“Tội” của váy ngắn

26/05/2013 - 07:15

PNO - PNCN - Tháng 4/2013, Uganda đưa tin đang xem xét một dự luật “chống khiêu dâm”, qua đó có thể cho phép bắt những phụ nữ xuất hiện nơi công cộng khi họ mặc váy ngắn trên đầu gối. Bất cứ ai được cho là có tội tiếp tay với các...

Bộ trưởng Bộ Liêm chính Simon Lokodo ủng hộ dự luật này: “Luật sẽ cấm bất kỳ loại trang phục không đứng đắn nào, gồm cả váy ngắn. Trang phục cho thấy những phần riêng tư của cơ thể, đặc biệt những vùng có chức năng khiêu dâm, đều phạm luật. Bất cứ thứ gì trên đầu gối bị hở ra đều phạm luật. Nếu một phụ nữ mặc váy ngắn, chúng tôi sẽ bắt cô ta”.

“Toi” cua vay ngan

Bộ trưởng Simon Lodoko (ảnh: Newsone.com)

Lokodo, trước đây từng là linh mục, cho rằng nạn nhân của bạo lực tình dục tự chuốc lấy tai họa: “Người ta có thể mặc cái gì họ muốn, nhưng xin đừng khiêu khích. Có những người ăn mặc khiếm nhã, họ biết đó là sự khiêu khích, và đôi khi chính họ bị tấn công”. Khi được hỏi, liệu đàn ông có bị cấm mặc quần short, ông Lokodo cho rằng: “Đàn ông thường không phải là đối tượng tạo nên sự hấp dẫn, họ bị khiêu khích. Họ có thể để ngực trần trên bãi biển, nhưng liệu bạn có cho phép con gái của mình cũng để ngực trần?”.

“Toi” cua vay ngan

"Tội" của váy ngắn? (ảnh: 4UMF)

Khỏi phải nói, dự luật này và lời phát biểu cứng rắn của Bộ trưởng Lokodo đã bị “ném đá” tơi tả. Theo báo Daily Monitor (Uganda), dự luật này khó thuyết phục quốc hội, do một số thành viên lo ngại về những tác động liên quan đến quyền tự do có ghi trong hiến pháp.

Sam Akaki, phái viên quốc tế của diễn đàn Thay đổi dân chủ thuộc phe đối lập ở Uganda, cho biết: “Trong khi chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi phân biệt đối xử giữa người với người trên cơ sở chủng tộc, thì dự luật này phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính. Pháp luật mà phân biệt đối xử giữa người với nhau, dù theo bất kỳ hình thức nào, đều là một đạo luật tồi tệ”.

Uganda không phải quốc gia đầu tiên cấm phụ nữ mặc váy ngắn nơi công cộng. Lệnh cấm váy ngắn cuối cùng được ban hành ở châu Âu vào năm 1967, khi chính quyền quân sự Hy Lạp dưới quyền tướng Pattakos cấm cả mặc váy ngắn và để râu. Tháng 9/2010, một số trường trung học ở Anh đã nghĩ tới việc cấm váy ngắn và yêu cầu nữ sinh mặc quần tây. Trong thư ngỏ gửi phụ huynh, nhà trường nói rõ, váy của nữ sinh quá ngắn và quá bó thực sự là vấn đề, có thể gây ra sự phân tâm trong học tập, giảng dạy.

Theo trang web 10puntos.com, ở Mexico có ít nhất 10 bang hoặc thành phố đã cố gắng cấm phụ nữ mặc váy ngắn. Ở Hàn Quốc, vào tuần cuối tháng 3/2013, nữ Tổng thống Park Geun-hye ban hành luật mới là những người phô trương váy ngắn nơi công cộng có thể bị phạt 50.000 won (tương đương 30 bảng Anh). Luật này đã bị các lãnh đạo đảng đối lập chỉ trích.

“Toi” cua vay ngan

Giới hạn nào cho váy ngắn, trước tiên, phụ thuộc vào nhận thức của mỗi phụ nữ (ảnh: The Gloss)

Trong lúc các nhà hoạt động xã hội tiếp tục lập luận việc cấm phụ nữ mặc váy ngắn là biểu hiện của hạn chế nữ quyền và phân biệt đối xử, một nghiên cứu ở Anh đã bộc lộ thực tế, không phải lúc nào, và ở đâu, váy ngắn cũng là trang phục được ưa thích. Nghiên cứu cho thấy, 1/3 số nam giới và nữ giới được hỏi cho rằng cần có lệnh cấm mặc váy ngắn, quần cộc, quần lưng trễ, áo hở ngực nơi làm việc, vì loại trang phục này quá khiêu khích. Trang phục với chất liệu in họa tiết da báo, hoặc nhìn xuyên thấu cũng bị phản đối. Tỷ lệ “tẩy chay” dành cho các kiểu trang phục không được chấp nhận nơi công sở cụ thể là 50% đối với quần cộc thiếu vải, 41% với áo nhìn xuyên thấu, 39% với váy ngắn…

Nói cách khác, để váy ngắn là trang phục gợi cảm hay khiêu khích hoàn toàn nằm trong sự chọn lọc có ý thức của mỗi phụ nữ.

VĨNH LINH
(Tổng hợp theo BBC, Guardian, Spiegel, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI