Tại sao mẹ làm bánh, bố sửa nhà, con dễ bị tai nạn?

25/01/2017 - 07:00

PNO - Những ngày giáp Tết đang trong giai đoạn “nước rút”, cũng là lúc trẻ dễ bị tai nạn khi người lớn sửa chữa nhà cửa, làm bánh…

“Hung thủ” nước tro tàu

Nhiều gia đình dùng nước tro tàu để chế biến thực phẩm cho ngày Tết như làm mềm bánh, làm trắng bao tử heo… Thế nhưng, theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, nước tro tàu là một loại hóa chất cực mạnh. Nếu đổ chất kiềm này vào nước lạnh thì bốc khói và sôi sung sục. Nhiều bệnh nhi nhập viện được chẩn đoán bỏng thực quản, teo thực quản do người lớn để nước tro tàu vào những chai nước ngọt, nước suối.

Tai sao me lam banh, bo sua nha, con de bi tai nan?
Ảnh Internet

Sửa nhà đừng để đinh lung tung

Cuối năm, nhiều gia đình dùng đinh đóng tường, hoặc gỡ những thanh giường, tủ… còn dính đinh chưa kịp gỡ ra, cũng khiến trẻ nhỏ đạp phải. Bác sĩ Lâm Minh Yến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khuyên: Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng do độc tố tetanospasmin của vi trùng (hay còn gọi là nha bào) uốn ván tiết ra.

Nha bào uốn ván có trong đất, nước, đặc biệt là đất canh tác, bụi, không khí, phân súc vật… Chúng “lì đòn” đến mức có thể tồn tại vài giờ trong nước sôi, chịu đựng được 15-20 phút trong lò hấp tiệt trùng 120 độ C.

Tai sao me lam banh, bo sua nha, con de bi tai nan?
Ảnh Internet

Trẻ sẽ ủ bệnh trung bình từ 2 – 10 ngày, sau đó bệnh sẽ khởi phát, với biểu hiện ban đầu mơ hồ như: bỏ bú, bỏ ăn, quấy khóc, nhăn mặt, gồng cơ, cứng người, liệt đường thở và không điều trị kịp sẽ tử vong. Do đó, phụ huynh phải xem lại lịch chích ngừa để tiêm nhắc lại vắc-xin cho trẻ.

Coi chừng hồ cá kiểng

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cảnh tỉnh: Tết đên, trẻ dễ bị đuối nước, điện giật, thậm chí nuốt phải bóng đèn chớp từ hồ non bộ, hồ cá kiểng. Tai nạn xảy ra chủ yếu ở trẻ mới biết đi, thường dưới ba tuổi.

Tai sao me lam banh, bo sua nha, con de bi tai nan?
Ảnh Internet

Với những trẻ đuối nước, nếu trẻ bị ngưng tim ngưng thở thì tiến hành ấn tim, hà hơi thổi ngạt chứ không áp dụng các biện pháp truyền miệng phản khoa học như: hơ lửa, bỏ trên lu lăn qua lăn lại, xốc ngược chân trẻ lên để trút nước trong bụng ra,… Những biện pháp này làm mất thời gian vàng cấp cứu cho trẻ và cũng không góp phần vào việc cấp cứu, thậm chí trẻ có thể bị sặc nước trong bụng chảy ra, khiến bệnh nặng hơn.

  Nước lau nhà, thuốc tẩy

Theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, với những trường hợp trẻ uống nhầm thuốc tẩy, nước lau nhà thì phụ huynh tuyệt đối không gây nôn. Những loại dung dịch này thường có tính ăn mòn cao; dễ gây viêm loét ruột.

 
Tai sao me lam banh, bo sua nha, con de bi tai nan?
Ảnh Internet
 

Nếu gây nôn ói thì dung dịch đó lại trào qua miệng trở lại, coi như trẻ bị ngộ độc lần hai. Đây là lý do khiến trẻ càng có nguy cơ loét ruột, tổn thương dạ dày. Cách tốt nhất trước khi đưa đến bệnh viện là phụ huynh cho trẻ uống thật nhiều nước để làm dung dịch trong dạ dày loãng ra; nhằm giảm độ ăn mòn của dung dịch và giúp giảm tổn thương thận.

Lê Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI