Tăng thuế môi trường xăng dầu kịch trần: Chưa thuyết phục và quá sốc!

17/05/2018 - 06:23

PNO - Theo tính toán của Bộ Tài chính, mỗi năm ngân sách sẽ có 55.000 tỉ đồng (tăng 14.368 tỉ so với mức cũ) nếu thuế thuế xăng dầu được chấp thuận cho tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa thừa uỷ quyền của Chính phủ ký Tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó có nội dung đề xuất Quốc hội cho tăng thuế BVMT đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung. Cũng theo đề xuất này, thời hạn tăng thuế sẽ bắt đầu từ ngày 1/7/2018.

Theo đó, thuế BVMT đối với xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu madut, dầu nhờn được đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít…

Tang thue moi truong xang dau kich tran: Chua thuyet phuc va qua soc!
Theo tính toán, mỗi năm ngân sách sẽ có 55.000 tỉ đồng (tăng 14.368 tỉ so với mức cũ) từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu này.

Quá sốc!

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều người dân cho biết cảm thấy mệt mỏi và quá sốc trước việc xăng mới tăng giá còn chưa kịp nguôi ngoai thì nay cơ quan quản lý lại đề xuất tăng thêm thuế.

Chị Nguyễn Minh Lan (quận 5, TP.HCM) bức xúc, giá xăng mới tăng cách đây hơn 1 tuần, nay Bộ Tài Chính lại đề xuất tăng thuế nữa. Việc tăng thuế này khiến người dân cảm thấy quá mệt mỏi với giá xăng.

"Khi giá xăng thế giới tăng, chúng tôi phải chấp nhận mua theo giá tăng vì được giải thích là giá theo giá thị trường. Mức giá đó mới được áp dụng đã khiến chi phí của chúng tôi đã phải dội theo rất nhiều. Bây giờ bộ, ngành lại đề xuất tăng thuế, khác nào lại đặt thêm áp lực tăng giá lên người dân. Trong khi hiện nay, có quá nhiều mặt hàng đang bị ảnh hưởng của giá xăng”, chị Lan nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Quân (quận Gò Vấp, TP.HCM), một người dân chạy xe ôm, cũng nói thêm: "Giá xăng tăng liên tục khiến công việc chạy xe ôm của chúng tôi bị tăng thêm chi phí theo. Trong khi, chúng tôi lại không thể tăng giá cho khách hàng được vì mất khách. Đời sống người dân hiện nay đang rất khó khăn rồi, nếu cứ tăng giá liên tục như vậy rất mệt mỏi, khổ cho chúng tôi’’.

Chuyên gia kinh tế: "Tăng thuế phải đưa ra cách tính khoa học và thuyết phục"

Xăng dầu là một trong những mặt hàng ‘"nhạy cảm" về giá. Bởi, khi giá xăng tăng sẽ kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá theo như vận tải, một số doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý khi điều hành giá xăng rất cần sự cẩn trọng.

Tang thue moi truong xang dau kich tran: Chua thuyet phuc va qua soc!
Chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất mức tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần từ 3000 đồng lên 4000 đồng/lít là chưa thuyết phục.

Một trong những lý giải cho lần đề xuất tăng thuế này được đưa ra, có lý do giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn so với giá thế giới. Cụ thể, ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. 

Bàn về đề xuất mức tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần từ 3000 đồng lên 4000 đồng/lít, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Chuyên gia Kinh tế - Luật cho rằng: chưa thuyết phục.

"Nếu tăng thuế vì ô nhiễm môi trường, phải xác định thuế này để làm gì, có dùng đúng mục đích không? Và nhà nước phải xác định giá trị gây hại cho môi trường của xăng dầu là bao nhiêu? Từ đó mới tính mức thuế tương ứng. Tức là mức tính tăng thuế này phải rất khoa học và thuyết phục, chứ không thể đưa chung chung và so sánh với các nước khác như vậy’’.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn

Bởi xét về mặt kinh tế, tăng thuế đảm bảo sự ổn định tương đối về giá, vì thuế ấn định giá xăng. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới có thể ở thời điểm này cao hơn Việt Nam nhưng ở thời điểm khác lại thấp hơn nhiều.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, việc tăng thuế môi trường có thể tăng thu ngân sách nhưng có thể sẽ tăng áp lực lên đời sống người dân, mất niềm tin của người dân. Bởi thu nhập bình quân của người dân Việt Nam chưa đến mức để bắt người dân đóng quá nhiều loại thuế. Và nếu thuế này áp dụng thì hàng ngày người dân phải gánh thêm các chi phí khiến mớ rau, vé xe của người dân tăng theo.

Ông Sơn đặt câu hỏi: khi giá thế giới giảm, thì thuế có giảm ngay được không? Chưa kể, giá xăng trong nước không thể so sánh với các nước Lào, Campuchia… được. Vì chi phí vận chuyển của các nước đó cao hơn Việt Nam.

Từ đây, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, trước khi quyết định tăng thuế, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu rất cần sự tính toán cẩn trọng của cơ quan quản lý nhà nước.

Mai Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI