi năm phải có ít nhất 2 bài báo đăng trên tạp chí được công nhận, hoặc các nghiên cứu khoa học tương đương...

Khảo sát chất lượng giảng dạy đối với tất cả các lớp mà giáo viên giảng dạy để đảm bảo chất lượng giảng dạy... Và quan trọng nhất, đảm bảo một môi trường giáo dục lành mạnh và trong sạch để các thầy cô chỉ chuyên tâm vào nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu.

Tất cả các nhiệm vụ khác đều mang tính tự nguyện, đăng ký tham gia nếu có nhu cầu cá nhân. (Ví dụ, các cô có thể đăng ký thi hát nếu cảm thấy thích, nhưng không bắt buộc).

Khi ấy, mỗi giáo viên sẽ có động lực nâng cao chất lượng giảng dạy; và những trò lố như câu chuyện ở Hồng Lĩnh sẽ không thể tiếp diễn.

Trên đây là bài viết mang cái nhìn và quan điểm của Th.S Nguyễn Xuân Quang (một giáo viên tại Hà Nội).

Nguyễn Xuân Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI