COVAX và những thách thức với sứ mệnh "công bằng vắc-xin" cho các nước nghèo

22/05/2021 - 16:55

PNO - Được xem như là cứu cánh của các nước nghèo trong phân phối vắc-xin COVID-19, cơ chế COVAX đang phải đối mặt với những thách thức không dễ vượt qua.

Ngay từ những ngày đầu khi đại dịch tấn công con người vào đầu năm 2020, các chuyên gia y tế đã nhìn thấy trước một “viễn cảnh đáng sợ”: Vắc-xin ngừa COVID-19 được tạo ra để chống lại dịch bệnh nhưng phần lớn lại được lấp đầy trong kho lạnh của các nước giàu, trong khi người dân ở các nước nghèo phải nhiễm bệnh và chết.

Phần lớn lượng vắc-xin hiện nay đang được các nước giàu nắm giữ khiến người dân các nước nghèo khó có cơ hội để tiếp cận - Ảnh: PAHO
Phần lớn lượng vắc-xin hiện nay đang được các nước giàu nắm giữ khiến người dân các nước nghèo khó có cơ hội để tiếp cận - Ảnh: PAHO

Sáng kiến toàn cầu đang gặp khó khăn

Để ngăn chặn “cơn ác mộng” này, một sáng kiến có quy mô toàn cầu mang tên COVAX đã được lập nên với sứ mệnh “đảm bảo mọi quốc gia trên thế giới đều được tiếp cận nguồn vắc-xin một cách công bằng mà không phụ thuộc vào khả năng ngân sách”. Và mục tiêu của sáng kiến này cũng rất rõ ràng: Thu mua 2 tỷ liều để phân phối đến những quốc gia cần trợ giúp về vắc-xin vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, đã gần nửa năm trôi qua nhưng COVAX chỉ mới có thể chuyển giao được hơn 68 triệu liều, đạt 3,4% mục tiêu mà thôi.

Và đúng như các nhà khoa học đã “tiên tri” trước đó, trong hơn 1,5 triệu liều được bàn giao cho các nước trên khắp thế giới đến nay, chỉ có 0,3% là đến được tay của các nước có thu nhập thấp. Hậu quả có thể nhìn thấy rõ: cứ mỗi ngày trôi qua lại có hàng ngàn người dân bị “thần chết COVID” cướp đi mạng sống vì không được tiêm chủng, và con số tử vong ngày hôm sau lại cao hơn ngày trước.

Ông Bruce Aylward, chuyên gia Y tế của WHO - Ảnh: AFP/Getty Images
Ông Bruce Aylward, chuyên gia Y tế của WHO - Ảnh: AFP/Getty Images

“Nhiều đồng nghiệp liên tục hỏi tôi rằng, liệu có phải các biến thể mới của COVID-19 khiến tôi mất ngủ hay không? Câu trả lời của tôi là: Không phải”, ông Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng thời là chuyên gia làm việc cho sáng kiến COVAX nói. “Điều đáng sợ hơn cả là cách mà con người đối xử với nhau - Người ta không sẵn lòng chia sẻ”.

Thực ra thì mục tiêu “phân phối công bằng vắc-xin” mà COVAX đang theo đuổi không phải là không có những kết quả cụ thể nào. Đến nay, sáng kiến này đã chuyển những liều vắc-xin quý giá đến 124 quốc gia trên khắp thế giới, từ Argentina đến Zambia, cũng như liên tục thúc đẩy các nước giàu thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng quốc tế.

Thế nhưng, nói như bà Kate Dodson, Phó chủ tịch phụ trách sức khỏe toàn cầu của Liên hợp quốc, thì “Sáng kiến này đang phải vật lộn với nhiều khó khăn thách thức”.

Theo các nhà phân tích thì COVAX đang đối mặt với 3 vấn đề chính, đó là: Ngân sách, nguồn cung của vắc-xin, và sự sẻ chia của các nước giàu cho các nước nghèo.

Một phụ nữ người Kenya đang được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Brian Ongoro/AFP via Getty Images
Một phụ nữ người Kenya đang được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Brian Ongoro/AFP /Getty Images

“Thiếu tiền. Và khi có tiền thì đã chậm chân”

WHO, GAVI và CEPI là 3 tổ chức có công lớn khi “khai sinh” ra COVAX ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch vừa xuất hiện, và biến sáng kiến này thành một cơ chế tài chính phi lợi nhuận đặc thù theo hình thức của một quỹ đa phương tập trung vào vắc-xin. Việc vận hành quỹ xuất phát từ ý tưởng: những quốc gia giàu có sẽ xuất ngân sách để tài trợ cho quá trình nghiên cứu và chế biến vắc-xin, sau đó sẽ tài trợ vắc-xin miễn phí đến 92 nước có thu nhập thấp không đủ khả năng để chi trả cho việc mua vắc-xin được.

Nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, mọi việc lại đi theo hướng khác khi chứng kiến những gì đang xảy ra trên thực tế.

Chính phủ nhiều nước đã kịp “tấn công” các nhà sản xuất vắc-xin bằng những “hợp đồng song phương tỷ đô” để vét sạch hầu hết lượng vắc-xin có thể sản xuất trong cả năm 2021. Điều này khiến cho COVAX, vốn không có đủ tiền trong giai đoạn đầu, đành phải rơi vào tình cảnh “trâu chậm uống nước đục” với một lượng vắc-xin khiêm tốn có thể thu mua cho các nước nghèo.

Thiếu hụt ngân sách khiến COVAX không thể thu mua vắc-xin kịp thời - Ảnh: RAND
Thiếu hụt ngân sách khiến COVAX không thể thu mua vắc-xin kịp thời - Ảnh: RAND

“Nguyên nhân chính nằm ở chỗ, COVAX không có đủ tiền, và khi có tiền thì mọi thứ đã trở nên muộn màng”, bà Amanda Glassman, Giám đốc Chính sách Y tế thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu có trụ sở ở Anh và Mỹ nhận xét.

“Nếu trong tay họ có đủ tiền từ hồi tháng 3 cho đến tháng 6/2020 thì tình hình thu mua và phân phối vắc-xin đã khả quan hơn rồi”.

Và cho đến tận thời điểm này, COVAX vẫn không thể có đủ nguồn lực để mua vắc-xin chỉ để tiêm cho 20% dân số (ưu tiên cho cán bộ y tế và các nhóm dễ bị tổn thương nhất) của từng nước nghèo vào cuối năm nay. Họ đang cần phải huy động thêm khoản 2,6 tỷ USD nữa, và như vậy, những người dân ở các nước nghèo sẽ phải đợi đến đầu hoặc giữa năm 2022 thì mới có cơ hội được tiêm chủng.

“Nguồn cung đang khan hiếm”

Thách thức thứ hai mà COVAX đang phải đối mặt là vắc-xin và nguồn nguyên liệu thô để chế biến vắc-xin hiện rất thiếu hụt. Nguyên nhân là do các nước giàu đã kịp mua phần lớn nguồn vắc-xin ngay từ rất sớm cũng như những diễn biến khó lường của đại dịch qua từng thời điểm làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất vắc-xin của các công ty.

Khủng hoảng COVID-19 ở Ấn Độ cũng đã góp phần vào việc sụt giảm nguồn cung vắc-xin cho sáng kiến COVAX - Ảnh: QZ
Khủng hoảng COVID-19 ở Ấn Độ cũng đã góp phần vào việc sụt giảm nguồn cung vắc-xin cho sáng kiến COVAX - Ảnh: QZ

Chẳng hạn như nhà cung ứng chính của COVAX là Viện Huyết thanh Ấn Độ, nơi sản xuất vắc-xin AstraZeneca để cung cấp cho các nước thu nhập thấp. Thế nhưng với “cơn sóng thần COVID-19” vừa tấn công quốc gia có dân số lớn thứ hai trên thế này thì hiển nhiên nguồn cung vắc-xin sẽ được ưu tiên dành cho nhu cầu nội địa.

“Chúng ta cần một cách nào đó để có thể tăng lượng vắc-xin nhiều và nhanh hơn trước để có thể có đủ lượng vắc-xin phân phối trong năm 2021 và đầu năm 2022”, bà Ruth Faden, nhà sáng lập Viện Đạo đức Sinh học Johns Hopkins Berman (Mỹ) nói.

Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ cần xây dựng nhiều nhà máy hơn hay tăng quy mô sản xuất vắc-xin mà là khả năng điều phối và giải quyết một loạt những yếu tố đằng sau như: chuyển giao kỹ thuật công nghệ và nhân lực cho các nước khác, cung cấp kịp thời nguồn nguyên liệu thô để tránh tình trạng “nghẽn cổ chai” trong sản xuất vắc-xin, cũng như nới lõng các quy định vốn rất khắt khe về quyền sở hữu trí tuệ.

“Nước giàu cần sẵn sàng chia sẻ hơn”

Điều này có nghĩa là cần có sự tái phân phối nguồn vắc-xin đã được phân phối trước đó. Chẳng hạn như, nước Mỹ hiện đang có khoảng 73 triệu liều vắc-xin nằm trong kho lưu trữ, và một phần trong số này có thể được chia sẻ với các nước nghèo.

Thế giới đang kêu gọi nước Mỹ chia sẻ nguồn vắc-xin dự trữ của mình cho các nước nghèo - Ảnh: Morry Gash, Pool/
Thế giới đang kêu gọi nước Mỹ chia sẻ nguồn vắc-xin dự trữ của mình cho các nước nghèo - Ảnh: Morry Gash, Pool/AP

Ngoài ra, lý tưởng hơn cả vẫn là việc đóng góp nguồn vắc-xin đến những nơi cần đến cần thực hiện ngay cả trước khi các lô hàng được giao đi cho các quốc gia giàu có đã “chồng tiền”.

Thêm một cách nữa, đó là những nước giàu nên “nhường chỗ” cho các nước nghèo khi vắc-xin được bán ra, hay thậm chí, nhường các hợp đồng đã ký cho những quốc gia đang thật sự cần có vắc-xin để có thể tồn tại.

Theo tính toán thì Mỹ sẽ có lượng vắc-xin dôi dư lên đến 300 triệu liều ngay cả khi hầu hết dân Mỹ (tính cả trẻ em) đã được tiêm đầy đủ vắc-xin. Số vắc-xin dư này hoàn toàn có thể được san sẻ cho những nước nghèo.

WHO cũng vừa khởi động chiến dịch mang tên “Go Give One” nhằm kêu gọi mỗi cá nhân ủng hộ 7 USD để mua vắc-xin tặng một người dân ở nước nghèo thông qua chương trình COVAX.

“Đây là lúc mà mỗi người có thể thiện hiện trách nhiệm cá nhân của mình với một vấn đề mang tính toàn cầu”, người phát ngôn của GAVI, một đối tác thuộc sáng kiến COVAX nói.

Bên cạnh đó, WHO cũng nhấn mạnh đến vai trò của chính phủ các nước giàu cần thể hiện rõ hơn cam kết của mình với cộng đồng quốc tế.

Nguyễn Thuận (theo VOX)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI