Chiến sự Syria ngày càng hỗn loạn, số phận TT Assad chưa biết sẽ đi về đâu

15/09/2016 - 12:02

PNO - Mỹ và Nga vẫn còn những bất đồng về vấn đề tiến trình hòa đàm. Phía Nga muốn một thỏa thuận mà trong đó Tổng thống Bashar al-Assad vẫn tại vị, còn phía Mỹ, và chắc chắn là cả phe đối lập, muốn ông Assad từ chức.


Hãng tin Interfax dẫn lời một viên tướng cấp cao của Nga ngày 14/9 cho biết, thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã bị vi phạm 60 lần trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi có hiệu lực, với hầu hết các trường hợp vi phạm thuộc về nhóm vũ trang Ahrar al-Sham.

Theo Trung tướng Viktor Poznikhir, Nga ủng hộ việc kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 48 giờ nữa và sẽ thảo luận về khả năng này với Mỹ.

Nếu như mọi chuyện đều ổn thỏa thì thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ chiều tối 12/9 đã có thể giúp hạ nhiệt, ít nhất là một “quãng nghỉ” cho cuộc nội chiến ở Syria.

Chien su Syria ngay cang hon loan, so phan TT Assad chua biet se di ve dau
Cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang năm thứ 6

Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố ngày 10/9, dựa trên cơ sở Washington và Moskva kiềm chế các đồng minh của mình nhằm ngăn chặn xung đột.

Các chuyên gia phân tích hàng đầu của Israel tỏ ra không mấy lạc quan. Họ cho rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ không thể duy trì được trong thời gian dài và không thể dẫn đến một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc chiến.

Trước hết, rõ ràng Mỹ và Nga vẫn còn bất đồng về vấn đề tiến trình hòa đàm sẽ như thế nào. Phía Nga muốn một thỏa thuận mà trong đó Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn tại vị, còn phía Mỹ, và chắc chắn là cả phe đối lập, muốn ông Assad từ chức. Thỏa thuận ngừng bắn thực sự không thể quyết định được số phận của thể chế Tổng thống Assad.

Chien su Syria ngay cang hon loan, so phan TT Assad chua biet se di ve dau
Nga - Mỹ, ai sẽ định đoạt số phận Tổng thống Assad?

Trong những tháng gần đây, Chính phủ Syria đã tăng cường mạnh mẽ quan điểm chính trị của họ. Quân đội Syria đang vây hãm nhiều khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm đóng ở Aleppo, thành phố lớn nhất ở Syria và đã giành được quyền kiểm soát hai vùng ngoại ô ở Damascus thông qua các thỏa thuận với phe nổi dậy. Những thành tích đó của Chính quyền Syria cũng báo trước khả năng thấp trong việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn, bởi ông Assad dường như tin rằng ông có thể giành chiến thắng nếu tiếp tục cuộc chiến.

Trong khi Nga có thể không muốn ngăn chặn ông Assad, Mỹ có lẽ đơn thuần là không thể duy trì hoàn toàn được cam kết của mình trong cuộc đàm phán với Nga. Thỏa thuận kêu gọi Mỹ gia tăng áp lực đối với các nhóm nổi dậy mà Washington ủng hộ nhằm phân biệt với lực lượng JFS và tạo ra sự hợp tác Mỹ-Nga trong hoạt động tấn công nhóm khủng bố có liên hệ với al-Qaeda này. Tuy nhiên, trên thực tế các chiến binh phe đối lập do Mỹ ủng hộ lại muốn có quan hệ gần gũi với JFS, và dường như không thể phá vỡ mối quan hệ này.

Theo ông Zisser, không giải pháp ngoại giao nào là khả thi đối với cuộc chiến này, bởi đó là một cuộc chiến “được ăn cả ngã về không”. Ông nói: “Ông Assad muốn tại vị, phe nổi dậy muốn lật đổ ông. Làm sao có thể thu hẹp khoảng cách này lại được? Điều này sẽ được quyết định trên chiến trường. Tôi không thấy bất cứ sự thay đổi nào. Chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trong một vài năm tới”.

Không phải toàn bộ các chuyên gia phân tích đều tỏ ra bi quan về thỏa thuận này. Patrick Cockburn, tác giả của cuốn “Sự nổi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo: ISIS và cuộc cách mạng Sunni mới”, có bài viết trên tờ “The Independent” hôm 10/9 rằng thỏa thuận vừa qua đem đến một cơ hội hợp tác. Ông cho rằng “Mỹ và Nga nên ở cùng một phe thuyết phục và thúc ép các đồng minh kiềm chế bằng một thỏa thuận ngừng bắn, dù các đồng minh này có cứng đầu thế nào”.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI