Ngày đen tối của nền y tế Anh

05/03/2013 - 07:00

PNO - PN - Nền y tế, thường được gọi là NHS (National Health Service) là niềm tự hào của nước Anh. Mọi người đều được khám chữa bệnh miễn phí, y bác sĩ luôn có mặt khi người dân đăng ký khám bệnh mọi lúc mọi nơi, người nước ngoài...

Tuy nhiên, một báo cáo điều tra tại các bệnh viện vùng Mid Staffordshire vào ngày 6/2/2013 đã làm cả nước Anh xôn xao. Báo cáo cho biết, từ tháng 1/2005 đến tháng 3/2009, hàng trăm bệnh nhân đã mất mạng oan uổng tại hai bệnh viện trong vùng. Ở các khu điều trị, bệnh nhân phải nằm trên những tấm drap giường dơ bẩn, bị bỏ đói khát. Một số bệnh nhân bị cho uống sai thuốc, một số khác lại chẳng có thuốc để uống...

Trong vòng 18 tháng, một gia đình đã mất cả bốn người, trong đó có một bé gái mới sinh, vì sơ suất của bệnh viện. Trong các khu lưu trú, bệnh nhân, chủ yếu là người lớn tuổi, bị bỏ mặc trong đau đớn, người nhà của họ phải cầu cứu khắp nơi.

Nguyên nhân của các việc tồi tệ trên là do các cấp lãnh đạo của bệnh viện chạy theo chỉ tiêu và chế độ cắt giảm ngân sách đặt ra dưới thời của đảng Lao động. Bệnh viện thiếu nhân viên đến nỗi không có đủ bác sĩ chuyên ngành để giám sát các bác sĩ mới ra trường. Nhiều bác sĩ ít thâm niên phải nghe lời chỉ dẫn của y tá trưởng hoặc quản lý bệnh viện, mà những người này cũng chạy theo chỉ tiêu, chứ không đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng ưu tiên.

Ngay den toi cua nen y te Anh

Người dân biểu tình, đòi hỏi vén màn sự thật đầy đủ về bệnh viện Stafford (ảnh: 

Việc này dẫn đến tình trạng các y tá và bác sĩ non tay nghề bỏ mặc bệnh nhân nặng, để chữa trị cho các trường hợp nhẹ hơn trong khu cấp cứu, vì chỉ tiêu đặt ra là không được để bệnh nhân chờ đợi hơn bốn tiếng. Cũng cùng lý do này mà nhiều bệnh nhân bị đẩy ra khỏi khu vực cấp cứu khi mình mẩy vẫn còn đầy chất bẩn. Lãnh đạo bệnh viện còn chỉ đạo y tá cấp dưới giả mạo thời gian chờ đợi và khám cho bệnh nhân vì bệnh thành tích.

Julie Bailey là người đã sáng lập tổ chức Hãy cứu lấy NHS (Cure the NHS) sau khi mẹ cô mất ở tuổi 86 tại bệnh viện Stafford vào năm 2007. Tổ chức này kêu gọi chính phủ phải cho biết tên tuổi của những người có trách nhiệm trong bệnh viện và các ban ngành có liên quan, đồng thời đòi họ phải từ chức hoặc bị cách chức.

Ngay den toi cua nen y te Anh

Julie Bailey sáng lập tổ chức "Hãy cứu lấy NHS" (ảnh: Mirror)

Để xoa dịu sự phẫn nộ của công luận, Thủ tướng Anh David Cameron thay mặt chính phủ lên tiếng xin lỗi, đánh giá sự việc này là scandal tồi tệ nhất trong lịch sử y tế của Anh. Ông cũng chỉ ra những sai lầm mang tính hệ thống của ngành và chỉ trích những người liên quan đã phản bội lại niềm tin của dân vào nền y tế được gầy dựng trong nhiều năm qua.

Sự việc không chỉ dừng ở đó. Năm sở y tế tại Anh đang đối mặt với các cuộc tranh tra sắp tới. Các bệnh viện trong các vùng: Colchester, Tameside, Blackpool, Basildon và Lancashire sẽ được điều tra trong vòng ba tháng. Đây là các bệnh viện có tỷ lệ tử vong tương đối cao, các chuyên gia cho rằng ở các nơi đó cũng có những vấn đề tiềm ẩn.

Các hiệp hội bệnh nhân (Patients Association), tiếng nói của dân (National Voices) cho rằng: Dù thanh tra giỏi đến mấy, họ cũng không thể túc trực thường xuyên ở bệnh viện khi có sự việc gì xảy ra. Cho nên, chính bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các nhân viên ở bệnh viện mới là tai mắt của nền y tế. Họ có quyền được nói và được lắng nghe. Như vậy, mới mong có một nền y tế toàn diện.

PHAN QUỲNH DAO (Theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI