Những cú lừa ngoạn mục - Bài cuối: Người khổng lồ ở Cardiff

07/05/2014 - 07:25

PNO - PN - Sự kiện tìm thấy người hóa đá khổng lồ ở Cardiff, bang New York cách đây 145 năm, có lẽ là trò bịp nổi tiếng nhất lịch sử ngành khảo cổ Mỹ. Điều thú vị là “cổ vật” này còn được mua đi bán lại nhiều lần và hiện...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 16/10/1869, có tin hai thợ đào giếng tên Gideon Emmons và Henry Nichols bất ngờ đào được tượng một người khổng lồ cao 3,2 mét trong trang trại ông William “Stub” Newell ở gần làng Cardiff. Đó là tượng người đàn ông trần truồng “hình như bị hóa đá” nằm nghiêng như đang ngủ. Một tuần sau, một nhật báo ở Philadelphia đăng hai bài báo nêu hai cách nhìn trái ngược về pho tượng.

Nhung cu lua ngoan muc - Bai cuói: Nguoi khong lo o Cardiff

Tượng Người khổng lồ trưng bày ở Bảo tàng Nông dân Cooperstown, bang New York - Ảnh: Farmers Museum

Tranh cãi bất tận

Bài thứ nhất giật tít Người hóa đá là lời tường thuật của một người dân ở gần trang trại ông Newell: “Hôm nay có hàng trăm người tứ xứ đến xem cổ vật. Một số bác sĩ cho rằng, có thể đây là một người sống thời cổ đại - đã hóa đá, sau khi xem xét kỹ các mô cơ, mạch máu, gân gót chân, gân cổ nổi lên trên thân pho tượng. Có rất nhiều giả thuyết về người đàn ông bí ẩn này. Ông ta từng sống ở đâu, làm cách nào tới đây không ai biết? Đây chắc chắn là một liên kết các giống dân trong quá khứ và hiện tại có giá trị lớn”.

Bài báo thứ nhì đăng vào hai ngày sau, có nội dung hoàn toàn trái ngược, đăng lại của tờ Syracuse Standard có tựa đề Cái gọi là tượng khổng lồ, nêu ý kiến của giáo sư-tiến sĩ John F. Boynton, chuyên gia hàng đầu về khảo cổ Mỹ, sau khi xem xét kỹ pho tượng. Bài báo viết: “Giáo sư đã chui dưới pho tượng để xem vùng lưng và phát hiện chất liệu của pho tượng là thạch cao được gọt đẽo rất khéo. Vì vậy, gọi nó là “người hóa thạch” là phi lý”. Nhưng, vị tiến sĩ khả kính này vẫn mắc sai lầm khi ông khẳng định, pho tượng đã được chôn trước đó mấy trăm năm, trong khi thực tế là chưa quá... một năm.

Thời đó chưa có kỹ thuật khảo nghiệm hiện đại như ngày nay nên những tranh cãi trên báo chí quanh chuyện thật giả, là tượng hay người sống hóa đá cứ kéo dài. Dư luận càng “nửa tin, nửa ngờ”, chuyện càng thu hút nhiều người, trong đó có cả các nhà truyền giáo, chuyên gia địa chất, khảo cổ học, đặc biệt là tiến sĩ John F. Boynton. Dù ông này tỏ ra nghi ngờ, nhưng các nhà truyền giáo và tổ chức công giáo vẫn xác tín pho tượng là “người thật bị hóa đá”, một báu vật thời cổ đại. Nó phù hợp với truyền thuyết ghi trong sách Sáng thế là ngày xưa có những người khổng lồ sống trên mặt đất.

Thấy nhiều người lũ lượt tìm đến, ông chủ trang trại Newell không bỏ lỡ cơ hội hốt bạc. Ông dựng rạp, bán vé cho những người hiếu kỳ muốn xem tận mắt vật lạ sau khi nghe đầy tai những tranh cãi trên các phương tiện truyền thông. Giá vé ban đầu là 25 xu, hai ngày sau tăng lên 50 xu. Có ngày ông Newell thu được 1.000 USD. Thấy “ngon ăn”, David Hannum, một chủ ngân hàng có máu kinh doanh bàn với bốn người bạn kế hoạch hùn vốn mở công ty, mua lại “cổ vật” để triển lãm và bán vé ở các thành phố lớn bờ Đông nước Mỹ. Ông đã trả cho nhà Newell 23.000 USD (tương đương 429.000 USD hiện nay) để có được pho tượng này.

Ngày 5/11/1869, pho tượng được đưa lên xe lửa chở đến thành phố Syracuse, hạt Onondaga, bang New York, sau đó là đến New York kiếm tiền. Phineas T. Barnum, một doanh nhân nổi tiếng trong ngành giải trí, chuyên sưu tập những món đồ lạ, tìm đến ông Hannum gạ gẫm mua lại tượng với giá 50.000 USD. Bị từ chối, Barnum thuê gián điệp trà trộn vào khách tham quan ăn cắp thông tin về kích thước, đặc điểm pho tượng rồi thuê thợ làm một pho tượng khác y chang. Barnum đem tượng của mình triển lãm trong một nhà bảo tàng bề thế ở thành phố New York, tuyên bố Người khổng lồ ở Cardiff của mình mới là thứ thiệt, tượng của ông Hannum là hàng giả. Tượng của ông Barnum đã thu hút khách nhiều hơn vì mang tính chuyên nghiệp hơn. Tuyến xe lửa ghé qua New York phải tăng thêm chuyến để chở khách đến nhà bảo tàng chiêm ngưỡng Người khổng lồ hóa đá. Trong khi đó, pho tượng của ông Hannum, dù là bản chính cũng bắt đầu ế khách.

Lộ mặt người thích đùa

Thế là David Hannum đâm đơn kiện ông P.T. Barnum về tội vu khống, làm giả Người khổng lồ Cardiff và cạnh tranh bất chính. Vụ kiện bất thành vì không may cho Hannum, ngày 25/11, giáo sư Othniel C. Marsh, nhà hóa thạch học nổi tiếng của Trường đại học Yale, tuyên bố Người khổng lồ ở Cardiff chỉ là một trò bịp. Hơn thế, ngày 10/12, một người bà con của ông Newell tên George Hull thú nhận với báo chí, chính ông đạo diễn trò bịp này để thỏa mãn lòng hiếu thắng sau cuộc tranh luận với mục sư Turk, một người theo hội Giám lý, về sự hiện diện của người khổng lồ thời cổ đại được ghi nhận trong sách Sáng thế. Ông muốn chứng minh sự nhẹ dạ của con người là phổ biến trong xã hội.

George Hull, quê ở Ackley, bang Iowa, sống bằng nghề buôn bán xì-gà. Ông từng đến New York học ngành khảo cổ học và hóa thạch học. Là người vô thần, Hull tự hỏi tại sao người đời lại tin sái cổ vào người khổng lồ trong sách thánh và nghĩ ra trò bịp người khổng lồ hóa đá để lừa thiên hạ? Tháng 6/1868, ông Hull phát hiện một khối đá thạch cao lớn ở gần Fort Dodge, bang Iowa. Sợ lộ ý đồ bịp bợm, ông nói dối với những người ông thuê gọt đẽo đá thạch cao thành một khối gọn, có trọng lượng 1,35 tấn, dài 3,2 mét, rằng ông sẽ đem nó về New York tạc tượng ông Abraham Lincoln. Khối đá được chở về thành phố Chicago. Tại đây ông Hull thuê Edward Burghardt, thợ cắt đá người Đức, đục đẽo thành Người khổng lồ hóa đá đang chết oằn oại vì đau đớn. Sau khi bắt người thợ thề thốt giữ kín chuyện này, ông Hull chở tượng về trang trại của người bà con tên William Newell ở Cardiff vào tháng 11/1868. Để qua mắt thiên hạ, ông dùng axít sunfuric và mực in biến tượng thạch cao thành tượng đá giống hệt cổ vật. Nửa đêm, ông và con trai đem chôn tượng gần chuồng ngựa trong trang trại của Newell, chờ thời điểm thích hợp mới gây sốc cho dư luận. Và, thần may mắn đã đứng về phía ông Hull. Sáu tháng sau, các nhà khảo cổ khai quật được những mẩu xương người hóa đá có niên đại hàng ngàn năm trong một trang trại gần nhà ông Newell. Báo chí địa phương tường thuật sôi nổi sự kiện này. Đọc báo, ông Hull bàn ngay với Newell thời điểm tung ra “cổ vật” độc đáo của mình.

Ngày 16/10/1869, ông Hull thuê hai thợ đào giếng không biết tí gì về âm mưu của ông, chỉ chỗ đào rồi vào nhà ngồi chờ phép lạ. Chưa được nửa ngày, hai người thợ báo cho chủ nhà biết đã đào được một ngôi mộ cổ của thổ dân. Vở kịch sau đó được triển khai đúng như ý đồ của ông Hull. Tổng chi phí cho chiến dịch lừa đảo này là 2.600 USD.

Biết Newell là người hay bép xép, sợ sớm “bể mánh”, ông Hull vội bán lại pho tượng cho công ty ông Hannum với giá 23.000 USD như kể trên. Trong vụ này, ông Hull lời to, ngành khảo cổ Mỹ nhận lãnh vết nhơ mãi mãi không thể xóa được.

TRỌNG NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI