Cuộc chiến chống hủ tục - Bài 4: Chết oan vì “karo-kari”

09/04/2013 - 16:59

PNO - PN - “Tôi chết nhưng vẫn sống trong lòng mọi người vì tôi sống trong giấc mơ của người yêu”. Ayman Udas, một nữ ca sĩ mới nổi ở Peshawar (thủ phủ tỉnh Tây Bắc biên giới Pakistan) đã viết như thế trong một ca khúc tự sáng tác,...

Ở Pakistan, việc giết người thân để bảo toàn danh dự gia đình được người địa phương gọi là karo-kari. “Karo” có nghĩa là đàn ông xấu xa còn “Kari” là đàn bà xấu xa. Cụm từ karo-kari nói riêng dùng để chỉ những người không chung thủy và nói chung là những hành vi trái với phong tục tập quán của người Hồi giáo ở Pakistan.

Khi phụ nữ bị gán cho chữ kari thì mọi thành viên trong gia đình đều được phép giết chết người phụ nữ đó cùng người tình karo để bảo vệ danh dự gia đình. Trong đa số trường hợp, nạn nhân là phụ nữ và kẻ ra tay là đàn ông trong gia đình hoặc cộng đồng sắc tộc của người phụ nữ đó. Không thể biết chính xác số người bị giết vì hủ tục karo-kari hàng năm ở Pakistan, vì việc này được coi là chuyện “nội bộ” gia đình. Hơn nữa, giết người để “gỡ” thể diện gia đình, theo quy định xã hội, không phải là tội ác. Các số liệu thống kê vì vậy rất khác nhau, tùy theo cơ quan hoặc tổ chức làm thống kê.

Ví dụ năm 2010, Ủy ban Nhân quyền Pakistan cho biết, có 791 vụ giết người do hủ tục karo-kari. Trong khi đó, ghi nhận của Tổ chức Ân xá quốc tế, có 900 phụ nữ bị giết vì hủ tục này. Đàn ông karo cũng là nạn nhân của hủ tục này nhưng chỉ bằng gần phân nửa so với phụ nữ.

Cuoc chien chong hu tuc - Bai 4: Chet oan vi “karo-kari”

Ca sĩ Ayman Udas khi còn sống - Ảnh: Internet

Người thách thức hủ tục

Cái chết của nữ ca sĩ Ayman Udas đã làm rúng động giới nghệ sĩ ở Peshawar, một thành phố có đời sống văn hóa nghệ thuật nổi tiếng sôi động. Họ khiếp sợ trước ảnh hưởng của Taliban, một tổ chức Hồi giáo cực đoan và bảo thủ, coi văn nghệ sĩ là phường “xướng ca vô loại”, là những tội đồ đáng chết.

Ayman Udas là một phụ nữ xinh đẹp ở độ tuổi ba mươi. Chị có khiếu sáng tác thơ, nhạc và ca hát. Chị từng có một đời chồng và hai con. Sau khi ly hôn, chị đi thêm bước nữa với một người đàn ông mà chị yêu thương thật sự. Nhưng, hạnh phúc mới chỉ tồn tại được 10 ngày thì tai họa giáng xuống đầu chị.

Đối với gia đình, chị là một tội đồ. Chị dám bỏ chồng - người do gia đình chọn cho chị. Chị dám lấy chồng khác, bất chấp truyền thống bộ tộc Pashtun. Hơn thế, chị còn lên đài truyền hình múa may hát hò. Trong mắt gia đình và hai người em trai Alamgir và Ismail, Udas đã làm ô danh gia đình, nên chị phải trả giá. Kế hoạch “tiêu diệt kari” đã được hai anh em chuẩn bị rất kỹ.

Ayman Udas vừa ca hát, vừa sáng tác nhạc. Chị viết ca từ bằng tiếng Pasto, phương ngữ của các bộ tộc Pashtun ở tỉnh Tây Bắc biên giới Pakistan. Chị xuất hiện trên đài truyền hình địa phương và đài truyền hình PTV trung ương. Một trong những bài hát được nhiều người biết đến của chị có câu “Mra shum ashna khu pa jwando ki usam, janana sta pa waswaso ki usa” ca ngợi lòng can đảm, thậm chí thách thức cái chết, của người phụ nữ Pakistan thời nay.

Cuoc chien chong hu tuc - Bai 4: Chet oan vi “karo-kari”

Ca sĩ Ayman Udas - Ảnh: Internet

Ayman Udas càng nổi tiếng bao nhiêu thì gia đình chị càng thấy danh dự của họ bị xúc phạm nặng nề bấy nhiêu. Thời cơ chín muồi, hai anh em Alamgir và Ismail đến tận nhà riêng của người chị. Đợi lúc Usman Khan, người chồng thứ hai của Udas, ra ngoài mua sữa, họ xông vào nhà bắn vào ngực chị ruột mình ba phát rồi bỏ chạy. Anh Usman đi báo nhưng không có người nào bị bắt. Cảnh sát chỉ khám xét qua loa vài ngôi nhà gần đó, rồi nói là họ đã truy tìm thủ phạm nhưng không thấy manh mối gì.

Ahmad Ali Adil, giáo sư Trường đại học Peshawar, gọi vụ hạ sát Udas là “tội ác chống nhân loại” không thể chấp nhận . Ông cảnh báo, chừng nào xã hội chưa thay đổi, nhiều nghệ sĩ khác cũng sẽ chịu chung số phận. Trước vụ Udas bị giết, xác một vũ công nam trên người lỗ chỗ vết đạn đã được tìm thấy ở trung tâm Mingora, thủ phủ tỉnh Swat, cách nhà Udas không xa. Trên xác nạn nhân có ghim một mảnh giấy cảnh cáo những “tiếng nói phi Hồi giáo” không bao giờ được tha thứ.

Theo nhật báo Anh London Times, sau cái chết của nữ ca sĩ Ayman Udas, nhiều ca sĩ, diễn viên sân khấu và điện ảnh sống trong vùng đã ngưng diễn hoặc bỏ đi nơi khác. Họ cũng đã nhận được những lời đe dọa “xin tí huyết” của các phần tử bảo thủ, cực đoan. Luật pháp lỏng lẻo và sự thờ ơ của các cơ quan thực thi pháp luật khiến nhiều nghệ sĩ không có sự lựa chọn nào khác.

Từ chức vì lỡ… ôm đàn ông

Không chỉ những người bình thường mà những người có địa vị cao trong xã hội cũng bị áp lực của hủ tục karo-kari, khiến họ đôi lúc cũng phải có những quyết định trái với lòng mình. Trường hợp của bà Nilofar Bakhtiar, 56 tuổi, người cùng quê với Ayman Udas, thượng nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Du lịch Liên bang Pakistan thời Thủ tướng Shaukat Aziz, là một ví dụ.

Cuoc chien chong hu tuc - Bai 4: Chet oan vi “karo-kari”

Bà Nilofar Bakhtiar chia vui với HLV sau khi nhảy dù thành công, chẳng ngờ tạo ra scandal -Ảnh: Internet

Tháng 4/2007, các giáo sĩ ở tòa án Hồi giáo của Pakistan đã ban hành Fatwa (án lệnh) yêu cầu chính phủ cách chức và trừng phạt nghiêm khắc “tội đồ” là Bộ trưởng Bakhtiar ngay lập tức. Nguyên nhân: một số tờ báo theo khuynh hướng bảo thủ đăng ảnh một người phụ nữ trong trang phục nhảy dù giống bà Bakhtiar đã ôm chầm người huấn luyện viên, sau một cú nhảy dù biểu diễn tại Pháp với mục đích từ thiện, quyên góp tiền cứu giúp nạn nhân trận động đất tháng 10/2005 ở Pakistan. Việc này đã gặp phải phản ứng mãnh liệt từ các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan.

Các giáo sĩ cho rằng, đó là một hành động sai trái, tội của bà Bakhtiar rất nghiêm trọng. Người phụ nữ Hồi giáo phải ở trong nhà, khi ra ngoài phải ăn mặc thật kín đáo. Càng không được đụng chạm với người khác giới, nhất là người khác đạo. Huấn luyện viên nhảy dù là người Pháp, theo đạo Ki tô.

Bà Bakhtiar mô tả hành động của bà chỉ bao hàm ý nghĩa cám ơn người huấn luyện viên đã bảo vệ bà an toàn khi nhảy dù. “Tôi đang làm công tác từ thiện. Tôi chưa bao giờ nhảy dù nên rất cần một huấn luyện viên giỏi. Tôi tự hào đã làm được chuyện đó. Tôi là một tín đồ Hồi giáo tốt hơn hẳn những người đang chỉ trích việc tôi ôm một ông già 71 tuổi, bằng tuổi cha tôi” - bà bộ trưởng phản kích.

Cuoc chien chong hu tuc - Bai 4: Chet oan vi “karo-kari”

Bà Nilofar Bakhtiar khi còn là bộ trưởng - Ảnh: Internet

Phán quyết của tòa án Hồi giáo Lal Masjid Sharia cho rằng bà Bakhtiar đã vi phạm luật Hồi giáo nên phải bị cách chức. Tòa án giải thích, phán quyết này được đưa ra sau khi có đơn thỉnh cầu của “một cư dân thủ đô Islamabad” nhưng từ chối nói rõ đó là ai.

Sau phán quyết nói trên, bà Bakhtiar trở thành nạn nhân của một chiến dịch hăm dọa. Bà đem chuyện này trình bày trước ban thường vụ thượng viện rằng mạng sống của bà bị đe dọa. Tuy nhiên, bà đã không nhận được sự ủng hộ cần thiết của các đồng nghiệp.

Chán nản, thất vọng, ngày 21/5 Nilofar Bakhtiar nộp đơn xin từ nhiệm. Thủ tướng Shaukat Aziz bác đơn nhưng bà vẫn cương quyết xin từ chức. Scandal nói trên quá sức chịu đựng của bà - vốn là người đấu tranh cho sự thay đổi vị thế của phụ nữ trong xã hội bằng cách nâng cao giáo dục và y tế.

TRỌNG NGHĨA 

Kỳ cuối: truyền thuyết sati

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI