Sắp 20/11, đừng bắt thầy cô phải 'gồng mình'

14/11/2019 - 10:44

PNO - Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày học sinh bày tỏ lòng nhớ ơn thầy cô, xã hội tri ân nhà giáo. Vậy mà chính thầy cô lại đang phải gồng mình lên với các hoạt động đó. Vậy họ có thấy hạnh phúc với nghề?

Trống vừa hết tiết, cô bạn đồng nghiệp của tôi bước ra khỏi lớp với nét mặt buồn bã. Nhìn qua, tôi có thể đoán tiết thao giảng của cô không như ý. “Học sinh thụ động quá”, bạn than thở. Tôi gọi một học sinh của lớp để tìm hiểu nguyên nhân. Khi gặp tôi, em đang cầm trên tay một ống nhựa, bôi quét sơn nham nhở. Em bảo: “Dạ, tụi em bận tham gia một số hoạt động nên không nhớ soạn bài cho tiết thao giảng của cô giáo ạ”. Thì ra, trong tháng 11 này, các lớp đang thực hiện một loạt phong trào thi đua do Đoàn trường phát động, hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo.

Tại một trường cấp III ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), ngoài văn nghệ và các tiết mục nhảy múa hiện đại, học sinh các lớp còn thi trang trí tiểu cảnh tại một khuôn viên nhỏ. Mỗi ngày, giáo viên chủ nhiệm và học sinh bận rộn với việc cắt, ghép và tô màu các loại ống nhựa, vỏ chai để trồng cây trang trí. Hoạt động này diễn ra ngoài giờ học nên cứ tới giờ giải lao là các cô trò lại xắn tay tất bật…

Sap 20/11, dung bat thay co phai 'gong minh'
Sản phẩm tiểu cảnh của một lớp sau thời gian cô trò vất vả

Hoạt động là của học sinh, nhưng thầy cô chủ nhiệm là người vất vả nhất. Chuông reo hết giờ, học sinh ra về nhưng cô N.T.H vẫn nán lại để tưới những chậu cây vừa mới dặm. Cạnh đó, những đồng nghiệp khác vẫn đang mải miết với dây kẽm buộc, ốc vít… để treo những sản phẩm đang còn dang dở của lớp mình.

Cứ tới tháng 11, giáo viên chủ nhiệm lại cảm thấy mệt mỏi. Trên lớp, học sinh lo văn nghệ phong trào nên lơ là học tập. Các tiết dạy những hôm ấy nặng nề hơn ngày thường. Sau buổi học, thầy cô ở lại trường để quản lý học sinh nhảy múa hát ca. Chỉ nghĩ đến việc nhắn tin, gọi điện xin phép phụ huynh của các em cũng đã thấy phiền. Người nào khó chịu, không đồng ý, giáo viên phải năn nỉ và giải thích hết lời.

Sap 20/11, dung bat thay co phai 'gong minh'
Trời nhá nhem tối, cô giáo vẫn chưa nghỉ

Tôi thấy khá nghịch lý, ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày mà học sinh có dịp bày tỏ lòng nhớ ơn thầy cô, xã hội gửi lời tri ân các thế hệ nhà giáo. Vậy mà chính các thầy cô lại đang phải gồng mình lên với các hoạt động đó. Nếu vậy, họ có cảm thấy thực sự hạnh phúc và tự hào về nghề?

Tôi cũng là một chủ nhiệm lớp. Từ đầu tháng 11, tôi phải chuẩn bị cho lớp mình phụ trách một lịch trình khá dày: buổi sáng đầu tuần, nhắc cả lớp thu sổ sinh hoạt dưới cờ; cứ vài ngày lại động viên các em thu gom hộp sữa và giấy vụn để làm kế hoạch nhỏ; giờ ra chơi tranh thủ vác loa tìm một chỗ trống để học sinh tập nhảy; cuối ngày kiểm tra sổ đầu bài và gặp riêng học sinh vi phạm để nhắc nhở; hằng tuần, phân công học sinh tham gia làm bài giải Lê Quý Đôn; sắp xếp thời gian trao đổi với giáo viên bộ môn về tình hình học sinh; lên lịch hẹn phụ huynh có con em trong diện học yếu...

Với lịch trình như vậy, có ai khẳng định: giáo viên chỉ việc đến lớp dạy xong rồi về?

Sap 20/11, dung bat thay co phai 'gong minh'
Các lớp đang tập các bài múa, nhảy sau giờ học

Tôi thèm được không khí ngày 20/11 ấm áp như trước đây. Đến ngày đó, cả lớp tập trung đến nhà thầy cô, ra vườn hái ổi, hái khế và đến trưa thì cùng thầy cô nấu cơm, làm các món. Cô trò vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ và gần gũi như một gia đình. Tôi đã từng cảm thấy ngao ngán khi tham dự những ngày lễ tri ân thầy cô giáo mà học sinh lên đó nhảy nhót để khoe hình thể. Còn hát bài Bụi phấn thì sai nhạc và không nhớ lời. Trong khi đó, dưới sân trường, hàng ngàn ánh mắt ngước nhìn và trầm trồ vì một lớp nào đó có phong cách giống nhạc Hàn, áo quần giống thần tượng...

Hoàng Đồng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI