G20 giữa bề bộn chủ đề nóng

15/11/2014 - 10:25

PNO - PNO – Hội nghị thượng đỉnh đại diện cho phần lớn các cường quốc kinh tế và ngoại giao toàn cầu (G20) đã khai mạc ngày 15/11 tại thành phố Brisbane (Úc), trong bối cảnh thế giới đang dồn sức đối phó với biến đổi khí hậu,...

edf40wrjww2tblPage:Content

G20 giua be bon chu de nong

Biểu tượng của G20 tại Trung tâm triển lãm và hội nghị ở Brisbane nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 - Ảnh: AFP

Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Brisbane, Thủ tướng Úc Tony Abbott, đã nhấn mạnh cam kết được chia sẻ nhằm nâng tăng trưởng kinh tế lên đến hai ngàn tỷ USD trong những năm tới. "G20 là diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới, nó liên kết các quốc gia chiếm đến 85% GDP toàn cầu, 75% thương mại toàn cầu và 65% dân số toàn cầu", Thủ tướng Abbott nói và nhấn mạnh tăng trưởng và việc làm là trọng tâm khóa họp G20 tại Brisbane.

G20 cam kết nâng cao GDP ít nhất 2% so với mức hiện nay trong vòng 5 năm tiếp theo, thông qua các cải cách chính sách trong nước, và do đó tạo ra hàng triệu việc làm mới. Hội nghị ở Brisnane là nhằm cụ thể hóa ý tưởng này, nhưng các nhà phân tích nghi ngờ mục tiêu trên, khi nói rằng ngay cả khi nền kinh tế Mỹ thoát khỏi đáy khủng hoảng, thì các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trong G20 như Đức và Trung Quốc nay cũng bắt đầu chững lại, còn Nhật Bản một lần nữa có nguy cơ mất tăng trưởng.

Một số nhà phân tích nói rằng, trong khi nước chủ nhà dường như tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng trong chương trình nghị sự G20, thì Mỹ và một số quốc gia thành viên khác, trong đó có Nhật Bản, lại tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu, với việc Washington bơm 3 tỷ USD vào “Quỹ Khí hậu xanh” của LHQ để giúp các nước nghèo hơn đối phó với những tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Một sự kiện quan trọng bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 là hội nghị ba bên Mỹ-Nhật-Úc về an ninh châu Á-Thái Bình Dương trong ngày 15/11. Hội nghị này được cho là một động thái khẳng định chính sách "xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc tăng trưởng kinh tế và quân sự mạnh mẽ.

Bắc Kinh cũng đáp lại bằng tuyên bố cung cấp 20 tỷ USD các khoản cho vay và thả nổi theo khả năng ký "hiệp ước hữu nghị" với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một nỗ lực rõ ràng nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Các vấn đề trọng yếu khác được bàn thảo tại G20 lần này bao gồm cuộc khủng hoảng Ukraine, vụ máy bay hành khách của Malaysia Airlines bị bắn rơi, vấn đề tài trợ chống Ebola ở Tây Phi, trong đó đáng chú ý là việc Mỹ thúc đẩy Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) xóa khoản nợ 100 triệu USD của Sierra Leone, Liberia và Guinea.

VIỆT HƯNG
(Theo AFP, Reuters, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI