Bình đẳng giới và giáo dục giới tính sẽ được chú trọng từ bậc mầm non

30/08/2017 - 07:39

PNO - Bên cạnh chuyện bình đẳng giới, theo ông Trần Kim Tự - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD-ĐT), giáo dục giới tính cũng là vấn đề cần phải có sự điều chỉnh.

Một vấn đề nổi cộm trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành là bất bình đẳng giới. Để thay đổi căn bản vấn đề này, góp phần xóa bỏ định kiến về giới, ngày 28/8 Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm hiện thực hóa bình đẳng giới ngay trong nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng. 

Binh dang gioi va giao duc gioi tinh se duoc chu trong tu bac mam non
 

Bất bình đẳng giới trong SGK

Ông Trần Kim Tự - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhận định, nếu nhìn thoáng qua có thể không thấy rõ những định kiến, những nội dung bất bình đẳng về giới trong SGK. Nhưng nếu đánh giá một cách tổng thể thì đây là một vấn đề nổi cộm.

Khảo sát 76 cuốn SGK trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông mới đây của UNESCO cho thấy, trong tổng số 8.276 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản thì nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới. Trong tổng số 7.987 hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ chiếm 41%, còn lại là trung tính hoặc không rõ giới tính. Chưa kể những ví dụ về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng, thì có tới 95% là nhân vật nam được thể hiện trong SGK.

Tỉ lệ chênh lệch về giới tính của các nhân vật trong SGK cũng có sự khác biệt theo các cấp học theo hướng: càng lên cao sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp trung học phổ thông. Nghề nghiệp của nhân vật nam giới trong SGK cũng đa dạng hơn, trong khi hầu hết nhân vật nữ được mặc định phải là giáo viên và nội trợ. 

Bên cạnh chuyện bình đẳng giới, theo ông Trần Kim Tự, giáo dục giới tính cũng là vấn đề cần phải có sự điều chỉnh. Hiện nay, SGK đã dành nhiều bài học về giới tính trong chương trình Sức khỏe con người ở lớp 5, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc đưa vào cuối cấp là hơi muộn và nên cung cấp ngay từ lớp 1.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đồng ý với quan điểm này: “Việt Nam đang đi chậm hơn nhiều nước trong vấn đề này. Chúng ta đã ký cam kết thực hiện chống phân biệt đối xử với nữ rất sớm nhưng tới nay vẫn còn nhiều bất cập”. 

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề xuất cần phải bổ sung thêm những vấn đề liên quan tới cộng đồng đồng tính - song tính - chuyển giới, bởi đây là vấn đề thực tiễn của xã hội và mới đây, quyền của người chuyển giới đã được thông qua trong bộ luật Dân sự.

Để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chương trình giáo dục phổ thông, TS Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị về một giải pháp căn cơ là phải nâng cao nhận thức về vấn đề này cho các nhà giáo dục, từ ban soạn thảo tới các giáo viên đứng lớp. “Dù sách hay, chương trình tốt mà giáo viên không nhận thức được trong từng bài giảng, thiết kế từng tiết học thì cũng không đạt hiệu quả” - bà Mai Hoa nói.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội Cha mẹ học sinh, cán bộ đoàn đội và các chuyên gia tâm lý trong nhà trường để lồng ghép giới trong các chương trình ngoại khóa. Phương pháp này vừa dễ tiếp thu vừa có tác động lan tỏa. 

Binh dang gioi va giao duc gioi tinh se duoc chu trong tu bac mam non
 

Thêm hình ảnh trẻ em nam làm việc nhà

Ông Trần Kim Tự cho rằng, trong quá trình biên tập, soạn thảo chương trình SGK mới, việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh minh họa phải hết sức cân nhắc và thận trọng: “Có thể thêm hình ảnh trẻ em nam làm việc nhà, bổ sung hình ảnh trẻ em gái năng động chứ không phải yên lặng lắng nghe như hiện nay”.

Liên quan tới vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ, theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương Giáo dục phổ thông tổng thể, nội dung bình đẳng giới và giáo dục giới tính sẽ được chú trọng hơn trong chương trình mới và được định hướng từ bậc mầm non. Tuy nhiên những câu chuyện “nhạy cảm”, kiến thức sinh sản ở con người thì phải triển khai từ lớp 4.

GS Thuyết lý giải: “Bố mẹ một mặt muốn giáo dục con cái nhưng một mặt khi giáo dục sớm lại kêu “vẽ đường cho hươu chạy”. GS Thuyết bày tỏ quan điểm: “Bình đẳng giới theo một số người là “cào bằng” nhưng cá nhân tôi không đồng ý, bởi sự khác biệt về giới là yếu tố tạo ra sức hấp dẫn của từng phái. Chúng ta không buộc phụ nữ vào bếp, nhưng phụ nữ có cá tính riêng và sức mạnh của phụ nữ không phải ở cơ bắp”. 

Không chỉ là lồng ghép bình đẳng giới, theo tổng chủ biên chương trình, các nhà soạn thảo phải coi đây là nội dung chính sẽ phải tập trung đưa vào một số môn học như Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm. 

Mặc dù vấn đề lồng ghép bình đẳng giới vào chương trình giáo dục phổ thông nhận được sự hưởng ứng, quyết tâm của nhiều bộ ngành, song theo TS Khuất Thu Hồng - chuyên gia về bình đẳng giới, cần phải có chỉ tiêu như một cam kết để thực hiện chuyên nghiệp, bài bản: “Chúng ta cần có tiêu chí đánh giá, nếu không, như nhiều năm trước, chúng ta kêu gọi nhưng không biết kết quả đến đâu và chất lượng như thế nào” - TS Hồng nói. 

Bà Hồng cũng cho rằng, Việt Nam đã bàn tới câu chuyện bình đẳng giới từ 30 năm nay, cụ thể là triển khai giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản từ năm 1990, tuy nhiên đến nay vấn đề vẫn dậm chân tại chỗ.

“Mỗi lần chúng tôi đi khảo sát ở các trường phổ thông, nhận được rất nhiều ý kiến của phụ huynh và học sinh với mong muốn triển khai chương trình. Câu chuyện xâm hại tình dục thời gian qua là một hồi chuông cảnh báo để chúng ta nhận thức rõ sự cần thiết của vấn đề này. Đây là cơ hội để làm căn bản, không để hội nghị, hội thảo nhiều nhưng vấn đề vẫn “treo” ở đấy” - TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI