Có chấm dứt được dạy thêm?

17/06/2016 - 15:23

PNO - Dạy thêm-học thêm (DT-HT) là câu chuyện đã quá xưa cũ, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng gần đây lại nóng lên khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu thành phố phải chấm dứt DT-HT ngay trong năm nay.

Đánh giá hoạt động này là tốt hay xấu còn tùy vào mỗi góc nhìn. Về phía học sinh (HS) và cả phụ huynh (PH), khi cảm thấy con mình học chính khóa chưa đủ thì muốn cho HT; các thầy cô giáo thấy HS chưa nắm chắc nội dung bài dạy nên cũng muốn DT để giúp các em củng cố kiến thức. Vì thế, khởi đầu việc DT-HT không có nhiều HS, cũng không bị xem nặng chuyện tiền nong. Tuy nhiên, qua nhiều lần cải cách giáo dục với nội dung chương trình ngày càng dày thêm, nặng nề hơn, khiến thầy cô giáo và HS không thể “tải” nổi trong chương trình chính khóa mà cần phải có thêm thời gian, DTHT dần dà phát triển khắp các cấp học từ tiểu học đến trung học.

Co cham dut duoc day them?
Ảnh minh họa: Internet

Ở tiểu học, HS chuyển từ học một buổi thành hai buổi, buổi tối phải tiếp tục đi HT. Ở bậc trung học, các trường tại TP.HCM đều phải tăng thời lượng giảng dạy các môn học chính (toán, lý, hóa, sinh, Anh, văn) lên 50 - 100% giờ ngay trong trường nhưng hết buổi chiều HS vẫn tiếp tục “hành quân” HT tại nhà thầy cô hoặc tại các trung tâm. Dù suốt ngày học và học, nhưng nếu hỏi “học thế đã đủ chưa?” thì cả HS, PH và thầy cô giáo vẫn trả lời là chưa đủ vì kiến thức của HS vẫn còn mơ hồ, thi đại học sẽ rớt như chơi. Nhưng, các em sẽ phải HT bao nhiêu thời gian mới đủ, khi mỗi ngày chỉ có 24 giờ! Thực tế cũng đã chỉ ra, dù phải ép xác học hành, nhưng chỉ sau các kỳ thi là kiến thức của thầy các em cũng trả lại ngay cho thầy.

Như vậy, việc cần nghĩ đến là phải thay đổi để giáo dục trở nên nhẹ nhàng, hữu ích. Về vấn đề này, trong một lần trao đổi với các nhà báo, đại diện một trường quốc tế tại TP.HCM cho biết: trong trường của họ không có HS cá biệt. HS yếu kém đến mấy họ cũng dạy được, trừ những em đã xác định là chậm phát triển trí tuệ mới phải học ở môi trường khác. Dễ hiểu là chương trình của họ được thiết kế rất “mở”, đáp ứng được với khả năng tiếp thu phong phú của từng HS mà không đòi hỏi tất cả các HS phải tiếp thu như nhau.

Tại trường THPT Việt Úc - một mô hình hợp tác về giáo dục giữa hai Bộ Giáo dục Úc và Bộ GD-ĐT Việt Nam, HS chỉ phải học năm môn theo chương trình của Úc, trong đó có hai môn nền tảng bắt buộc là toán và tiếng Anh học thuật, ba môn tự chọn (trong số rất nhiều môn như vật lý, hóa học, sinh học, kinh tế học, quản trị kinh doanh, khoa học máy tính, tin học ứng dụng…) nhằm giúp các em định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, do đặc thù Việt Nam nên HS còn phải học thêm môn Việt Nam học.

Tuy chỉ học năm môn nhưng thời lượng học tập của HS cũng tương đương với HS VN phải học 13 - 14 môn. Cụ thể, các em phải học 6 tiết/ngày, 30 tiết/tuần; học môn nào phải thi môn đó, nên cái gì đã học là học sâu, nhớ kỹ. Một đặc điểm nữa, theo ông Cao Huy Thảo - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Úc, là giáo dục Úc đi sâu vào thực hành ứng dụng chứ không nặng tính hàn lâm và lý thuyết như VN. Hàng năm, họ đều cập nhật kiến thức cho chương trình nhưng đồng thời cũng loại bớt những cái cũ. Nhờ vậy, HS không cảm thấy khó hiểu, quá tải hay chán nản trong học tập, học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đó nên hoàn toàn không cần phải HT.

Trở lại câu chuyện DT-HT của VN. Đã có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho chuyện DT-HT, nguyên nhân nào cũng có lý nhưng chỉ là cái “ngọn”. Còn cái “gốc” của vấn đề là mục tiêu giáo dục chưa rõ ràng, nội dung chương trình thiếu tính thiết thực, lại quá ôm đồm và nặng nề lý thuyết hàn lâm. Khi nào cái “gốc” chưa sửa được thì khó mà nói đến chuyện chấm dứt DT-HT.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI