Từ câu chuyện lớp trưởng: Học cách tự quản

23/07/2015 - 14:21

PNO - PN - Trong khi vai trò lớp trưởng quá quen thuộc với học sinh từ những năm đầu tiểu học ở nhiều quốc gia thì ở Đức, đến lớp năm, các em mới làm quen với khái niệm “klassensprecher”, được ví như người phát ngôn của lớp.

Tu cau chuyen lop truong: Hoc cach tu quan

Hai học sinh được chọn làm “Klassensprecher” trong một lớp học ở Đức - Ảnh: alberschwende

Theo đó, một hoặc hai học sinh (vừa nam, vừa nữ) được bạn học chọn làm “klassensprecher” thông qua việc bỏ phiếu. Đây là người đại diện quyền lợi của lớp, nêu trước giáo viên những mối quan tâm của đa số học sinh. Đây cũng là kênh liên lạc hiệu quả giữa học sinh và giáo viên. “Phát ngôn viên” đặc biệt không được phép nêu ra những vấn đề thuộc quyền riêng tư của bạn học, nếu không sẽ bị cho là xâm phạm đời tư. “Klassensprecher” không được giao quyền gì nhằm gây áp lực, thúc ép bạn học. Không học sinh nào có nhiệm vụ kiểm soát bạn học trong lớp. Theo dõi tình hình lớp học thuộc về nghĩa vụ của giáo viên chủ nhiệm.

Tăng tính tự quản, khuyến khích học sinh bày tỏ nhu cầu là biện pháp giảm “gánh nặng” cho lớp trưởng cũng như “phát ngôn viên” của lớp - đó là cách mà thầy giáo Jimmy Sapia, người vinh dự nhận danh hiệu “Giáo viên của năm” trong năm 2014 tại Hoa Kỳ đang áp dụng trong lớp bốn của mình. Thầy Jimmy dạy học 12 năm, hiện là giáo viên trường công Stamford, bang Connecticut.

Một trong những điều khiến thầy Jimmy tự hào là học sinh luôn cảm thấy vui vẻ và thú vị vì lớp “vận hành” theo đúng mong muốn của các em. Với nhiều giáo viên, điều này là không thể, thậm chí có giáo viên tránh xa, nhưng thầy Jimmy luôn cố gắng lắng nghe, tìm hiểu mong muốn của học sinh về mô hình lớp học phù hợp nhất. Thầy đáp ứng mong muốn của trò, nhưng cũng làm cho các em tự ý thức việc phải “chuyển mình” để đáp ứng yêu cầu của những giờ học lý tưởng này.

Tu cau chuyen lop truong: Hoc cach tu quan

Thầy Jimmy và học trò của mình - ẢNH: STAMFORD ADVOCATE

Lớp học của thầy Jimmy không có lớp trưởng. Mỗi học sinh đều có thể là người lãnh đạo. Thầy trực tiếp tiếp nhận phản hồi của học sinh và nguyên tắc của thầy là “lắng nghe và chỉ lắng nghe học sinh”. Thầy cho biết: “Những gì tôi cần trao đổi, tôi sẽ trình bày trước lớp và khi các em muốn tôi thay đổi điều gì với mục đích hoàn thiện giờ học, các em cũng không ngại bày tỏ”.

Thay vì chọn ra phát ngôn viên của lớp, giúp phụ huynh kết nối với nhà trường, thầy Jimmy lập một trang web trực tiếp cung cấp thông tin cho phụ huynh. Tình yêu nghề nghiệp thúc giục thầy Jimmy luôn gần gũi học sinh và xây dựng trong chính các em suy nghĩ tự quản, dám chịu trách nhiệm về bản thân mà không cần một ai đó giám sát, nhắc nhở.

Muốn việc tự quản có hiệu quả, thầy Jimmy cho biết, cần có nguyên tắc “bất di bất dịch” dù cách thức giảng dạy thay đổi thế nào. Đó là tôn trọng những gì đã được thống nhất giữa thầy và trò. Giáo viên phải là người làm rõ lợi ích của từng quy định, cho học sinh thấy hiệu quả của sự tự ý thức. Ví dụ, trong giờ học, học sinh không nói chuyện riêng, không phải vì các em sợ một bạn nào đó ghi tên và mình bị thầy phạt, mà do hiểu được nói chuyện như thế vừa làm phiền bạn bè, vừa xao nhãng việc thu nạp kiến thức cho chính mình. Khi lớp tham gia một sự kiện chung của trường, thầy cung cấp thông tin ban đầu đến học sinh. Sau đó, các em tự làm việc nhóm, phân chia nhiệm vụ, rồi trao đổi với thầy và cùng nhau tiến hành.

Tu cau chuyen lop truong: Hoc cach tu quan

Thầy Jimmy - Ảnh: Stamford Advocate

Thầy Jimmy cho rằng, không ai làm lớp trưởng hoặc tất cả cùng làm lớp trưởng. Tự làm lớp trưởng, tức là tự dẫn dắt và chịu trách nhiệm về bản thân không phải kỹ năng tự nhiên học sinh có được, mà cần quá trình rèn luyện - điều này không liên quan đến việc các em có tố chất lãnh đạo hay không.

Tạo điều kiện để mỗi học sinh khẳng định năng lực bản thân, năng lực làm việc nhóm là cách để mô hình tự quản trong lớp học đạt hiệu quả và không vô tình tạo ra bất cứ áp lực nào cho học sinh.

 ANH THÔNG

 (Theo wikipedia, Stamford Advocate)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI