Lật lại những hồ sơ “bẩn”

01/07/2016 - 11:01

PNO - Trên thế giới đã từng có những vụ hồ sơ "bẩn" của các nhà máy và để lại nhiều hậu quả nghêm trọng về người, tài sản và môi trường.

Deepwater Horizon: Vụ 11/9 về môi trường tại Mỹ

Vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon vào tháng 4/2010, khiến hàng trăm triệu lít dầu đổ ra biển, 11 người chết, 17 người bị thương, thiệt hại hàng chục tỷ USD. Đến nay, dù báo cáo của hãng BP (công ty Anh thuê giàn khoa Deepwater Horizon) cho rằng mức độ nguy hại đã giảm đáng kể, các nhà khoa học vẫn đánh giá không biết khi nào mới khắc phục hết hậu quả.

Chuyên gia tư vấn năng lượng của Nhà Trắng Carol Browner khẳng định, lượng dầu tràn ra ngoài từ 5.000-60.000 thùng mỗi ngày trong suốt 86 ngày, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống hoang dã trong khu vực, thiệt hại cho ngành ngư nghiệp, du lịch cũng như khu vực xung quanh (ước tính diện tích bị ảnh hưởng là 1.500km2 ). Viện quốc gia về Khoa học-sức khỏe-môi trường của Mỹ đã khảo sát sức khỏe 2.500 phụ nữ và 800 trẻ em sống ở vùng duyên hải Louisiana. Hầu hết đều chịu các triệu chứng ban đầu như tức ngực, khó thở, khan cổ, chảy mũi, rát da, nhức đầu, mệt mỏi, người bần thần và không thể tập trung...

Ước tính đến năm 2020, ngành thủy sản thiệt hại đến 8,7 tỷ USD, 22.000 lao động mất việc. Hiệp hội Du lịch Mỹ ước tính tổn thất của ngành du lịch là khoảng 23 tỷ USD và nhiều hơn nữa. Khoảng 50.000 người tham gia dọn dẹp dầu tràn đã tiếp xúc với hóa chất, bị tổn hại nghiêm trọng hệ hô hấp. Họ còn bị trầm cảm, tâm lý không ổn định, mất tỉnh táo khi đối diện thảm họa quá lớn.

Cuối năm 2012, tập đoàn dầu khí BP chấp nhận nộp 7,8 tỷ USD bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường liên quan sự cố tràn dầu. Tháng 4/2016, đúng sá u năm ngày thảm họa nhân tai Deepwater Horizon xảy ra, thẩm phán liên bang thành phố New Orleans, Mỹ, ông Carl Barbier, đã thông qua mức phạt BP là 20,8 tỷ USD.

Lat lai nhung ho so “ban”

Chevron (Texaco) đầu độc nguồn nước, phá hủy rừng tự nhiên ở Ecuador

Theo điều tra, Texaco (công ty đối thủ được Chevron mua lại) đã xả ra môi trường đến 68 triệu m3 nước thải độc hại chưa qua xử lý, tàn phá môi trường tự nhiên và gây ung thư cho con người. Texaco còn bí mật giấu nước thải trong 900 bể lớn, nằm sâu trong các cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh của Ecuador, gần mỏ Lago Agrio, một trong những mỏ dầu lớn nhất Nam Mỹ. Năm 1992, Texaco ngừng hoạt động ở Ecuador sau khi các giếng dầu của công ty này bị ngập úng nặng. Mưa to làm nước sông dâng cao, tràn vào giếng dầu, kéo theo chất độc hại lan ra khắp hệ thống sông ngòi, gây ô nhiễm trầm trọng.

Suốt hơn 30 năm, Texaco khai thác mỏ dầu Lago Agrio, làm cho nguồn nước ở đây bị đầu độc bằng lượng lớn hóa chất độc hại Texaco âm thầm xả thải, không thông qua quy trình xử lý an toàn nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Texaco bị cáo buộc phá hủy 1,5 triệu ha rừng tự nhiên Amazon và đổ 600.000 thùng dầu thô xuống sông suối và thảm động thực vật của Ecuador. Hơn 2.000 người đã chết vì các bệnh ung thư mà nguyên nhân là do nguồn nước ô nhiễm. Theo số liệu của Chính phủ Ecuador, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi mắc bệnh ung thư bạch cầu tại khu vực Texaco hoạt động cao gấp ba lần tỷ lệ ghi nhận tại bất cứ nơi nào khác của Ecuador. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao đến 150%, tỷ lệ sẩy thai cao hơn 2,5 lần.

Tháng 3/2015, Tòa án công lý quốc tế (ICJ), trụ sở tại La Haye, Hà Lan, ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron bồi thường 9,5 tỷ USD cho những thiệt hại về môi trường ở Ecuador.

"Căn bệnh Minamata"

“Căn bệnh Minamata” do tập đoàn hóa chất Chisso (Nhật Bản) thải ra môi trường hóa chất vô cùng độc hại là metyl thủy ngân (thủy ngân ở dạng lỏng) những năm 1932-1968, mầm mống gây thảm họa cho người dân ở vịnh Minamata. Hiện chỉ có 3.000 người được xác nhận là nạn nhân ngộ độc thủy ngân của Chisso, trong khi 33.540 người khác vẫn tiếp tục hành trình đòi công lý. Họ đang sống dặt dẹo, sống không bằng chết. Thức tỉnh, Nhật Bản quyết tâm làm sạch môi trường kinh doanh bằng việc áp luật lệ cụ thể, không chỉ cho mình mà cả cho những quốc gia đang trên đà phát triển.

Năm 2013, trong một phiên họp tại Nhật Bản, đại diện 140 quốc gia đã ký thông qua Hiệp ước Minamata sau ba năm thảo luận căng thẳng. Từ năm 2020, một số sản phẩm chứa thủy ngân (như nhiệt kế, pin) sẽ không được sản xuất nữa.

Thiên Như (Theo Washingon Post, Reuters, Global Times, NY Times, Forbes, Financial Times, wiki)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI