Trong cơn bão nội chiến: Phụ nữ, trẻ em đi đâu, về đâu?

30/03/2013 - 14:55

PNO - PNCN - Hai năm qua, kể từ ngày Syria bùng nổ nội chiến, hơn 70.000 người Syria, chủ yếu là dân thường đã thiệt mạng, hơn hai triệu trẻ em Syria phải đối mặt với bệnh tật, tổn thương tinh thần và nạn đói do cuộc chiến gây ra. Liên...

Theo tổ chức Save the Children, hơn ba triệu tòa nhà bị đánh sập, khoảng 80.000 người Syria đang ngủ trong các hang động, công viên hoặc nhà kho. Bé Yasmine mồ côi cha và không còn nhà để về khi mới 12 tuổi: “Pháo kích liên tục, 13 người ở chung trong một phòng chật chội suốt hai tuần. Khi cha cháu mạo hiểm ra ngoài, chính cháu nhìn thấy ông bị bắn. Mọi thứ thay đổi kể từ hôm đó”. Chuyện nhà bé Yasmine giờ là chuyện thường ngày ở Syria. Nghiên cứu mới nhất của Đại học Bahcesehir (Thổ Nhĩ Kỳ) cho thấy, cứ ba trong số bốn đứa trẻ được phỏng vấn đều mất đi ít nhất một người thân. Đào thoát khỏi “núm ruột quê hương” là tình huống không tránh khỏi, nhưng người tị nạn Syria lại phải đối mặt với nhiều khó khăn khác ở bến mới.

Trong con bao noi chien: Phu nu, tre em di dau, ve dau?

Một phụ nữ bên đống đổ nát trước đây là nhà của bà ở Aleppo, Syria (ảnh: CNN)

Trước khi người tị nạn Syria tràn vào Jordan, nước này đã có tỷ lệ thất nghiệp không chính thức là 30% vào năm 2012. Hiện Jordan với khoảng 6,5 triệu dân phải đón nhận hơn 450.000 người Syria có đăng ký tị nạn, cũng như hàng trăm hàng ngàn người Syria cư trú không chính thức. Thế là, người Jordan phải cạnh tranh với người Syria về công việc, chỗ ở, thực phẩm, thậm chí nước cũng không đủ dùng. Đã có những cuộc nổi loạn, đốt phá lều của người Syria ở Jordan.

Bé Fahed, 11 tuổi, hâm mộ đội bóng Barcelona và ước mơ trở thành bác sĩ. Gia đình Fahed tạm lánh tại một trại tị nạn ở thung lũng Bekaa (Lebanon). Đây cũng là chỗ trú ẩn của 350.000 dân Syria. Trại tị nạn Bekaa trước đây là một nhà tù, mùi rác rưởi bốc nồng nặc. Vậy nhưng, những phòng giam xưa cũ ấy giờ là nhà của các gia đình, họ nằm sát bên một bếp dầu, chỉ vài phòng có cửa sổ, những tấm cạc tông được che chắn tạm bợ để giữ sự riêng tư tối thiểu. Họ chỉ có một vòi nước chung. Trên đỉnh núi, tuyết vẫn phủ trắng và ngoài trời vẫn lạnh buốt.

Trong con bao noi chien: Phu nu, tre em di dau, ve dau?

Trẻ em Syria tị nạn ở các nước láng giềng (ảnh: Telegraph)

Trẻ em, với tất cả nỗi bi thương xảy ra cho chúng, luôn được quan tâm đầu tiên. Còn lại là những người phụ nữ với áp lực ngày càng chồng chất, vì ngoài việc phải hứng chịu nguy hiểm từ bom đạn, họ là người chăm sóc gia đình, họ nén nỗi đau xa chồng, mất chồng, và cả nỗi sợ hãi bị hãm hiếp. Aya mới 19 tuổi, tiếng Anh của cô gần như hoàn hảo, cô mơ ước thành luật sư nhưng phải bỏ học như tất cả sinh viên Syria trong thời loạn. Chồng mới cưới của cô cũng nối gót người thân, cầm súng đối đầu với quân chính phủ. Nghĩ đến chồng, Aya không thể ngồi yên, cô tham gia cứu thương. “Lần đầu nhìn thấy máu, tôi chết ngất. Dĩ nhiên, tôi rất sợ, nhưng tôi tự nhủ đó là bài học về lòng can đảm cần thiết cho mình trong thời chiến”.

Các báo cáo của Liên Hiệp Quốc đã báo động mối nguy hiểm khác đối với trẻ em Syria, đó là cả quân đội chính phủ lẫn các lực lượng nổi dậy đều sử dụng trẻ em làm bia đỡ đạn, liên lạc viên, hay cảnh giới. Họ tuyển dụng cả những bé trai mới 12 tuổi. Trường học ở Syria, nếu không bị hư hỏng nặng (hơn 2.000 trường) thì trở thành bản doanh của các nhóm nổi dậy.

Trong con bao noi chien: Phu nu, tre em di dau, ve dau?

Trẻ em Syria tị nạn tại nước ngoài (ảnh: Reuters)

Bé Fahed mơ ước trở thành bác sĩ để cứu giúp nạn nhân chiến tranh giống như mình hiện thời. Nhưng, một khi cuộc nội chiến Syria chưa thấy hồi kết, ước mơ ấy thật xa vời.

DAO-LINH  (Tổng hợp theo Telegraph, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI