Hoa Kỳ không thay đổi chính sách chuyển sang trục châu Á

07/05/2013 - 11:05

PNO - PNO – Ngày 6/5, Đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, cho biết kế hoạch tăng cường sự hiện diện hải quân của Mỹ ở Thái Bình Dương với các tàu chiến mới và các loại vũ khí công nghệ cao vẫn tiếp tục tiến hành bất...

Hoa Ky khong thay doi chinh sach chuyen sang truc chau A

Tàu sân bay USS John C. Stennis lớp Nimitz của Mỹ - Ảnh: AFP

Trả lời câu hỏi của AFP về mục tiêu của chuyến đi chín ngày tới Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết ông sẽ tìm cách "trấn an" các đối tác rằng áp lực gia tăng về chi tiêu quân sự sẽ không làm “chệch hướng” chính sách quay trục sang châu Á mà chính quyền của ông Barack Obama đã công bố rộng rãi.

Trong tổng số 283 tàu chiến các loại của Hải quân Mỹ, 101 chiếc đang được triển khai, trong đó 52 tàu triển khai trong vùng biển Thái Bình Dương, với kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực lên 62 tàu vào năm 2020, ông Greenert nói.

"Chúng tôi tiếp tục theo đuổi kế hoạch này và không có vấn đề gì trong vòng 7-8 năm sắp tới”, Đô đốc Greenert tuyên bố trước khi khởi hành chuyến đi vào ngày mai (8/5).

Ông Greenert sẽ gặp các đối tác tại hội nghị an ninh hàng hải IMDEX ở Singapore, và trong các cuộc hội đàm lần này ông sẽ phác thảo kế hoạch hiện diện hải quân không ngừng mở rộng của Mỹ, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

"Tôi sẽ trao đổi với họ về việc triển khai hải quân và chúng ta làm thế nào để duy trì sự hiện diện của chúng tôi thông qua giai đoạn 2013-14 này", ông nói.

Theo chương trình cắt giảm ngân sách tự động, Lầu Năm Góc phải đối mặt với sự cắt giảm 41 tỉ USD trong năm tài khóa và con số này có thể tăng lên đến 500 tỉ USD trong chín năm tiếp theo, nếu các nhà lập pháp Hoa Kỳ không phá vỡ được sự bế tắc chính trị.

Các nhà lãnh đạo quân sự từng cảnh báo rằng số giờ bay, việc bảo dưỡng tàu và một số cuộc tập trận sẽ phải giảm bớt do ngân sách bị siết chặt, ngay cả khi Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác vẫn tiếp tục theo đuổi việc trang bị vũ khí.

Đô đốc Greenert thừa nhận việc cắt giảm ngân sách quốc phòng có thể làm chậm sự xuất hiện của một số loại vũ khí mới, và nếu nguồn vốn bị phong tỏa trong nhiều năm, các kế hoạch đóng tàu sẽ phải chịu thiệt hại. Tuy nhiên, ông cho biết 47 tàu chiến đang đóng hoặc chế tạo theo hợp đồng sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự cắt giảm ngân sách nào.

Liên quan đến những căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và bên ngoài khu vực này, Đô đốc Greenert cho biết sẽ sử dụng chuyến đi của mình để thảo luận về "các quy tắc ứng xử " trên biển với các đối tác nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng.

Trung Quốc thường mâu thuẫn với các nước láng giềng về quyền lãnh thổ, nhưng Greenert cho biết ông đã không xem cường quốc châu Á này như mối đe dọa. Thay vào đó, mối quan hệ với Trung Quốc được xem như “một cơ hội", mà nếu không được xử lý đúng đắn "có thể biến thành một đối thủ tiềm năng".

Washington sẽ tập trung vào việc làm thế nào để "hiểu biết lẫn nhau và phát triển một cuộc đối thoại có ý nghĩa".

Vị Đô đốc bốn sao Greenert, người sẽ đến Seoul sau khi dừng chân tại Singapore, cho biết Triều Tiên vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong khu vực, nhưng căng thẳng dường như đã giảm đi sau khi Bình Nhưỡng hạ bớt giọng hiếu chiến trong những tuần gần đây.

VIỆT HƯNG (Theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI