Tư vấn trực tuyến 'Cảnh báo người trẻ mắc bệnh tim mạch'

16/10/2019 - 16:13

Mỗi năm các bệnh lý liên quan đến tim mạch cướp đi sinh mạng của 200.000 người Việt, chiếm ¼ tổng số ca tử vong.

Bác sĩ cho tôi hỏi, trước đây sức khỏe tôi rất bình thường, nhưng sau khi sinh thì cứ bị mỏi mệt, đau tức ngực, đau lan sang hông một hai cơn rồi hết. Nhưng con tôi có thể bị giống tôi, mỗi lần cháu gồng người lên là khóc ré, phải xoa hông mới hết, tôi hoang mang quá không biết làm sao.( Nguyễn hồng nhung, 0 tuổi, )

Chào chị,

Sau sinh do tình trạng rối loạn về dinh dưỡng và do căng thẳng, stress nên chị thường có cảm giác mệt mỏi, có thể hồi hộp, tức ngực. Chị cần nghỉ ngơi, phân bổ thời gian chăm sóc cháu bé hợp lý, kèm theo cải thiện chế độ dinh dưỡng.

Nếu sau 1-2 tuần tình trạng sức khỏe không cải thiện, chị nên đến khám tại một cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn.

Về trường hợp của cháu bé, những triệu chứng trên có thể là những rối loạn sinh lý bình thường ở độ tuổi sơ sinh. Chị nên cho cháu bú đều đặn, nên khám bác sĩ chuyên khoa nhi sơ sinh, nếu những biểu hiện trên còn tiếp diễn.

 

Bệnh tim mạch có cần kiêng ăn mặn không?( Văn Trường, 0 tuổi, )

Bệnh tim mạch là một thuật ngữ dùng để chỉ rất nhiều bệnh thuộc hệ tim, mạch máu nói chung.

Người bệnh tim mạch cần hạn chế ăn nhiều muối - ăn nhạt trong các bệnh lý sau: tăng huyết áp, suy tim.

Các nghiên cứu dịch tể học trên thế giới cho biết, những quần thể dân cư ăn ít muối thì có tuổi thọ dài hơn và ít mắc bệnh tim mạch hơn.

 

Tôi thường xuyên bị mệt mỗi khi leo cầu thang, vậy tôi có bị bệnh tim hay không?( Nguyễn Thu Trinh, 0 tuổi, )

Chào bạn,

Tình trạng bạn mô tả, một biểu hiện của giới hạn hoạt động thể lực có thể do nhiều nguyên nhân, bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân đó.

Chị nên đến một cơ sở y tế để được thăm khám chi tiết và làm xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng mệt khi gắng sức.

Mẹ tôi hay bị nhói ở lồng ngực, lúc trước thì vài ngày, dạo gần đây càng thường xuyên kèm theo bị nhức đầu nữa. Tôi muốn hỏi triệu chứng như trên có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không?( Nguyễn Thu Trinh, 0 tuổi, )

Theo mô tả của chị, có thể mẹ chị có biểu hiện của bệnh lý tăng huyết áp. Chị nên đo huyết áp tại nhà và tư vấn với nhân viên y tế sau khi đã có con số huyết áp.

Nếu huyết áp tâm thu >=140 mmHg hoặc huyết áp tâm thương >= 90 mmHg, thì được gọi là tăng áp.

Mẹ tôi bị suy tim, trước đó có tiền sử bị hen suyễn, tôi muốn hỏi bệnh tim có di truyền hay không?( Nguyễn Thu Trinh, 0 tuổi, )

Bệnh suy tim không có liên quan đến di truyền. Tuy vậy, rất nhiều tim mạch có tính gia đình như tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim, bệnh rối loạn chuyển hoa lipid máu.

Do vậy, chị nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị cho mẹ về nguyên nhân gây suy tim và  xin tư vấn những xét nghiệm mà chị cần tầm soát nếu có.

 

Ba tôi bị tăng huyết áp và hút thuốc thường xuyên, vậy tim mạch có bị ảnh hưởng không?
( Nguyễn Thu Trinh, 0 tuổi, )

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây ra rất nhiều biến chứng tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận. Bạn nên đưa ba đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được điều trị sớm nhằm hạn chế dẫn đến các biến chứng trên.

Tôi là dân tập thể hình, gần đây thấy tim hay bị nhói và khó thở lúc tập cường độ cao (trước kia cũng tập như vậy mà không bị), vậy tôi có khả năng bị bệnh tim không?( Nguyễn Thanh Khoa, 0 tuổi, )

Tập thể hình là một hoạt động gắng sức mức độ nặng. Nếu gần đây anh có biểu hiện mệt khi tập luyện, thì anh nên khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để phát hiện những bệnh lý tim mạch mới mắc phải nếu có.

 

Tôi bị bệnh tim hơn 10 năm nay, đã bị nhồi máu cơ tim 3 lần may là được cấp cứu kịp lúc. Hiện tại sức khỏe tôi ổn định, tôi muốn biết làm thế nào để tránh bị nhồi máu cơ tim trong tương lai?( Nguyễn Văn Bảy, 0 tuổi, )

Chào anh,

Anh thuộc đối tượng nguy cơ cao của bệnh lý tim mạch, trong tiền sử anh từng bị nhồi máu cơ tim 3 lần, do vậy, anh cần phải tuân thủ ý kiến điều trị của bác sĩ, tối ưu hóa chỉ số huyết áp, tối ưu hóa tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, đường máu, để tránh nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim một lần nữa.

Riêng anh, cần tập thể dục thường xuyên với mức độ vừa phải ví dụ như đi bộ. Anh cần ăn nhạt, hạn chế ăn những thức ăn có nhiều mỡ có hại như nội tạng động vật, da động vật, đồ chiên xào,... Nên ăn nhiều rau, hoa quả.

Bác sĩ cho tôi hỏi có nên dùng thực phẩm chức năng để trị đau tim không, tôi thấy thị trường có quảng cáo nhiều loại thực phẩm chức năng, dùng thuốc tây tôi sợ tác dụng phụ nhiều không tốt?( Doãn Thị Minh Huệ, 0 tuổi, )

Có vài loại thực phẩm chức năng có lợi cho hệ tim mạch như dầu cá, coenzym Q10,...

Tuy vậy, các thuốc này không có bằng chứng cải thiện chung cuộc cho các bệnh lý tim mạch. Nếu chị có bệnh lý tim mạch thực thể, thì chị nên tuân thủ điều trị theo ý kiến của bác sĩ đã thăm khám cho chị.

 

Con gái tôi mới 7 tuổi, bé bị phát hiện hở van tim bẩm sinh. Hiện bé vẫn tái khám và theo dõi thường xuyên, tôi muốn biết có thể cho bé vận động thể thao gì không hay kiêng hoàn toàn?( Lâm Hoài Đức, 0 tuổi, )

Anh chị không cung cấp cụ thể cháu bị loại tim bẩm sinh gì, tuy vậy, nếu cháu vẫn hoạt động và vui chơi bình thường mà không gây mệt, thì nên để cháu hoạt động theo sở thích.

Để chi tiết hơn, chị nên tư vấn trực tiếp từ bác sĩ điều trị cho bé.

Nếu đang có thai mà phát hiện thai nhi bị dị tật ở tim thì sau khi em bé ra đời có thể phẫu thuật được không?( Minh Huyền, 0 tuổi, )

Hiện tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã phẫu thuật thành công những trường hợp mới sinh nhỏ hơn 1 tháng tuổi. Do vậy, chị yên tâm rằng bệnh tim mạch của bé có thể được điều trị ngay sau sinh.

Chị nên đến khám ở những bệnh viện lớn về chuyên ngành sản nhi để được tư vấn chi tiết và chuẩn bị cho việc sinh nở.

Tôi làm việc văn phòng, công việc bàn giấy ít vận động, đi làm về bận việc nhà nên không có thời gian tập thể dục, ăn uống cũng thất thường. Vậy tôi có nguy cơ bị tim mạch không và phải làm gì để ngăn ngừa?( Nguyễn Thị Bạch Tuyết, 0 tuổi, )

Nguy cơ tim mạch thường gặp ở những nhóm người ít vận động thể lực và thường xuyên gặp căng thẳng. Do vậy, anh chị cần thư giãn và rời bàn làm việc, đi lại và tập thể dục nhẹ trong phòng làm việc.

Có phải bệnh tim là phải phẫu thuật mới chữa khỏi hay không? Có thể trị bệnh bằng thuốc nam không?( Hoàng Minh Hùng, 0 tuổi, )

Thuốc nam ít có vai trò trong điều trị bệnh lý tim mạch thực thể ở thời điểm hiện nay.

Phần lớn những bệnh lý tim mạch có thể chữa khỏi bằng cách dùng thuốc mà không cần phẫu thuật. Tuy vậy, có một số bệnh lý tim mạch cần phải phẫu thuật thì mới giải quyết triệt để như: bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh mạch vành.

Em và bạn em làm hành chính văn phòng. Tuy công việc không nặng nề lắm, nhưng gần đây em hay cảm thấy khó thở, nhiều lúc hồi hộp thì còn có khó thở đi kèm toát mồ hôi lạnh. Em đi đo điện tim đồ nhưng các chỉ số vẫn ổn định nhưng em vẫn không thấy yên tâm, bác sĩ cho em hỏi, ngoài khám điện tim đồ thì còn có cách nào để kiểm tra tim nữa không. Vì em cứ bị như thế này đã gần 2 tháng rồi.( Nguyễn Phương Chi, 0 tuổi, )

Những biểu hiện của một người phụ nữ trẻ như em phần lớn không phải do bệnh lý tim mạch và mà do rối loạn của hệ thần kinh tự động. Em cần đi thăm khám và làm các xét nghiệm để phát hiện các bệnh tim mạch tiềm ẩn nếu có.

Có rất nhiều phương tiện để chẩn đoán chính xác bệnh lý tim mạch như siêu âm tim, điện tim gắng sức,... Tùy theo từng loại bệnh mà bác sĩ tim mạch sẽ đề nghị những loại xét nghiệm nào cần thiết cho bạn.

Gia đình tôi không ai có tiền sử bệnh tim, nhưng con trai tôi (17 tuổi) hay mệt mỏi, ngất xỉu mỗi khi thấy căng thẳng. Nhiều lúc cháu thấy có những con đau nhẹ ở ngực nhưng theo cháu thì chỉ gò 1 2 cơn rồi thôi. Sắp đến thi đại học, cháu thức khuya ôn luyện nhiều, ăn ít, ngủ ít kèm theo choáng váng, tần suất xỉu ngày càng nhiều. Tôi không biết cháu có bị bệnh tim hay vì học tập quá sức? Tôi định cháu thi cử xong sẽ cho đi khám, như vậy có trễ quá không? vì cho đi khám bây giờ, cháu cứ không chịu.( Trần Văn Chiến, 0 tuổi, )

Những biểu hiện mà chị mô tả cho thấy cháu đang bị căng thẳng và mệt mỏi do phải tập trung cho việc học. Chị nên cải thiện chế độ dinh dưỡng, uống nhiều nước hoa quả, giải thích cho cháu nghỉ ngơi hợp lý. Sau kỳ thi, chị nên cho cháu khám tim mạch tổng quát để loại trừ một số bệnh tim mạch tiềm ẩn.

Tôi 56 tuổi, ít lao động chân tay, gần đây tôi thường hay thấy mệt, nhiều lúc cơn mệt tự nhiên kéo tới nhưng không bị đau, hay lói vùng tim. Cách đây 1 tuần tôi có đi khám tổng quát và làm doppler tim thì có kết quả là hở van tim 3 lá. Tuy nhiên, khi mang kết quả đến bác sĩ tư vấn thì họ nói là tôi không bị bệnh gì. Tôi cũng quên hỏi về kết quả trên, tôi không biết hở van tim 3 lá có nguy hiểm không? tôi phải điều trị, nghỉ ngơi như thế nào thì hợp lý?( Lê Thị Tám, 0 tuổi, )

Hở van 3 lá rất thường gặp khi làm siêu âm tim và hầu hết không phải là tình trạng bệnh lý với mức hở từ 1/4 đến 2/4. Nếu mức hở từ 3/4 đến 4/4 thì chị nên tư vấn trực tiếp với bác sĩ tim mạch.

Ở độ tuổi 56 của chị nguy cơ mắc bệnh động mạch vành là có thể do vậy, chị nên khám và tầm soát bệnh lý mạch vành để loại trừ đau ngực do nguồn gốc từ mạch vành tim có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

 

Tôi và bạn gái yêu nhau đã 5 năm. Khi chúng tôi sắp cưới thì bạn gái bị hẹp van tim. Gia đình tôi thấy vậy liền ngăn cản vì tôi là con trai một nếu sợ bị bệnh tim thì không sinh con được. Bác sĩ cho tôi hỏi, bệnh này có ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con không? Tôi nghe nói bệnh tim cũng ảnh hưởng đến đời sống chăn gối, có phương pháp nào trị dứt bệnh không bác sĩ?( Trần Thiên Mẫn, 0 tuổi, )

Hiện nay bệnh lý van tim có thể điều trị triệt để bằng biện pháp phẫu thuật mà không để lại di chứng nặng nề, có thể mang thai và sinh nở bình thường sau khi điều trị.

Hôn nhân bền vững dựa trên tình yêu chân thành. Chúc anh chị hạnh phúc.

Tôi lấy vợ đã 2 năm nhưng không dám cho vợ mang thai vì vợ tôi có van tim nhân tạo. Tuy nhiên, vì khao khát có con nên "tự rào". Biết vợ mang thai, tôi vừa vui vừa lo lắng. Tôi có đi hỏi bác sĩ, bác sĩ nói vợ tôi có thể gặp biến chứng khi mang thai. Ngoài ra, thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng khi vợ tôi sử dụng thuốc. Tôi đang phân vân việc thuyết phục vợ tôi bỏ thai nhưng thấy thương vợ tôi quá. Nếu vợ tôi bị biến chứng thì có biểu hiện điển hình nào để nhận biết không thưa bác sĩ? Trường hợp khẩn thì cấp cứu thế nào? Tôi rối quá.( Nguyễn Duy Minh, 0 tuổi, )

Việc mang thai trên bệnh nhân có van tim nhân tạo là nguy cơ cao cho người mẹ và thai nhi. Thuốc kháng đông được uống có thể gây dị dạng thai nhi, việc sinh nở có thể gặp nguy cơ cao vì bệnh tim của người mẹ. Tuy vậy, đã có nhiều trường hợp người mẹ mang van tim nhân tạo vẫn có thể sinh ra con khỏe mạnh.

Anh chị nên đến khám tại các trung tâm tim mạch để bác sĩ chọn lựa lại thuốc kháng đông, không gây ra dị dạng thai nhi mà vẫn bảo đảm van tim cơ học hoạt động bình thường.

Mong anh chị may mắn.

 

Bạn trai tôi 24 tuổi, ảnh làm nghề công nghệ thông tin nên rất thường thức khuya và hay uống cà phê, hút thuốc. Hai tháng nay anh ấy hay bị các cơn đau thắt ngực, mỗi lần đau tầm 2-3 phút là hết. Tôi khuyên anh ấy đi khám bệnh nhưng thấy đau không nhiều, chỉ là đau thắt rồi hơi mệt, nghỉ ngơi là không bị đau nữa. Bác sĩ cho tôi hỏi, anh ấy có bị bệnh tim không? Nếu không đi khám thì có nguy hiểm không vì tần suất đau ngày càng nhiều.( Trần Thị Bình, 0 tuổi, )

Hút thuốc lá là nguy cơ cao gây ra bệnh lý tim mạch, lạm dụng quá nhiều cà phê có thể làm tim đập nhanh, hồi hộp, tức ngực. Bạn nên khuyên anh ấy thay đổi lối sống và khám tim mạch để loại trừ bệnh lý mạch vành.

Làm việc nhiều quá có bị bệnh tim không bác sĩ, tôi làm thợ hồ, có một người làm chung với tôi, mới 23 tuổi đang làm đột ngột ôm tim, than đau và xỉu, đưa đi bệnh viện không kịp nên chết. Chị gái của nó nói là từ trước đến nay nó không bị bệnh tim gì hết, không hiểu sao lại như vậy.( Tuấn Tài, 0 tuổi, )

Hoạt động thể lực với cường độ cao là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh lý tim mạch. Do vậy, anh cần phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý nhằm duy trì sức khỏe để làm việc lâu dài.

Về trường hợp của bạn anh, có thể anh ấy có bệnh lý tim mạch tiềm ẩn mà không được phát hiện, đó có thể là nguyên nhân gây ra đột tử khi làm việc với cường độ mạnh.

 

Tôi nghe nói bị đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng cháu trai của tôi chỉ mới 8 tuổi cũng bị đột quỵ. Bệnh viện cấp cứu cho nó nói là cần phải thông mạch vành thì mới sống được. Thông mạch vành có nguy hiểm không? Thông mạch vành xong có khỏi bệnh không và có ảnh hưởng gì khi cháu lập gia đình không thưa bác sĩ?( Phạm Thị Hoàng, 0 tuổi, )

Bệnh lý tim mạch là một bệnh lý rất phức tạp, đòi hỏi phải được xử lý chuyên biệt. Chị nên tuân thủ nghiêm túc ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị cho cháu chị.

Thưa bác sĩ, thỉnh thoảng em hay bị lo lắng, rối loạn nhịp đập khoảng chừng 10 đến 15 giây. Em hít vào thở ra thật sâu thì thấy trở lại bình thường. Nhưng sau đó thỉnh thoảng vẫn tái diễn cảnh bị lo lắng, rối loạn nhịp đập. Vậy em nên đi khám ở đâu và việc điều trị có cần phải phẫu thuật tim hay chỉ uống thuốc thôi ạ?( Nguyễn Văn Lê, 0 tuổi, )

Những biểu hiện của bạn có thể do rối loạn nhịp tim gây ra. Rối loạn nhịp tim có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Bạn nên khám chuyên khoa tim mạch để được làm xét nghiệm đo điện tim, theo dõi điện tim 24h nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra cảm giác hồi hộp của bạn.

Tôi 27 tuổi, làm nghề thợ may, dạo gần đây tôi hay mệt mỏi, đau ngực, chóng mặt. Tôi đi khám thì bác sĩ kết luận tôi bị tiếng thổi tim. Bác sĩ có thể cho tôi biết bệnh này có nguy hiểm không? Có điều trị dứt hẳn được không? Ăn uống có phải kiêng cử?( Phan Thế Anh, 0 tuổi, )

"Tiếng thổi tim" mà chị mô tả có thể do bệnh lý van tim chị cần khám chuyên khoa tim mạch để xác định loại bệnh lý van tim nào và có chiến lược điều trị phù hợp.

Thưa bác sĩ, em bị sa van 2 lá lúc 26 tuổi. Từ đó đến nay đã 3 năm, em luôn dùng thuốc vastarel và cordarone. Cách đây 6 tháng, em phát hiện có em bé và có ý định sinh con nên ngừng uống thuốc. Hiện tại em bị phù chân nhiều, nhịp tim loạn. Em đã thực hiện chế độ ăn nhạt và đi bộ trước khi đi ngủ nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Trong trường hợp này thì em phải làm thế nào, có cách nào không phải uống thuốc để tránh ảnh hưởng đến em bé không ạ?( Trần Thị Hồng Ân, 0 tuổi, )

Theo mô tả của bạn, có thể bạn bị suy tim do bệnh lý van tim/người mang thai. Bạn có thể điều trị bệnh lý này mà không ảnh hưởng lên thai nhi. Bạn nên đến khám chuyên khoa tim mạch gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Bệnh tim có thể tự hết không thưa bác sĩ? Vì mấy tháng trước tôi dẫn bạn gái đi khám bệnh, bác sĩ nói cô ấy bị rung tim gì đó, nhưng sau này khám ở bệnh viện khác thì bác sĩ nói là tim cô ấy bình thường mặc dù cô ấy chưa điều trị trước đó.( Phan Thế Trường, 0 tuổi, )

Theo mô tả của bạn, có thể bạn gái của bạn bị rối loạn nhịp tim. Các rối loạn nhịp tim có thể không liên tục do vậy khi đi khám ở bệnh viện thứ hai, bác sĩ không ghi nhận được tình trạng đó.

Bạn nên đưa bạn gái đến khám chuyên khoa tim mạch để được gắn dụng cụ theo dõi nhịp tim trong 24h để xác định chẩn đoán.

Thưa bác sĩ, em 25 tuổi, sau khi sinh em bé đầu tiên đi khám thì phát hiện bị thông liên nhĩ và đã được đi bít rù (dù). Bác sĩ cho em hỏi sau bao nhiêu năm thì phải đi bít rù lại? Khoảng sau 5 năm nữa thì em có thể mang thai lại được không ạ?( Trần Thị Bình, 0 tuổi, )

Phần lớn những bệnh nhân bị thông liên nhĩ hồi phục hoàn toàn chức năng tim mạch sau khi được bít dù (Amplatzer) và không cần phải thực hiện lần thứ 2. Chị nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị về kế hoạch mang thai lần tới.

Em năm nay 40 tuổi, bị nhồi máu cơ tim 1 lần, phải đặt stent. Xin hỏi bác sĩ là khi đã đặt stent rồi thì có thể chơi thể thao được không? Trong trường hợp em muốn chơi tennis thì có bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không?( Trần Vũ Thanh, 0 tuổi, )

Bạn đã đặt stent mạch vành là do động mạch vành bị tắc nghẽn, bạn không cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng mạch vành sau đặt stent nên bác sĩ không thể quyết định bạn có thể chơi thể thao tiếp tục hay không.

Bạn nên khám tim mạch và đánh giá khả năng gắng sức, bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho bạn có thể chơi tenis được hay không.

Em bị hẹp động mạch vành 40 – 50% và đang điều trị nội khoa. Em năm nay 38 tuổi và muốn đi tập yoga thì có được hay không?( Nguyễn Thị Thanh, 0 tuổi, )

Bạn có thể tập yoga, tuy vậy, cần hạn chế những động tác gắng sức.

Em năm nay 23 tuổi và cân nặng 80kg. Em thích ăn nhiều đồ ngọt. Bác sĩ cho em hỏi là em có nguy cơ bi tiểu đường và tim mạch hay không? Em nên tập môn thể thao nào để dễ giảm cân nhất và không mất nhiều sức không ạ?( Nguyễn Bình Minh, 0 tuổi, )

Theo mô tả, có thể bạn đã bị béo phì. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch của người béo phì cao hơn người không béo phì. Bạn nên tập thể thao điều đặn và tư vấn chế độ ăn phù hợp để duy trì một sức khỏe tốt, giảm cân nặng.

Thưa bác sĩ, em 25 tuổi nhưng hay có cơn đau nhói ngực. Như vậy có phải là em bị bệnh động mạch vành hay không?( Lê Thu Nhi, 0 tuổi, )

Chào bạn,

Đau nhói ngực do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có bệnh lý động mạch vành. Bạn 25 tuổi, nguy cơ tim mạch thấp nên ít khả năng mắc bệnh động mạch vành.

Thưa bác sĩ, cháu năm nay 20 tuổi, nặng 50 kg. Thời gian gần đây, sau khi ăn xong, cháu hay bị mệt, khó thở. Cơn mệt có cảm giác muốn ngất xỉu, cảm giác như hụt hơi. Lúc trước thỉnh thoảng 1 tuần thì cháu mới bị 1 lần. Thời gian gần đây, uống bia nhiều nên cháu hay bị mệt nhiều hơn. Cháu có đi đo điện tim nhưng kết quả bình thường. Vậy cháu có bị bệnh tim không thưa bác sĩ?( Vũ Văn Hội, 0 tuổi, )

Chào em,

Triệu chứng mà em mô tả có thể do nhiều bệnh gây ra, đo điện tim không thể phát hiện hết các bệnh lý tim mạch. Em cần thăm khám tổng quát, siêu âm tim để loại trừ bệnh lý tim mạch gây nguy hiểm.

Em năm nay 23 tuổi, bị chẩn đoán thiếu máu cục bộ cơ tim. Mỗi khi phải thức khuya thì thường hôm sau bị đau ngực trái, hơi thở nặng. Em cũng rất ít vận động. Bác sĩ cho hỏi là có nên vận động hay không và vận động ở mức độ nào cho hợp lý với bệnh của em( Lê Tâm Đức, 0 tuổi, )

Chào em,

Tập thể dục rất có lợi cho mọi người. Em là người trẻ cần vận động thể lực để duy trì một sức khỏe tốt, hạn chế bia rượu, thuốc lá. Em nên đi khám ở một bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để củng cố hoặc loại trừ chẩn đoán thiếu máu cơ tim cục bộ.

Thưa bác sĩ em 20t hiện đang học đại học , gần đây đi khám sức khỏe thì phát hiện em bị cao huyết áp , em muốn tập thể dục để cải thiện sức khỏe em sẽ tập được những môn nào ạ ?( Thien Trang, 0 tuổi, )

Chào em,

Em mới 20 tuổi mà đã được chẩn đoán tăng áp, điều đó có nghĩa là em mắc bệnh: Tăng huyết áp người trẻ. Hầu hết Tăng huyết áp người trẻ đều có nguyên nhân mà có thể điều trị khỏi được.

Em nên đi khám ở bệnh viện có khoa tim mạch chuyên sâu để tìm kiếm nguyên nhân tăng áp.

Em nên ăn nhạt, tập thể dục đều đặn.

Em bị bệnh tim mạch nhưng không bỏ thuốc lá được. Bác sĩ cho hỏi là nên hút thuốc lá khoảng mấy điếu một ngày thì không ảnh hưởng đến bệnh tim mạch ạ( Nguyễn Chí Thành, 0 tuổi, )

Chào bạn,

Hút thuốc lá dù số lượng bao nhiêu cũng đều có hại cho hệ tim mạch. Bạn nên kiên trì giảm dần số điếu thuốc hút/ngày và tiến tới bỏ hẳn thuốc lá.

Chúc bạn thành công!

Thưa bác sĩ , tôi rất hay uống café và có thể uống 3-4 lần mỗi ngày, uống như vậy có ảnh hưởng gì đến tim mạch hay không?( Thanh Tuấn, 0 tuổi, )

Chào bạn,

Cà phê là một chất làm tăng nhịp tim, có thể gây ra cảm giác hồi hộp, tức ngực, khó thở. Việc lạm dụng cà phê có thể gây ra cảm giác mệt mỏi, mất ngủ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tôi 25 tuổi, sức khỏe tôi luôn ổn định và chưa từng bị bệnh tim hay bất kỳ bệnh nặng nào khác. Đến khi tôi mang thai đến tuần thứ 3 thì bác sĩ nói là tôi bị rối loạn nhịp tim. Hiện tại thai nhi đã gần được 2 tháng nhưng tôi vẫn không có cảm giác mệt, ngất xỉu, hay biểu hiện gì liên quan đến bệnh tim. Tuy nhiên, đi khám định kỳ thì bác sĩ vẫn kết luận tôi bị rối loạn nhịp. Vậy tôi có cần chữa trị không? Chữa trị thì có ảnh hưởng đến thai nhi không? Tôi mang thai lần đầu nên rất lo lắng.( Nguyễn Thiên Lý, 0 tuổi, )

Chào em,

Rối loạn nhịp tim có thể gặp ở những người khỏe mạnh mà không có triệu chứng và không gây nguy hiểm. Bạn không cung cấp rõ thông tin rối loạn nhịp tim gì nên bác sĩ không thể tư vấn cụ thể. Dù vậy, bác sĩ khám bệnh cho bạn đã giải thích như vậy nên bạn yên tâm.

Em 28 tuổi hiện đang làm cho một công ty nước ngoài , công việc của em áp lực khá cao nên em thường xuyên bị stress. Em lo sợ mình sẽ bị bệnh tim vì gần đây em có cảm giác nhói ở ngực. Xin bác sĩ tư vấn giúp( Nguyễn Ngọc Anh, 0 tuổi, )

Chào bạn,

Trạng thái stress kéo dài là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý tim mạch và nội tiết. Bạn cần phân bổ thời gian để có chế độ làm việc hợp lý, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, khi điều kiện cho phép bạn nên chuyển đổi qua công việc với cường độ thấp hơn.

Thưa bác sĩ , tôi phải làm gì khi bản thân hoặc người nhà bị cơn đau ngực trái đột ngột?( Thảo Linh, 0 tuổi, )

Chào bạn,

Phần lớn bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có biểu hiện lâm sàng đầu tiên là cơn đau thắt ngực bên trái. Vì tính chất nghiêm trọng của bệnh lý này nên nếu người thân của bạn có biểu hiện trên nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Tôi 32 tuổi bị bệnh động mạch vành, đã được đặt stent động mạch vành được 1 tháng, sức khỏe thấy ổn định? Tôi có đi công tác nước ngoài được không?( Trọng Trí, 0 tuổi, )

Chào bạn,

Sau đặt stent mạch vành, bạn cần dùng thuốc kháng tiểu cầu kép từ 6-12 tháng. Bạn có thể đi công tác nhưng nhớ mang theo những loại thuốc mà bác sĩ đã kê toa và không nên ngưng thuốc.  Tốt hơn bạn nên hỏi ý kiến từ bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC