Ước được nấu cháo… cho vợ

23/05/2015 - 18:14

PNO - PN - Ngô sinh ra ở quê, ba má Ngô đều là nông dân. Từ bé, Ngô đã quen mỗi sớm phơi củi, chiều dọn đồ, lưng lửng trưa quét nhà rửa bát. Lớn thêm chút xíu, Ngô tập vo gạo, nhặt rau. Thêm xíu nữa, Ngô bắt đầu ngồi nhóm bếp, nấu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Má sai Ngô đi chợ, Ngô bước đến hàng rau, trả 3.000đ là đúng 3.000đ, không thể cao hơn mà cũng chẳng thể thấp hơn. Ngô đến hàng thịt, trả 25.000đ là đúng 25.000đ, không thể bảo là vì dư hơn lạng hay thiếu hơn lạng mà phải bù thêm bỏ bớt. Hàng xóm gặp Ngô còn phải hỏi, “Ngô ơi, hôm nay nạc đùi bao nhiêu một ký? Ngô ơi, cải 5.000đ một bó là mắc hay rẻ?”. Đại khái, đi chợ nấu ăn nếu không gọi Ngô là cao thủ nhất lưu thì cũng không thể bảo Ngô chỉ là kẻ mới tập tành phụ việc được.

Ngô lên Sài Gòn trọ học, nếp xưa không thay đổi, vẫn quen cô bán rau, vẫn thân cô bán gạo, vẫn mỗi chớm trưa ra chợ, mỗi quá chiều dọn bát trong căn phòng ở Thanh Đa.

Ngô lập gia đình, phúc cho Ngô, vợ Ngô biết cắm hoa làm bánh, không món nào là nấu không ngon. Lại nỗi, vợ Ngô họa hoằn lắm mới cho Ngô vào bếp để phụ thái hành hay lột tỏi. Vợ Ngô phân định rất rạch ròi, “Mình lau nhà, tưới cây. Em làm đồ ăn, nấu cơm”. Thi thoảng, diễm phúc của Ngô là được cầm tiền đi siêu thị theo đúng tinh thần chỉ đạo của vợ. Hoặc họa hoằn lắm thì mới được nấu cho vợ tô cháo thịt băm nếu vợ... bệnh.

Hơn một lần Ngô phản ứng, “Tính dân chủ trong căn nhà này hoàn toàn bị triệt tiêu, anh vẫn có thể nấu ăn còn mình thì lau nhà, tưới cây được mà”. Vợ Ngô quyết liệt, “Chỉ có trong phim Hàn Quốc thì đàn ông mới đeo tạp dề thôi”. Ngô lại cãi, “Anh thấy gần như những đầu bếp trứ danh đều là đàn ông?”. Vợ Ngô cười tươi, “Nhưng vợ của những đầu bếp trứ danh ấy vẫn nấu cơm cho chồng mỗi ngày”.

Uoc duoc nau chao… cho vo

Mà điều này không chỉ trong nếp nhà của Ngô, bạn bè của Ngô cũng vậy. Ngô đưa vợ con sang nhà nhạc mẫu chơi, nhạc mẫu của Ngô vẫn tất bật trong bếp nấu ăn, còn nhạc phụ của Ngô thì chăm hoa trên sân thượng. Có lúc Ngô nghĩ, tư duy của vợ Ngô khởi sinh từ truyền thống này chăng (?).

Ngô cũng không biết nữa, nhưng mỗi khi Ngô stress, Ngô vẫn muốn được nấu ăn, được làm bếp. Hay ít ra, Ngô muốn minh chứng cho vợ thấy Ngô thương vợ ra sao. Ngô chỉ ngại, vợ Ngô lại đoán định không tích cực thôi.

Chuyện của Ngô lẽ ra tới đây là chấm dứt. Ước mơ vào bếp của Ngô có lẽ chỉ là mơ ước. Để cho nhà cửa trong ấm ngoài êm, Ngô sẽ lao vào…thương trường. Bếp trường nhường cho vợ. Nhưng rồi, không nhớ dịp nào, một bạn quen trên đường đi chợ (thời chưa vợ đã xa), chấm cho một lá số tử vi. Bạn phán: Mày là âm nam, nên sẽ thích mua sắm, bếp núc, thích những lĩnh vực xưa nay người ta vẫn gán cho là của đàn bà. Ngô thấy trúng phóc.

Ngày mai hay có thể là ngay tối nay, nên chăng Ngô sẽ về thảo cho vợ một bức tâm thư rằng: Mình ơi, bếp đâu phải của riêng ai. Anh sẽ không bắt mình xây nhà, anh sẽ xây nhà, nhưng anh tự nguyện sẽ góp tay cùng mình xây tổ ấm, bằng cách đi chợ, vào bếp, xem giá cả, sở thích nho nhỏ của anh. Anh cũng không giành bếp của em, nhưng thỉnh thoảng mình hãy đổi vai cho nhau, em nhé. Em đi uống cà phê, nhậu nhẹt, hay tệ lắm thì tưới hoa. Anh sẽ vào bếp. Cuộc đời nhiều màu sắc thế mới vui phải không mình, người phụ nữ tuyệt vời của anh!

 NGÔ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI