Ông Trump muốn Triều Tiên có hành động thực chất, ý nghĩa

25/02/2019 - 06:29

PNO - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra trong bối cảnh chính trị Mỹ đang có nhiều vấn đề hóc búa. Có những lo ngại rằng, ông Trump sẽ dễ dàng nhượng bộ ông Kim, nhưng ông Trump tuyên bố ngược lại.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang bị 16 bang kiện vì đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm có quyền và đủ tiền xây bức tường biên giới với Mexico mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Các bang cho rằng, Tổng thống Mỹ sử dụng quyền hạn không đúng, vi hiến. Ông Trump có vẻ sẽ đối đầu với các bang, sẵn sàng đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao.

Với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, Bình Nhưỡng phải có các hành động có ý nghĩa, hướng tới phi hạt nhân hóa thì những biện pháp trừng phạt nước này mới được dỡ bỏ. Trả lời trong buổi họp báo tại Nhà Trắng ngày 20/2, ông Trump nói, ông muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, nhưng Triều Tiên phải làm gì đó có ý nghĩa. Ông nói, ông không ngạc nhiên nếu hội nghị tại Hà Nội đạt được một điều gì đó, nhưng không có nghĩa sẽ là hội nghị cuối cùng.

Ong Trump muon Trieu Tien co hanh dong thuc chat, y nghia
Phát biểu trước báo giới ngày 19/2, ông Trump nói, mục tiêu cuối cùng là Triều Tiên phi hạt nhân hóa, tuy nhiên ông “không gây sức ép về mặt thời gian”. “Tôi không có gì phải vội nếu không có thêm các vụ thử hạt nhân” - ông Trump nói.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai được kỳ vọng sẽ là bước tiến thực chất nhằm xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.  Lịch trình hai ngày, nghĩa là ông Trump và ông Kim sẽ có thêm nhiều thời gian để giải quyết các bất đồng, thậm chí tạo ra những đột phá mà các cuộc đàm phán cấp thấp hơn không thể đạt được.

AFP, dẫn lời một quan chức Mỹ hôm 21/2, cho biết, cuộc gặp tại Việt Nam sẽ có “phương thức tương tự như hội nghị tại Singapore tháng Sáu năm ngoái... hai nhà lãnh đạo sẽ có cơ hội gặp gỡ 1 - 1” trước khi chủ trì các cuộc họp giữa hai phái đoàn.

Triều Tiên đã kêu gọi nới lỏng trừng phạt nước này và tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên - cuộc chiến nổ ra năm 1950 và tạm ngưng năm 1953, bằng một hiệp định đình chiến, nhưng đến nay vẫn chưa có hiệp định hòa bình. Triều Tiên cũng nói đã đóng cửa một điểm thử hạt nhân và đã thực hiện các biện pháp tiến tới phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn thúc giục Bình Nhưỡng có thêm biện pháp cụ thể, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, bao gồm cả việc cho phép các thanh sát viên tiếp cận các cơ sở liên quan đến hạt nhân của Triều Tiên.

Trong bài viết trên Washington Post, nhóm tác giả Siegfried S. Hecker, Robert L. Carlin và Elliot Serbin cho rằng, Triều Tiên thực sự đã dừng các yếu tố chính của chương trình hạt nhân, giảm các mối đe dọa từ sự mở rộng nhanh chóng của chương trình này trong năm 2017. Tháng 4/2018, ông Kim đã ra lệnh chấm dứt thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Ông tuyên bố, chương trình thử hạt nhân là không cần thiết và Triều Tiên đã hoàn thành lực lượng hạt nhân quốc gia.

Trong năm 2018, Triều Tiên đã không phóng thử tên lửa ở bất kỳ tầm nào. Tháng 5/2018, ông Kim cũng đã thực hiện các bước để phá hủy các đường hầm thử nghiệm hạt nhân tại khu thử nghiệm Punggye-ri. Việc chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đã hạn chế nghiêm trọng những bước tiến của Triều Tiên trong các hệ thống vũ khí và vận tải, làm suy giảm rõ rệt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Tường Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI