Nước Anh trước làn sóng lao động nhập cư

02/07/2013 - 07:25

PNO - PN - Pilar Martinez (26 tuổi) đang rửa chén đĩa trong nhà hàng Pizarro, chuyên bán các món ăn Tây Ban Nha tại London. Cô đã có sáu năm học chuyên ngành luật tại Trường đại học Autonoma (Madrid), nhưng vẫn chấp nhận làm công việc này ở xứ...

Đồng hương của cô, Elisa Lostale Caparroso, cũng là một giáo viên có bằng cấp, cho biết, viễn cảnh việc làm cho giáo viên ở Tây Ban Nha là không tưởng, sau khi chính phủ cắt giảm ngân quỹ giáo dục. Chỉ với khoảng 100 chỗ làm nhưng có đến 2.000 - 3.000 hồ sơ xin việc. Elisa đến London năm ngoái để học tiếng Anh, và ở lại sau khi tìm được công việc giữ trẻ với mức lương 100 bảng/tuần. Elisa còn may mắn hơn một nhà kinh tế học đồng hương đang làm bồi bàn tại một quán ăn nhanh.

Nuoc Anh truoc lan song lao dong nhap cu

Pilar Martinez làm công việc rửa chén ở nhà hàng Pizarro (ảnh: Telegraph)

Tây Ban Nha hiện có 60% người ở độ tuổi dưới 25 (chiếm 57% dân số) không có việc làm. Trong ba tháng đầu năm nay, số người thất nghiệp tăng vọt lên 6,2 triệu, chỉ đứng sau Hy Lạp về chỉ số tồi tệ này. Năm 2009, số người Tây Ban Nha nhập cư vào Anh là 57.350. Đến cuối năm 2012, con số này là 73.659, nhưng thực tế có thể là khoảng 150.000. Đây là một hiện tượng lạ, vì so với các nước châu Âu khác, Tây Ban Nha có truyền thống yêu quý cuộc sống gia đình.

Thoạt đầu, lựa chọn tìm việc ở nước ngoài của giới trẻ Tây Ban Nha là các nước châu Mỹ Latinh do cùng ngôn ngữ, nhưng rào cản thủ tục đã khiến họ nản lòng. Thế là họ chọn các nước có nền kinh tế mạnh như Đức hoặc Thụy Sĩ, nơi thu hút rất nhiều y tá, kỹ sư, nhưng lựa chọn lớn nhất vẫn là Anh. Elisa cho biết, vì hai nước chỉ cách nhau có hai tiếng đồng hồ bay, Anh lại có an sinh xã hội rất tốt, y tế cộng đồng miễn phí và chất lượng đời sống tốt hơn nhiều nước khác.

Nuoc Anh truoc lan song lao dong nhap cu

"Chúng tôi không bỏ đi, mà bị đuổi đi"  (ảnh: Demotix)

Nhưng dòng người từ Tây Ban Nha không phải là làn sóng nhập cư đầu tiên và duy nhất đến Anh trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Một nghiên cứu cho thấy, người nhập cư từ Đông Âu tìm được việc làm tại Anh nhiều hơn so với dân địa phương 7%. Nguyên do đơn giản là phần lớn dân nhập cư chấp nhận công việc với mức lương thấp và cực nhọc hơn mà dân Anh “chê”. Hơn nữa, với chế độ trợ cấp hiện nay, những người Anh lười lao động vẫn sống “khỏe” mà không cần... đi làm. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất. John Bercow, Chủ tịch Hạ viện Anh, từng phát biểu tại Romania rằng dân nhập cư từ Romania, Bulgaria và Ba Lan làm việc chăm chỉ và tận tụy hơn, dù sau đó ông bị chỉ trích khá nhiều trong nước.

Mới đây, chính phủ Anh thừa nhận họ không biết con số cụ thể có bao nhiêu người Romania và Bulgaria đang sống tại đây sau khi hai nước này gia nhập EU năm 2004, chỉ phỏng đoán là khoảng hơn một triệu. Chính phủ Anh đang làm mọi cách để kiểm soát làn sóng nhập cư, vì vào cuối năm nay, theo luật châu Âu, người dân hai nước này có thể đi lại và làm việc tự do tại châu Âu mà không cần giấy tờ gì. Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, ông sẽ ban hành chính sách để hạn chế số người nhập cư, họ phải chứng minh là đến Anh để kiếm việc làm, đóng góp xây dựng nước Anh, chứ không phải vì sự quyến rũ của chế độ trợ cấp và các dịch vụ công cộng khác.

 PHAN QUỲNH DAO
(Từ London, Anh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI