Mặc tã để tăng sản lượng?

15/08/2013 - 16:30

PNO - PNO - “Công ty buộc các công nhân mặc tã”. Đó là cái tít xuất hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở Honduras trong những ngày gần đây.

Kyungshin-Lear Honduras Electrical Distribution Systems, một công ty có vốn của Mỹ và Hàn Quốc, bị các lãnh đạo nghiệp đoàn và cựu nhân viên cáo giác là ép buộc công nhân mặc tã giấy để họ khỏi đi “nhà nhỏ” nhiều, nhằm tập trung vào công việc, giúp tăng sản lượng. Dù đại diện của công ty phủ nhận cáo buộc nhưng một cuộc điều tra vẫn được tiến hành.

Mac ta de tang san luong?

Ông Daniel Durón, Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Công nhân Honduras (ảnh: EP) 

Cuối tuần trước, ông Daniel Durón, Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Công nhân Honduras, đã lên án hành động vi phạm quyền lao động của Kyungshin-Lear, và buộc tội công ty này bắt công nhân mặc tã để giải quyết nhu cầu cá nhân của họ tại chỗ mà không cần phải đi toilet. Ông cho biết, công ty trên thực tế thậm chí không cung cấp tã cho công nhân, mà các công nhân, đặc biệt là lao động nữ, phải tự mua tã cho mình để tránh phải rời vị trí làm việc và đặt mình vào nguy cơ bị sa thải. Công ty còn bị tố cáo ép buộc nữ công nhân mang thai đứng nhiều giờ khi tiến hành lắp ráp hệ thống dây điện xe hơi, cũng như vi phạm quyền riêng tư của công nhân khi đặt camera trong phòng tắm của nhà máy.

Ông Durón đưa ra cáo buộc dựa trên lời khai của các nhân viên của Kyungshin-Lear, công ty chuyên sản xuất linh kiện ô tô để xuất khẩu sang Mỹ, và thúc giục nhà chức trách Honduras xúc tiến điều tra. Phát biểu trên truyền hình đầu tuần này, Durón nói rằng ông đã biết về tình trạng lao động tồi tệ từ nhiều tháng qua, nhưng không thể vào kiểm tra nhà máy cho đến khi có sự can thiệp của các tổ chức nhân quyền và phía Mỹ.

Về phần mình, ông Edgardo Dumas, đại diện pháp lý của Kyungshin-Lear coi các cáo buộc trên là sai lạc và cực kỳ khinh suất, đồng thời khẳng định công ty chưa bao giờ vi phạm luật lao động. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Honduras cũng phủ nhận các cáo buộc và đổ lỗi cho sự can thiệp của các nghiệp đoàn từ Mỹ “muốn giành lại những việc làm đã bị đánh mất tại nước họ”. Tuy nhiên, cô Maria Galeano, một công nhân bị sa thải hồi tháng 4 sau bảy năm làm việc tại Kyungshin-Lear, đã xác nhận ông Durón không nói sàm. “Thật xấu hổ khi phải nói rằng một người phải mặc tã vì không được phép đi vào nhà vệ sinh, nhưng nhiều nhân viên có thể xác nhận cáo buộc này”, cô nói với các phóng viên địa phương.

Mac ta de tang san luong?

Các thanh tra viên không được vào bên trong công ty Kyungshin-Lear (ảnh: ABC)

Trước những cáo buộc trên, Bộ Lao động Honduras cho biết họ đang tiến hành điều tra vụ việc nhằm đảm bảo chắc chắn quyền của công nhân được tôn trọng. Theo Bộ trưởng Jorge Bográn, 30 thanh tra viên đã gặp gỡ giới lãnh đạo công ty và kiểm tra điều kiện làm việc tại nhà máy. Công ty Kyungshin-Lear Honduras Electrical Distribution Systems, đóng tại thành phố San Pedro Sula, tây bắc Honduras, bắt đầu hoạt động cách đây 10 năm và hiện có khoảng 3.500 nhân viên.

Các lãnh đạo nghiệp đoàn tỏ ra lạc quan thận trọng với tuyên bố của chính quyền, bởi lẽ có nhều vụ việc khác ở Honduras mà giới hữu trách cam kết xử lý nhưng rồi không hành động đủ mạnh tay để ngăn chặn tình trạng ngược đãi công nhân. Charles Kernaghan, một nhà hoạt động nhân quyền nghiên cứu về điều kiện lao động tại quốc gia Trung Mỹ trong 30 năm qua, tin rằng nhiều vụ ngược đãi xảy ra là do thiếu sự giám sát của chính quyền.

Các khoản phạt các công ty phạm luật lại quá nhỏ trong khi cơ quan quản lý thì quá yếu kém. Trong vụ Kyungshin-Lear, các thanh tra viên của Bộ Lao động bị cản trở vào nhà máy nhiều lần nhưng không làm gì ngoài việc áp đặt khoản tiền phạt 20 USD cho mỗi lần “bị từ chối”. Nhiều người cho rằng Honduras sẽ chỉ xắn tay áo chấn chỉnh tình trạng ngược đãi công nhân đang lan tràn ở nước này nếu Mỹ dọa cắt bỏ lợi ích thương mại, nhưng điều đó chỉ làm nổi rõ thêm sự bất lực của bộ máy chính quyền nước này.

HUY KHANG (Theo EFE, Latin Times, ABC)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI