Những mảnh vỡ vẹn tròn

17/01/2017 - 16:30

PNO - Ði chơi, đi ăn cùng nhau, có chuyện gì quan trọng cũng gọi cho nhau, nhiều người hỏi chị Hoàng Diệu Thu liệu hai người có “tái hôn”?

Chị bảo: “Tôi với anh ấy giờ là bạn, trước hết là tốt cho con, sau hết tốt cho bản thân mình. Chia tay nhau vì những tật xấu không thể nào bỏ qua, nhưng những cái tốt mà vì thế chúng tôi đã yêu nhau và lấy nhau vẫn còn đó, và nhất là đứa con chung ở đó, sao lại không thể đối xử tốt với nhau?”.

Nhung manh vo ven tron
 

Chỉ nhớ những điều tốt đẹp về nhau

Sáu tháng sau khi ly hôn, chị Thu không gặp lại người từng là chồng của mình. Thời gian ấy vốn chẳng dễ dàng với bất cứ ai… Thế nên mỗi lần nhớ cháu, bà nội của bé An lại phải lặn lội từ Q.Thủ Đức lên Q.4 để nhìn thằng bé. Nhìn cảnh bà quấn quýt cháu, chị Thu bỗng nhớ lại ngày trước.

Hồi đó, anh chị mới cưới nhau chừng ba tháng thì bố chồng chị đột ngột ra đi. Chị chồng bảo với Thu rằng mẹ chồng chị đủ thứ bệnh trong người, cô chú muốn bà vui thì mau sinh cho bà thằng cháu đích tôn. Thế là chị quyết định sinh con, dù chưa chuẩn bị tâm thế làm mẹ. Nhớ về ngày ấy, thương bà nội thằng bé, chị Diệu Thu bắt đầu mỗi tuần đưa bé An về thăm bà nội, cho bà khỏi đi xa vất vả.

Bây giờ, khi bà nội đã đi xa, chị vẫn nhắc nhớ những kỷ niệm tốt đẹp với gia đình chồng: “Gia đình chồng đối xử với tôi tốt lắm. Tôi thì vụng về, lại lười việc nhà. Mẹ chẳng bao giờ trách móc. Đi làm về là có cơm ăn, cái bát mẹ cũng chẳng bắt rửa. Có bầu, tôi thích ăn gì bà cũng lụm cụm mua về làm cho ăn”.

Những việc tưởng như rất nhỏ ấy, có nhiều nàng dâu hay quên, chỉ nhớ những điều buồn mà trách móc. Chị Thu lấy đó làm điều cơ bản để mà nhớ và thương yêu, mà đối xử với mẹ, với chồng cũ cho đàng hoàng. Ngày cha chị Thu mất, anh vẫn chạy qua lo đám tang cho cha vợ cũ và chị Thu vẫn về đội tang mẹ chồng cũ ngày bà ra đi.

Ba năm sau ngày hai vợ chồng ly hôn, bé An bắt đầu thắc mắc: “Mẹ ơi, vì sao ba mẹ không sống chung với nhau như ở nhà các bạn khác?”. Dù thấy ba mẹ vẫn trò chuyện với nhau, đưa mình đi ăn chung, cuối tuần mẹ đưa mình về, nấu cơm cho ba ăn để ba khỏi buồn vì bà mất, thậm chí khi gia đình bên ngoại có chuyến đi chơi xa chung, ba cũng cùng đi với cả nhà, bé An vẫn nhận ra cuộc sống gia đình mình khác với bạn bè. Chị Thu phải giải thích với con trai rằng ba mẹ không hạp nhau thì chia tay nhau, mỗi người sống riêng một nhà, nhưng con thì vẫn là con chung của ba mẹ, ba vẫn yêu con và mẹ cũng yêu con.

Cười thoải mái, chị Thu bảo: “Thậm chí tôi còn phải sến sến một chút, nói rằng con là kết tinh của tình yêu ba mẹ, nên con bao giờ cũng là quý giá nhất với cả ba và mẹ”. Bé An càng lớn, chị Thu càng nhận thấy con mình không thể thiếu sự chỉ bảo, dạy dỗ của người đàn ông, vì bé là con trai, không người mẹ nào có thể hiểu hết hay chia sẻ được. Chị luôn làm mọi cách để con gắn bó nhiều hơn với bố. Chị thường nói với con: “Mẹ chỉ có một và bố cũng chỉ có một thôi. Con lớn lên rồi sẽ có đời sống riêng của con, sẽ xa dần cả bố mẹ, nên bây giờ, con phải gần gũi, thương yêu bố nhiều hơn”.

Có nhiều người thấy chị Thu và anh Hiếu thân thiết, giúp đỡ, chia sẻ, lo toan cho nhau, thậm chí hơn hồi còn là vợ chồng, nên khuyên chị Thu nên tái hợp. Chị bảo, bây giờ mọi việc rất nhẹ nhàng, thanh thản, có lẽ vì tình yêu đã qua, còn lại tình bạn với những gắn bó cũ và những quan tâm chung.

Chị nói: “Ngày xưa ông ấy đi nhậu suốt, vợ chồng cãi cọ, bực bội hoài. Còn bây giờ, có khi hai mẹ con về chơi, thấy ông ấy có bạn đến, tôi còn phụ làm mồi nhậu. Nghiệm ra là ngày xưa còn yêu, còn ý thức chiếm giữ, sở hữu, ích kỷ nên mọi việc mới căng thẳng. Bây giờ chỉ là bạn nên chuyện gì cũng dễ cảm thông hơn. Mà nhờ thế, con tôi cũng vui vẻ hơn. Nó lớn lên hài hước, hóm hỉnh và rất tình cảm với cả mẹ và ba, thế là cả tôi và anh Hiếu đều yên tâm rằng tụi mình đã không làm gì tổn thương đến tâm lý, sự phát triển của con”.

Nhung manh vo ven tron
 

Bình an cho con

Trong những gia đình có hoàn cảnh ly hôn, điều khó khăn nhất sau khi mọi việc đã được quyết định, chính là nói với con thế nào. Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy kể chuyện mình phải chuẩn bị cho việc đón nhận tin bố mẹ ly hôn của cô con gái nhỏ mới hai tuổi: “Tôi có hai cháu, cháu lớn học lớp 5, đã có những hiểu biết nhất  định và vì thế, với cháu mọi việc dễ dàng hơn. Cháu đã chứng kiến những bất hòa, xung đột ngấm ngầm trong gia đình và đã có những hiểu biết về hai chữ ly hôn. Còn cháu nhỏ mới hai tuổi, tôi đã phải có đến hai cuộc trò chuyện với cháu.

 Làm trong ngành tâm lý, chúng tôi hiểu rằng cách tốt nhất để con trẻ chấp nhận và không bị sốc là trò chuyện thẳng thắn, rõ ràng với con. Tôi giải thích với cháu rằng sắp tới ba mẹ sẽ không ở với nhau nữa nhưng đó là chuyện của ba mẹ với nhau, còn ba mẹ vẫn yêu thương các con như cũ. Con gái tôi khi ấy nói rằng cháu rất buồn và chỉ muốn ba mẹ vẫn ở với nhau, muốn được sống cùng với cả ba mẹ. Tôi đã phải nói thêm lần nữa với cháu rằng chuyện đó là không thể được và thuyết phục cháu hiểu rằng ngoại trừ việc ba không còn sống chung trong nhà thì sẽ không có gì thay đổi trong cuộc sống của các con”.

Với anh Uy, những điều anh tâm sự với con không phải là cuộc nói chuyện suông. Anh muốn con hiểu rằng điều mình đã nói là sự thật thì cả hai bên bố mẹ đều phải cố gắng thực hiện. Giữ cho cuộc sống của các cháu không bị xáo trộn, không bị chấn thương là điều nhất định cả hai vợ chồng phải làm. Đó cũng chính là lý do mà họ đã có những bàn bạc nhẹ nhàng với nhau về việc ly hôn, về việc con ở với ai, về tài sản chung và riêng.

Tài sản quý giá nhất với họ trong thời kỳ hôn nhân là hai con, vì thế họ không có tranh giành, chia sẻ nào khiến các con cảm thấy xáo trộn, để mọi việc không nát bét, nhất là trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Ly hôn xong, anh Uy nhẹ nhàng thu dọn ít quần áo của mình để ra ngoài, thuê nhà ở. Đó cũng là thời gian anh phải ghép thận. Không muốn vợ cũ phải suy nghĩ, băn khoăn, khó xử về mình, anh nói trước rằng anh có thể tự lo cho mình, chị và các con cứ yên tâm, nhất là chị, cứ tập trung lo cho con.

Từng là thầy giáo của vợ cũ, trong suốt thời kỳ chung sống, và bây giờ, khi đã ly hôn, vợ chồng anh vẫn xưng hô với nhau bằng tiếng “thầy” nhẹ nhàng và trân trọng. Chung ngành nghề nên họ vẫn trao đổi tài liệu, giúp nhau trong những công việc chuyên môn. Sau mọi sóng gió của cuộc chia tay, họ đã lấy lại được thăng bằng để cùng nhau chăm sóc những đứa trẻ.

Căn nhà anh Ngô Minh Uy thuê để sống cách không xa nhà vợ cũ và các con anh ở. Đó là lựa chọn của anh để có thể gần gũi với các con nhiều hơn. Dù trước tòa có những phân chia rạch ròi về nghĩa vụ của hai bên, nhưng anh Uy vẫn luôn cố gắng làm hơn những gì mình có thể làm. Tìm cho con một môi trường học hành tốt, là nơi mình từng có mối quan hệ công việc và lo lắng chu cấp những khoản tiền cho việc học của con, với anh là chưa đủ.

Biết con gái đang tuổi dậy thì, có nhiều thay đổi, xáo trộn trong tâm lý, cần được hướng dẫn, kèm cặp khéo léo, nhẹ nhàng, tế nhị, anh thường xuyên đưa đón con đi học mỗi ngày để có thể trò chuyện, chia sẻ kịp thời những tình cảm suy nghĩ của con.

Trò chuyện về các con, anh Uy bảo: “Cả tôi và vợ đều còn trẻ, rồi sẽ phải đi bước nữa, nên tôi cũng đã suy nghĩ hết cho việc này. Người bạn gái hiện tại của tôi phải chia sẻ được những điều tôi quan tâm, chăm sóc cho các con của mình. Cô ấy hiểu rằng cô ấy đang yêu một người đàn ông có con và phải chấp nhận ưu tiên mọi cơ hội tôi tiếp xúc, gần gũi với các con của mình. Hoàn thành mọi nghĩa vụ trách nhiệm với các con thì tôi mới có thể có được hạnh phúc là điều cô ấy phải hiểu”.

Người ta thường nghĩ về ly hôn với những hình dung hết sức khủng khiếp, dường như đó là một tai họa lớn cho đời mình, cho đời các con mình. Tất nhiên là giá như được sống bình an, hạnh phúc bên nhau tới đầu bạc răng long, con cái trưởng thành thì chẳng hạnh phúc nào hơn. Nhưng con người luôn có thể có những chọn lựa sai lầm, những cư xử sai lầm, những lỗi lầm khiến đổ vỡ một hạnh phúc vẹn tròn.

Khi lâm vào hoàn cảnh đó, cách sửa sai không phải là làm cho mọi việc vỡ nát hơn mà làm sao để mỗi mảnh vỡ được vẹn tròn trong tình cảm, tâm lý, và những mảnh vỡ “con” không bị thêm trầy xước, nát tan. Và như thế, ly hôn sẽ lại có những sắc thái đẹp riêng của nó, khi con người, lựa chọn nào cũng là để hướng về hạnh phúc bình an.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI