Chăn nuôi trong nước chỉ 'sống' đến năm 2016?

16/05/2015 - 07:04

PNO - PN - Nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi không mấy lạc quan trước sức ép quá lớn từ các doanh nghiệp ngoại.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Vật tế thần” cho TPP

Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Thanh Bình (Đồng Nai), Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết, hầu hết các trang trại tại Đồng Nai đã chuyển sang tự mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) như cám gạo, bắp, đậu nành... về tự trộn để duy trì trang trại, như một cách để họ tự tồn tại. Bản thân ông, trước nuôi 20.000 con heo nhưng nay đã ngưng vì thua lỗ, vì hàng loạt những ràng buộc về quy định môi trường. Vị giám đốc này tỏ ra không mấy lạc quan bởi thị trường chăn nuôi đang xuất hiện hàng loạt những phản ứng tiêu cực khi phải nhập từ đậu nành, bắp, giống..., nay chuyển sang nhập thịt.

Người nuôi thua lỗ, thương lái thì mua gom heo sắp đến thời kỳ xuất chuồng (loại heo khoảng 100kg), về nuôi bằng chất tăng trọng, chỉ cần một tháng lên 120-130 kg nhằm hưởng lợi một cách nhanh nhất. Lợi thế tiêu thụ thịt tươi trong nước từ thói quen tiêu dùng của người dân cũng đang mất dần khi các bà nội trợ giờ đây mua thịt heo tươi về cũng để tủ lạnh nên chọn mua thịt lạnh từ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm.

Rất nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi hiện không được cung cấp thông tin về tiến trình đàm phán TPP, nhưng có chung nhận định, năm 2016, ngành chăn nuôi trong nước sẽ khó cầm cự thêm nữa. “Chúng ta đang đàm phán TPP, ngành dệt may, da giầy... được hưởng lợi, và có lẽ ngành chăn nuôi là “vật tế thần” cho hiệp định thương mại này. Trường hợp mở cửa hơn nữa cho thịt từ các nước vào, chắc chắn ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị “đè” chết”, ông Bình nói.

Một doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai cho hay, 1kg cám nuôi heo hiện có giá từ 10.000-11.000đ, nhưng nếu tự mua nguyên liệu về trộn chỉ mất 7.000đ, nên những hộ nuôi chuyển sang hình thức này để duy trì đàn nuôi. Tuy vậy, việc cầm cự sẽ chẳng được lâu khi hầu hết những nguyên liệu này cũng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Ông Nguyễn Diên Tường, chủ trại hơn 3.000 con heo tại Đồng Nai thừa nhận, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Hiện các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam phát triển không ngừng, họ nắm thị phần lớn, dần tiến tới độc quyền. “Giờ chúng tôi bán heo giá bao nhiêu cũng phải tìm hiểu C.P bán bao nhiêu? giống như mình chỉ là người “hưởng sái”, ông Tường cho hay.

Ông Âu Thanh Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai) cho rằng, mặt hàng TACN có sự kiểm soát của Chính phủ nhưng các công ty FDI đang nắm quyền chi phối, thậm chí những doanh nghiệp này “bắt tay” nhau để thao túng thị trường, phối hợp điều chỉnh giá rất nhịp nhàng.

Chan nuoi trong nuoc chi 'song' den nam 2016?

Từ thức ăn đến con giống, cơ sở chăn nuôi trong nước đều phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài

Trông vào đâu?

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi tại TP.HCM ngày 14/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, chắc chắn sẽ không cho phép độc quyền về giống, thức ăn, hay sản phẩm chăn nuôi, và không để cho bất cứ doanh nghiệp nào thao túng thị trường tại Việt Nam. Hiện vẫn chưa thể chứng minh được các doanh nghiệp FDI bắt tay chi phối thị trường chăn nuôi trong nước.

Một số ý kiến từ các doanh nghiệp là cần xác định rõ nước ngoài chiếm bao nhiêu, trong nước bao nhiêu thị phần để còn giữ thị phần. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ để có thể giới hạn một số lĩnh vực trong chăn nuôi, nhằm hạn chế sự chi phối của doanh nghiệp ngoại. Mặt khác, Chính phủ đã có những hoạt động hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước bằng chính sách chuyển diện tích trồng lúa sang trồng bắp, những hộ tham gia chính sách này được hỗ trợ hai triệu đồng/ha mua giống; hay việc cho trồng phổ biến cây bắp biến đổi gen.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú ý giám sát hơn nữa vấn đề sử dụng chất cấm.

ĐĂNG THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI