Tô màu cuộc sống cho những người trẻ kiệt sức

14/09/2019 - 10:00

PNO - Tháng 5/2019, Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận “kiệt sức” (với thuật ngữ burnout) là một loại bệnh trong Bảng phân loại quốc tế bệnh tật (ICD).

Kiệt sức chính là một loại bệnh ở thời đại mọi người, đặc biệt là người trẻ, dường như ngày càng cảm nhận rõ rệt sự bế tắc khi đối diện với cuộc sống. Thế nhưng, nhiều người trong số ấy đã không buông xuôi mà chọn cách cứu lấy mình và mở rộng vòng tay cứu giúp người khác. 

To mau cuoc song cho nhung nguoi tre kiet suc
Nhóm người trẻ sáng lập Pattern Brands với mong muốn ban đầu là giúp chính mình thoát khỏi tình trạng kiệt sức

Luôn trong trạng thái sẵn sàng, tập trung cao độ đến quên ăn, quên ngủ hoặc vạ vật bên bàn làm việc ăn vội bữa trưa… là những biểu hiện dễ thấy của những người đang trong tình trạng kiệt sức. Căn bệnh này nguy hiểm ở chỗ, người bệnh không nhận ra họ đang mắc bệnh hay có nguy cơ mắc bệnh, cho đến khi mọi thứ đã quá muộn. 

Tháng 5/2019, Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận “kiệt sức” (với thuật ngữ burnout) là một loại bệnh trong Bảng phân loại quốc tế bệnh tật (ICD). Đây là danh sách được áp dụng trong phạm vi toàn cầu nhằm đưa ra những chẩn đoán khách quan, phục vụ cho việc điều trị bệnh và chăm sóc bệnh nhân. Theo đó, chứng kiệt sức được mô tả với ba đặc tính: cảm giác cạn kiệt năng lượng và sức lực, mong muốn xa lánh công việc đang làm hoặc có những suy nghĩ tiêu cực hay hoài nghi về công việc, sụt giảm hiệu quả chuyên môn. 

Một cuộc nghiên cứu do Gallup thực hiện năm 2018 với khoảng 7.000 người lao động toàn thời gian đã chỉ ra, có 23% người được hỏi xác nhận họ luôn có cảm giác bản thân quá tải với công việc đến mức mệt mỏi, kiệt sức. Trong khi đó, 44% nói rằng, họ thỉnh thoảng có cảm giác như thế. Một cuộc khảo sát khác do Tổ chức Sức khỏe tâm thần Anh thực hiện đầu năm nay với gần 5.000 người chỉ ra, 74% cảm thấy quá căng thẳng và 49% nhóm người từ 18-24 tuổi thừa nhận họ mệt mỏi khi phải liên tục chạy đua với công việc.

“Tôi chẳng nhớ nổi lần gần nhất mình cảm thấy được thư giãn thoải mái là khi nào”, “tôi không biết cách tìm kiếm sự thư giãn, niềm vui ngoài công việc”, “mỗi lần xem ti vi hay đọc sách, tôi lại nghĩ đến việc sắp tới phải làm”, “trong đầu tôi luôn hiện sẵn danh sách công việc cần làm, tôi chẳng bao giờ thấy mình có thời gian”, “tôi muốn chăm sóc bản thân nhiều hơn nhưng lại lười”… Đây chính là những câu nói cho thấy bạn có dấu hiệu kiệt sức. 

Nicholas Ling, người đồng sáng lập dự án Pattern Brands, cũng từng như thế. Nhưng thay vì hoang mang, Nicholas tìm đến chia sẻ với bạn bè, người thân và anh nhận ra anh không đơn độc. Kiệt sức chính là câu chuyện của thế hệ trẻ trong bối cảnh họ có quá nhiều mối bận tâm trong cuộc sống cùng khối lượng công việc khổng lồ. Và như thế, Nicholas Ling quyết định cùng nhóm doanh nhân đồng thời là những người bạn của mình ở thành phố New York, Mỹ sáng lập ra Pattern Brands. Sứ mệnh mà họ chọn hướng đến là tạo nên những thương hiệu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ mọi người vượt qua tình trạng kiệt sức. 

Mô hình của Pattern Brands được đánh giá mang tính khả thi cao, hiện thu hút 14 triệu USD từ các quỹ đầu tư và hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng chăm sóc sức khỏe được yêu thích trong tương lai gần. 

Cách thức của Pattern Brands là tạo ra những hoạt động xen kẽ trong ngày làm việc và cả những ngày nghỉ của khách hàng, giúp họ nhận biết sự cần thiết có những lúc cần ngắt quãng để làm tươi mới chính mình. Chẳng hạn, đó là các hoạt động được chia sẻ cùng nhau như nấu ăn, vẽ tranh, may vá, học cách sửa chữa đồ đạc, theo đuổi một sở thích nào đó cùng với mọi người. 

Nicholas Ling chia sẻ: “Những khoảnh khắc đời thường như thế giúp chúng ta bắt lấy cơ hội để tâm đến sự vật, con người xung quanh mình, giúp chúng ta trở nên sáng tạo, có nhiều cảm hứng và khỏe mạnh hơn”. Đích đến cuối cùng của Pattern Brands là giúp khách hàng tìm kiếm sự cân bằng trong chính cuộc sống. 

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI