Đe Trung Quốc, Mỹ tăng cường tuần tra biển Đông 2016

21/12/2015 - 07:43

PNO - Theo Navy Times, các quan chức Mỹ cho biết sẽ có thêm nhiều cuộc tuần tra bằng tàu và máy bay của hải quân tại Biển Đông vào năm 2016.

“Chúng ta cần nhớ rằng hải quân Mỹ đã tuần tra bảo vệ tự do hàng hải từ thời Tổng thống Jimmy Carter còn tại vị” - giáo sư hàng hải Craig Allen thuộc Trường Luật ĐH Washington nhấn mạnh. Hiện Hạm đội 7 của Mỹ đang đóng ở Nhật, thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển Đông.

Các chuyên gia pháp lý nói rằng, tuần tra là cách duy nhất để bảo vệ quyền tự do đi lại, đang bị thách thức bởi Trung Quốc.

De Trung Quoc, My tang cuong tuan tra bien Dong 2016
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ.

Washington sẽ tiếp tục điều các tàu khu trục và tàu tuần dương tới tuần tra gần các đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc. Ngoài ra cũng có thể tàu chiến gần bờ Fort Worth hiện đang có mặt ở Singapore sẽ tham gia tuần tra.

Nguồn tin hải quân Mỹ tiết lộ, hiện Nhật cũng đang xem xét tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Trước đó Bộ Quốc phòng Úc cũng đã xác nhận nước này triển khai máy bay P-3C Orion đến biển Đông như hãng BBC đưa tin.

Hồi tháng 10/2015, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đã tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó được xem là thách thức đầu tiên đối với Trung Quốc kể từ khi nước này thực hiện các hoạt động bồi đắp phi pháp tại Trường Sa, theo Navy Times ngày 19/12.

Và mới hôm 19/12, Trung Quốc phản ứng hùng hổ với việc một máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay vào vùng 2 hải lý quanh Đá Châu Viên, nơi bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp và bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép.

Các quan chức Mỹ cho biết Washington có ý định tiếp tục tuần tra định kỳ với nhiều tàu Hải quân và máy bay hơn tại Biển Đông. Một số chuyên gia nhận định đây là cách duy nhất để bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển này.

Vấn đề Biển Đông dự đoán sẽ nóng lên trong năm 2016, vì Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan, đã đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc vì yêu sách "đường lưỡi bò".

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông dựa trên "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra, đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Hoàng Trang (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI