Hỗ trợ để dân đổi xe thay vì hăm he thu phí khí thải

24/12/2018 - 06:19

PNO - “Thu phí kiểm định khí thải có thể sẽ khiến họ hiểu lầm rằng Nhà nước đặt ra các dịch vụ để thu tiền của dân” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói.

Bộ Tài chính vừa gửi công văn đề nghị một số bộ khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải ô tô, xe máy. Theo các chuyên gia, để chiếc xe máy lăn bánh, người dân đã đóng rất nhiều loại phí, nay thu thêm phí bảo vệ môi trường, mức phí phải đóng sẽ rất cao. 

Một chiếc xe gánh 9 loại thuế, phí

Hiện nay, người đi xe máy phải đóng đến 7 loại thuế, phí bao gồm: thuế giá trị gia tăng (10% giá trị xe), lệ phí trước bạ (2-5%), phí cấp giấy đăng ký biển số xe (từ 500.000-4 triệu đồng/chiếc đối với TP.Hà Nội và TP.HCM, từ 50.000-800.000 đồng/chiếc đối với tỉnh, thành khác), bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (từ 66.000-106.000 đồng/năm), thuế bảo vệ môi trường (nay là 3.000 đồng, từ ngày 1/1/2019 tăng lên 4.000 đồng/mỗi lít xăng), chi phí đóng khung kính biển số để xe được phép lưu thông (50.000 đồng), chi phí cà khung số xe máy (20.000-50.000 đồng).

Ho tro de dan doi xe thay vi ham he thu phi khi thai

Đến hết ngày 31/12/2019, mô tô, xe máy được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng sẽ phải dán nhãn công bố mức tiêu thụ năng lượng như ô tô, dự kiến mức phí dán nhãn khoảng 100.000 đồng.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - khẳng định, môi trường ở nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, việc kiểm soát khí thải là một chủ trương đúng và nên thực hiện từ sớm. Tuy nhiên, hiện mỗi chiếc xe máy đã phải đóng quá nhiều loại thuế, phí. Do đó, điều quan trọng là phải đưa giải pháp thu phí như thế nào để những người đi xe máy - vốn là những người bình dân, người nghèo không chịu nhiều tác động. 

Phí chồng phí sẽ gây trở ngại

Chủ trương kiểm soát khí thải đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010, với mục tiêu tới năm 2015, kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải đối với 80-90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM và mở rộng cho 60% xe máy tại các thành phố loại 1, 2. Nhưng đề án đã không thực hiện được do xe máy liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, trong đó phần lớn là người dân có thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 5007V - cho biết, cho đến nay, chưa có trung tâm đăng kiểm nào tại TP.HCM kiểm định mức độ thải khí thải trên xe máy, cũng như chưa tổng hợp được lượng khí thải của một chiếc xe máy là bao nhiêu. Các trung tâm chỉ kiểm định ô tô và xe cơ giới. 

Vấn đề đặt ra là khi kiểm định xe máy, chủ xe phải tốn tiền. Ở Đài Loan, quy trình kiểm định khí thải hoàn toàn miễn phí, do mọi chi phí đều lấy từ ngân sách quốc gia (trích từ thuế bảo vệ môi trường). Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Bộ Giao thông Vận tải, mức phí kiểm định khí thải trên mỗi đầu xe máy sẽ vào khoảng từ 100.000-150.000 đồng/2 năm.

“Thu phí kiểm định khí thải có thể sẽ khiến họ hiểu lầm rằng Nhà nước đặt ra các dịch vụ để thu tiền của dân” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói. 

Bên cạnh đó, khi kiểm định khí thải không đạt tiêu chuẩn, người dân sẽ phải thay thế thiết bị, sửa chữa để xe máy của mình tiếp tục được lưu thông, tốn kém thêm một khoản tiền không nhỏ. Theo ông Nguyễn Hồng Quang, phí sửa chữa có thể vài trăm ngàn hoặc cả chục triệu đồng đối với xe tay ga. Trong khi đó, phần lớn xe cũ nát là của tầng lớp lao động nghèo, sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh. Chính điều này sẽ tạo nên tâm lý lo ngại, né tránh và tìm cách đối phó trong nhân dân. Chẳng hạn, nếu dựa vào số ki-lô-mét lưu thông để kiểm tra khói thì người dân có thể nhờ thợ sửa xe điều chỉnh số ki-lô-mét trên đồng hồ. 

Lấy phí bảo vệ môi trường làm phí kiểm định 

Theo giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá, đừng vì các dòng thuế đang cắt giảm theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do mà tăng thuế khí thải một cách đột ngột. Chính phủ không thể ngay lập tức ra các quy định mang tính hành chính cứng nhắc rồi ép buộc người dân làm theo, vì như vậy sẽ gây bức xúc trong dân.

Nên đưa ra giải pháp thiết thực, hiệu quả, lộ trình thực hiện phải từ từ, tính toán thu thuế phải trên cơ sở khoa học, hợp tình hợp lý với hạ tầng giao thông, cảnh quan và môi trường nước ta… để người dân đồng thuận tuân thủ và tự nguyện thực hiện giống như việc tham gia đội mũ bảo hiểm. 

Nếu thu thuế khí thải, không nên chỉ chăm chăm thu trên phương tiện xả khí thải lưu động (phương tiện lưu thông) mà phải áp dụng thu phí cho công bằng, công khai, minh bạch trên tất cả các phương tiện, kể cả phương tiện xả thải cố định là nhà máy. Chẳng hạn, bụi than từ các nhà máy nhiệt điện thải ra môi trường hiện nay vô cùng nhiều, một giờ thải của nhà máy bằng hàng trăm chiếc xe cộng lại; nên chăng, cần đánh thuế thật mạnh để hạn chế các loại khí thải này?

Tại sao không lấy phí bảo vệ môi trường làm phí kiểm định? Hiện nay, thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/lít xăng, sắp tới sẽ tăng lên 4.000 đồng và mỗi năm, Nhà nước thu về hàng ngàn tỷ đồng. Nếu trích từ phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để bù đắp phí kiểm định khí thải xe máy cho người dân, sẽ hợp lý hơn là tiếp tục thu phí kiểm định.

Thêm một cách khác là, hợp tác với các hãng sản xuất xe máy lớn để hỗ trợ phí kiểm định cho người dân. Chính quyền cũng cần có những biện pháp kích thích người dân sử dụng phương tiện “sạch” hơn, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính để đổi từ xe cũ nát sang xe mới với chuẩn khí thải tốt hơn, hoặc ưu đãi về thủ tục, thuế, phí cho những ai có xu hướng chuyển qua sử dụng xe máy điện. “Chỉ khi được hỗ trợ, khuyến khích bằng nhiều cách, người dân mới đồng thuận, tự nguyện chấp hành” - giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI