Phụ huynh bức xúc trước những hạn chế của kỳ thi ViOlympic

10/12/2016 - 06:40

PNO - Với đặc thù của nó, cuộc thi ViOlympic (cuộc thi cấp Quốc gia về Toán học trên Internet) đã bộc lộ một số hạn chế khiến nhiều phụ huynh và học sinh mệt mỏi.

ViOlympic là cuộc thi cấp Quốc gia về Toán học trên Internet (Giải toán bằng tiếng Việt và Giải toán bằng tiếng Anh) do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, Tập đoàn FPT và ĐH FPT là đơn vị tổ chức.

Mục đích của cuộc thi nhằm đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ Thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông; tạo ra sân chơi trực tuyến môn Toán cho học sinh cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở và là môi trường thân thiện để học sinh tích cực giao lưu, học tập. Tuy nhiên, với một số đặc thù nhất định, cuộc thi bộc lộ một số hạn chế khiến nhiều phụ huynh và học sinh mệt mỏi.

Phu huynh buc xuc truoc nhung han che cua ky thi ViOlympic
Các bạn học sinh khối lớp 2 tham gia thi Violympic Toán (Ảnh: Internet).

Đầu tiên nói về những khó khăn về cơ sở vật chất, chị Phương Th. (Vĩnh Phúc) chia sẻ câu chuyện: "Mình có đứa cháu, tuần nào cũng sang nhờ cô mở máy tính để thi "giải toán trên máy tính" . Khổ, mới có lớp 2, nó kể là cô giáo bảo cả lớp thi, mà nhiều gia đình ở quê thì đâu có sẵn mạng, các cháu chạy hết nhà nọ đến nhà kia để nhờ máy tính với mạng. Nếu không nhờ được thì bố mẹ các cháu phải đưa lên tận quán net trong thôn, xã ấy. Rất khổ và rất thương các cháu", chị Th. nói.

Không chỉ khó khăn về mặt phương tiện, điều kiện kinh tế, chị Thu H. (Vĩnh Phúc) bức xúc cho biết hàng loạt những bất cập mà cuộc thi mang lại như áp lực học tập, thi không đúng thực lực...

"Có chị hàng xóm cũng tất tả sang nhà xin mật khẩu wifi. Mình cũng thấy kỳ cục vì từ trước đến giờ chị ấy cũng chẳng dùng máy tính, bảo xin cho 2 đứa con lớp 1 với lớp 3 làm bài thi trên máy.

Thế nhưng rất lạ là bọn trẻ thi thì ít mà nhờ bố mẹ, anh chị hàng xóm giải hộ thì nhiều, mắt miếc thì long hết vì đeo kính cận, em thấy vụ này cần phải xem lại. Một năm bọn trẻ phải thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, độn thổ mất", chị H. bày tỏ.

Phu huynh buc xuc truoc nhung han che cua ky thi ViOlympic

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn T. (Hà Tây, Hà Nội) bình luận: "Cháu mình có bé lớp 2, mẹ thuê hẳn 1 gia sư về để chuyên giúp bé giải thi Violympic trên mạng. Con mà giải sai 1 câu là mẹ quát ầm lên, sợ thua điểm các bạn. Mà con bé mới có lớp 2 thôi đã có 3 gia sư, học suốt ngày, thực sự là thấy con bé cứ bị lì đi, học như 1 cái máy í, thấy tội nghiệp lắm", chị T. nói.

Chị Trịnh P. (Hà Đông, Hà Nội) đề xuất: "Bộ Giáo dục đang xử lý cuộc thi "Chinh phục vũ môn", thì cũng nên xem xét luôn cả cuộc thi Violympic. Mình thấy cứ đẻ ra những thứ này, các con chả còn thời gian mà nghỉ ngơi nữa, về nhà hết ôn bài ở lớp, lại phải ôn cả thêm mấy cuộc thi này thi kia, tội các con quá.

Con nhà mình cũng học lớp 1, mẹ phải ngồi bên cạnh thi cùng, cô giáo bảo thi ở nhà hết vòng 9 để đến trường thi tiếp các vòng 10-12, tự dưng bắt con phải thao tác thành thạo với máy tính, nếu ko quản được con, nó sa đà sang cơ số thứ trên máy tính như hoạt hình, chơi game...".

Nhìn nhận ở góc độ khác của cuộc thi, chị Nguyễn Thị Bích H. cho rằng: "Những cuộc thi thế này cũng có mặt tích cực, giúp cho học sinh có sự cọ xát về thi cử và kiến thức. Nhưng có lẽ nó chỉ phù hợp với những em nào thực sự đam mê và có đủ năng lực, sức khỏe thôi. Thật sự bọn trẻ bây giờ học hành vất vả quá rồi, nếu tất cả cùng chạy đua theo vô số kì thi thế này thì tẩu hỏa nhập ma mất.

Thay vì một số trường tạo áp lực về việc thi ViOlympic, thì thầy cô hãy nhẹ nhàng và coi ViOlympic là 1 trò chơi thôi. Các cô giáo chỉ nên khuyến khích không nên luyện tập, không nên làm thành phong trào dù trong bất cứ một tập thể nào. Quan trọng là Bộ Giáo dục nên cấm các nhà trường dùng kết quả thi để tuyển vào các lớp chọn. Như vậy nó trở thành 1 trò chơi đúng nghĩa", chị H. ý kiến.

Hà My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI