Rời phố về quê một chuyến xem sao

28/06/2016 - 07:32

PNO - Lâu lâu rời thành phố cao nguyên, cảm giác ở gần với ba mẹ, anh em thật khó tả.

Ba học ít nhưng đọc sách nhiều nên hiểu biết rất sâu. Rảnh chút ngồi đánh cờ với cậu em rể, vốn là bạn học cũ. Anh chàng ấm ức: ở cơ quan đánh thắng khối người mà về nhà không chịu nổi anh Hai…

Nhưng thoải mái nhất là được bỏ cặp mắt kính. Dù chưa cận đến phải đeo kính suốt ngày nhưng ngồi trước máy tính, xem ti vi hay đi đường không đeo kính thì mỏi mắt lắm. Về vườn, bỏ mắt kính, cây vườn vẫn xanh màu lá tươi non, trái vẫn đủ cam, đỏ, vàng… những màu sắc thật dễ chịu. Bỏ mắt kính, vẫn biết đâu là con mực, con phèn.

Đi đâu nó cũng quấn lấy chân chờ cái vuốt đầu. Vẫn phân biệt được… tiếng chó nhà và tiếng chó hàng xóm trong các cuộc gây gổ ồn ào. Bỏ mắt kính, nhìn mặt ba bớt nếp nhăn hơn, tóc mẹ bớt sợi bạc hơn, nhưng giọng nói của người thì vẫn ấm áp như ngày nào. Thì vậy, con dù lớn vẫn là con của mẹ mà!

Bỏ mắt kính, không còn mở máy tính hay lên mạng nữa. “Quăng” trên facebook hay đặt status trên YM một câu: “Về quê, không có internet”. Vậy là bạn bè hiểu, không kêu réo nữa. Không thèm xem ti vi luôn. Bỏ qua các bộ phim đang theo dõi dở. Còn chút bản tin thể thao thì đã nghe đài cùng ba lúc năm giờ rưỡi sáng. Tình hình thời sự ít nhiều vẫn nắm do tin tức từ radio!

Cũng không phải đi xe nên chẳng sợ mỏi mắt. Chỉ đi vòng quanh vườn nhà. Mắt không tỏ lắm nhưng vẫn thấy màu đỏ tươi của hoa chuối, màu hồng phớt của hoa bắp, màu vàng nhạt của hoa giấm mọc dại, màu trắng tinh khiết của hoa bưởi, màu vàng ươm của hoa cỏ đậu phộng trồng đầy trước cổng, màu tím biếc thơm ngát của mấy chậu phong lan của chú em trồng… Dịu lắm, không mỏi, không mệt, càng không nhức mắt.

Roi pho ve que mot chuyen xem sao
Ảnh: Duy Trần

Bỏ mắt kính, lắm khi được làm một nông dân thực thụ. Cũng “xạc lay cuốc lỗ” để trồng vài hàng bắp giúp mẹ lấy trái; cũng “tay dao tay cưa” tỉa cành bưởi cho ba; cũng xe rùa đẩy phân bỏ gốc quýt… Việc nào làm cũng hăng nhưng mồ hôi mau ra, nhanh thở dốc, chẳng bao lâu đã phồng rộp đôi tay… Có lúc nghĩ mình là người con của xứ, của đất nhưng rồi đi xa, đi lâu như thể chẳng thuộc về xứ này, đất này nữa. Vậy mà chỉ một chuyến về quê, vẫn nhận ra mình của ngày xưa với chân trần lội rẫy, đẩy xe thồ, sức thanh niên chỉ có đói chứ không biết mệt…

Chỉ sau một ngày, mắt đã khá quen với việc đọc sách mà không mắt kính. Vẫn hàng bó sách cũ, mua hồi còn đi học. Ba nâng niu giữ gìn kỹ lưỡng từng nhóm một trong tủ. Nằm võng trước hiên nhà đón gió mát, đọc lại cuốn sách từng yêu thích, vẫn thấy sống lại cảm xúc tuổi hoa niên. Lâu lâu, cầm đại một tập nào trong bộ Tam quốc diễn nghĩa, đọc vài trang, lại thấy ghét ông Lưu Bị hở cái là khóc, thấy bực ông tác giả đã thần thánh hóa Khổng Minh, vẫn thương tướng Bàng Đức trung thành, buồn cười chuyện “sinh Du hà sinh Lượng”… Mới rồi, đọc lại Mùa tôm, lòng lại thấy thổn thức chuyện tình yêu dang dở của các nhân vật, xót xa cái định kiến hẹp hòi của xã hội, lại nhớ những người đã từng đi qua cuộc đời…

Cuối chuyến về quê, nheo nheo mắt nhìn trên điện thoại để gọi điện cho bà xã, hai con gái: “Chiều ba về”. Đó là thiết bị hiện đại gần như duy nhất vẫn còn xài, vẫn phải xài, vì có nhiều lẽ không thể bỏ qua được. Định hôm nào tắt luôn cả điện thoại, để tách biệt hơn với thế giới văn minh, dĩ nhiên chỉ tạm vài ngày. Để thấy cuộc sống chậm hơn, tĩnh hơn, đáng yêu hơn. Chứ loài người đã đi đến văn minh này, mình từ chối nó khác nào đi ngược lại với sự tiến bộ của lịch sử…

Về thành phố, lại đeo kính khi ngồi trước máy tính hay khi đi đường. Lại bắt nhịp với cuộc sống sôi động nơi “phồn hoa đô hội”. Nhưng lần này đã khác, khác là do vừa nạp được “năng lượng” từ quê nhà. Người ở phố hẳn đều có cảm giác ấy. Cảm giác năng động hơn, đủ đầy hơn. Nếu vẫn thấy mình còn thiếu thốn đâu đó, rời phố về quê một chuyến xem sao. Thật khó quên khi lao vào công việc nhộn nhịp hằng ngày mà lòng vẫn đầy nguyên cảm giác thư thái vừa qua.

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI