Những trang sách lớn lên cùng cuộc đời

16/12/2016 - 07:45

PNO - Hội thi Lớn lên cùng sách (do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức, dành cho học sinh các trường THCS trên địa bàn TP) đã mở ra một thế giới tâm hồn rộng lớn khác trong thói quen đọc sách của các em.

Hội thi Lớn lên cùng sách (do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức, dành cho học sinh các trường THCS trên địa bàn TP) đã mở ra một thế giới tâm hồn rộng lớn khác trong thói quen đọc sách của các em. Không có Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương, Gào… - những cái tên mỗi lần nhắc đến người ta sẽ liên tưởng ngay đến đối tượng độc giả tuổi học trò, mà ở đó là những cuốn sách ý nghĩa được lựa chọn, những chia sẻ về sách của độc giả tuổi mới lớn có thể khiến người lớn phải bất ngờ.

Cuốn sách mà em Đặng Thành Công (lớp 7/1, trường THCS Trần Quốc Toản, Q.2) vẫn mang theo như một niềm an ủi cho mình là Không gia đình của nhà văn Hector Malot. “Tác phẩm đã theo tôi từ nhỏ, dìu tôi bước đi khi không có ba mẹ cạnh bên, giúp tôi dần trưởng thành, có kinh nghiệm và tự tin bước vào cuộc sống. Tác phẩm khiến tôi hiểu ra nhiều điều và hối hận biết bao những lần oán trách cuộc đời không công bằng. Tôi tự nhìn lại mình, hoàn thiện các mối quan hệ và sống tốt hơn. Truyện cho tôi thấy được sự học là mãi mãi”.

Với Hoàng Ngân Giang (lớp 7), cuốn sách truyền cảm hứng và nghị lực cho em là Câu chuyện đời tôi - về Helen Keller, một người khiếm thị, khiếm thính nhưng là một trong những nhân vật vĩ đại gây chấn động toàn thế giới thế kỷ XX. “Từ khi đọc câu chuyện này, tôi có một niềm tin lớn lao vào cuộc đời. Helen đã vượt qua nhiều gian nan để chứng minh giá trị cho bản thân dù hoàn cảnh có ra sao. Vì thế tôi cũng vậy. Mặc cho mọi thứ như thế nào, tôi cũng không được từ bỏ mà phải làm đến cùng, quyết tâm khẳng định mình” - Ngân Giang chia sẻ.

Nhung trang sach lon len cung cuoc doi
Có được thư viện sách rộng lớn kết hợp không gian vui chơi bổ ích là một trong những mong ước của các em tại hội thi lần này

Những câu chuyện lớn lên cùng cuộc đời. Phần lớn các em chọn đọc những cuốn sách hay của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay những tác phẩm kinh điển văn học nước ngoài. Nhưng ngạc nhiên thay, rất nhiều tựa sách để lại bài học, sự rung động và làm thay đổi tư duy của các em lại là những đầu sách có lẽ người lớn ít nghĩ tới: Lãnh đạo (Barack Obama), Những câu chuyện cảm động (nhiều tác giả), Điều kỳ diệu của thái độ sống (Mac Anderson), Vua lũ đồ chơi (Quế Hương), Mẹ dắt con đi (Phoenix Hồ)…

Có những chia sẻ, những tựa sách nếu không biết trước có khi người ta lại lầm tưởng đó là thói quen đọc của những người trưởng thành. Giống như Phan Ngọc Trâm và Trần Thị Minh Trâm (lớp 9/3, trường THCS Giồng Ông Tố, Q.2). Trong danh sách “những cuốn sách sẽ đọc từ nay đến hết năm 2017” của các em có: Luận ngữ (*), Đắc nhân tâm (Dale Carnegie), Hãy học nhiều hơn từ bây giờ (Macia L. Conner), Nhà giả kim (Paulo Coelho), Giết con chim nhại (Haper Lee), Oscar và bà áo hồng (Eric Emmanuel Schmitt)…

Chẳng những vậy, Minh Trâm còn đề xuất ý tưởng Thư viện dưới đại dương - một công trình kỳ vĩ chỉ dành cho sách, nơi bạn đọc có đủ không gian để thỏa thích đắm chìm trong thế giới sách. “Nhà nước có thể đổ tiền tỷ để xây dựng các công trình nhưng không dùng đến, còn xây nhà nhà sách, thư viện có tầm cỡ thì không thấy! Các thư viện ở trường học xuống cấp, ít sách mới, sách hay… đó cũng là lý do làm học sinh ngại đọc sách. Có một không gian đọc sách là sân chơi bổ ích thật ý nghĩa cho học sinh trong bối cảnh hiện nay” - một góc nhìn từ mong cầu của trẻ nhỏ rất đáng lưu tâm.

Có em lên sẵn kế hoạch đọc sách chi tiết cho cả năm, có em lại phân ra từng tháng: tháng này đọc thể loại truyền thuyết, lịch sử; tháng sau là sách khoa học, kinh tế; tiếp nữa sẽ là sách tâm lý, đạo đức, xã hội... “Đến bây giờ, tôi mới nhận ra mình đã sai khi quá lệ thuộc vào công nghệ. Bây giờ thay vì chơi game, chat Zalo, Facebook… tôi tự lập ra cho mình kế hoạch đọc sách cụ thể và liên tục. Mỗi tuần ít nhất hai cuốn sách nhưng ở nhiều lĩnh vực khác nhau: văn học, khoa học tự nhiên, truyện cười… Sách có thể biến ước mơ thành sự thật, biến những điều không thể thành có thể, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp, trưởng thành hơn” - lời nhắn nhủ khá già dặn từ cô bé học trò lớp 6 Linh Đan, trường THCS Thạnh Mỹ Lợi.

Trong những cảm nhận của các em dành cho sách, không thấy có tên của những cuốn tản văn tình yêu, cảm xúc miên man vụn vặt best-seller những năm gần đây. Có lẽ, những gì được nhìn thấy để đánh giá xu hướng đọc của tuổi teen thời gian qua cũng chỉ là bề nổi. Còn phần giá trị âm thầm hun đúc tâm hồn tuổi mới lớn là những cuốn sách được đọng lại từ những cảm nhận sâu sắc qua cuộc thi lần này. Hội thi Lớn lên cùng sách hiện đã bước vào vòng chung kết cấp quận. Vòng chung kết trao giải toàn thành phố sẽ diễn ra ngày 7/1/2017.

(*) Một trong bốn bộ sách được gọi là Tứ thư, do các môn sinh của Khổng Tử chép lời dạy của thầy.

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, trưởng đại diện văn phòng phía Nam: Để các em được đắm mình trong thế giới sách

Trước khi có Đường sách TP.HCM, những cuộc thi như thế này thường được tổ chức trong các hội trường nhà trường, quận huyện. Vẫn mang đến cho các em sân chơi bổ ích nhưng có thể ít lan tỏa và truyền cảm hứng bằng việc đưa sân chơi ra đường sách. Không gian này giúp các em như được đắm mình trong thế giới sách. Tôi nhìn thấy được niềm vui trong mắt các em và của cả thầy cô giáo.

Hội thi cũng là để chúng ta nhìn thấy “gu” đọc sách của các em nhỏ. Đừng nghĩ tuổi mới lớn chỉ thích đọc những gì nhẹ nhàng, dễ dãi. Biểu đồ đọc sách của các em như hình kim tự tháp vậy. Trên đỉnh chóp là những cuốn sách có giá trị được các em chọn đọc và cảm nhận sâu sắc vô cùng.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: Bất ngờ và xúc động

Tôi rất bất ngờ với những chia sẻ của nhiều em, chỉ mới lớp 6, 7 thôi nhưng cách cảm nhận về sách chững chạc như người trưởng thành. Cách lên kế hoạch đọc sách, lựa chọn tác phẩm cũng khiến người lớn phải giật mình. Tôi xúc động vô cùng khi nhìn những em học trò bé xíu, hiền khô ở xã Cần Thạnh (H.Cần Giờ) lên sân khấu chia sẻ cảm nhận mà còn run run. Thấy thương học trò vùng sâu say mê đọc nhưng thư viện trường lại rất thiếu sách hay. Có lẽ, sau cuộc thi chúng tôi cũng sẽ vận động xây tủ sách, thư viện cho các trường còn nghèo ở ngoại thành.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI