'Đò ngang' trọn chuyến…

23/11/2018 - 06:53

PNO - Nghỉ hưu sau 30 năm làm hiệu trưởng một số trường tại Q.12, TP.HCM, thầy Nguyễn Thanh Hải đã chọn ở lại vùng đất ven đô này hơn 15 năm qua để thỏa nguyện ước “đưa đò” cho bao lớp học trò nghèo khó.

Tình nguyện đến vùng “lõm”

Vào một chiều cuối tuần, tại Trung tâm Học tập cộng đồng P.Thạnh Lộc, Q.12, lác đác học viên đến lớp sớm để ôn bài, chuẩn bị cho tiết học buổi tối. Khi nhắc lại chuyện cũ là thầy giáo trẻ dạy lớp bình dân học vụ năm xưa, thầy Nguyễn Thanh Hải, phó giám đốc trung tâm, giờ đã 77 tuổi, lại ánh lên vẻ rạng ngời trên khuôn mặt chi chít vết chân chim. 

Khu Vườn Cau Đỏ - chiến khu An Phú Đông xưa, sau giải phóng vẫn quen gọi “vùng lõm”. “Lõm” vì nghèo khó, thất học. Những lớp bình dân học vụ được mở ra. Thế là, thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh Hải xung phong nhận ngay, dù chưa rõ phía trước sẽ gian khó thế nào. Ngày thì đi vận động học viên đến lớp; đêm băng bùn, qua các sông rạch chằng chịt đến các điểm dạy nằm rải rác trên bảy ấp của xã Thạnh Lộc.

Điểm dạy có thể là gian trước của ngôi đình, trụ sở tạm của một cơ quan hay nhà dân nào đó leo lét ánh đèn dầu nhưng thuận tiện việc đi lại cho nhiều học viên. Học viên là dân quân, nông dân, công nhân, hoặc học sinh dở dang chuyện học. Học viên có người mà thầy giáo trẻ này phải gọi bằng ông, bà vì kề bên tập vở là cái giỏ… đựng trầu. Có hôm con đê ngăn triều bị phá nước, học viên tay thì viết chữ, chân cứ quẫy theo con nước lớn ròng.

'Do ngang' tron chuyen…
Thầy Nguyễn Thanh Hải vẫn miệt mài đứng lớp ở tuổi 77

Gia đình khi đó ở Q.Phú Nhuận, hằng ngày thầy Hải đi dạy phải đạp xe hàng chục cây số. Cái chập choạng sớm hôm ấy trở nên mờ mịt khi vợ thầy ra đi mãi mãi do bệnh tim, để lại ba đứa con thơ. Thầy gắng gượng đứng dậy, phải đi dạy vì còn bao học trò đang đợi. Cứ thế, vòng xe đạp lại tiếp tục quay đều, chỉ có khoản lương ít ỏi của thầy cứ khuyết theo lu gạo nhà và những hộp sữa cho con. Có lần, đứa học trò vì cơ cực lấy chiếc xe cọc cạch của thầy để đi chở hàng thuê. Không có xe thì thầy đi bộ, có sao đâu… 

Các con của thầy Hải giờ đã lớn, còn thầy, vẫn chọn cách sống như xưa, không sử dụng điện thoại di động, không biết đi xe máy, vẫn ăn chay kể từ sau ngày vợ mất. Ba năm qua, thầy Hải dọn về ở trong căn phòng nhỏ trong khuôn viên trung tâm.

Dạy chữ, dạy nghề, dạy làm người

Dù ở cương vị phó giám đốc trung tâm, thầy Hải vẫn đứng lớp ở cả ba buổi dạy. Buổi học tối sẽ kéo dài đến 22g15. Thấy tôi chăm chú nhìn học trò nữ chống nạng bước vào lớp, thầy Hải cho biết học viên lớp Mười này quê ở Tiền Giang. Hai mẹ con lên Sài Gòn thuê phòng trọ gần trung tâm cho tiện việc học của em và buôn bán trái cây của mẹ. 

Học viên ở trung tâm có đủ độ tuổi, đến từ khắp mọi miền, do đó, “nội dung học cũng phải được điều chỉnh phù hợp với từng người”. Mỗi năm học, thầy Hải lại suy nghĩ, tìm cái mới để áp dụng. Như mấy năm trước, trung tâm kết hợp với một số trường năng khiếu mở lớp dành cho những em đam mê hát, múa, vẽ; rồi mở lớp chuyên biệt cho học sinh khiếm thính, khuyết tật. Năm học rồi thì mở lớp dạy nghề, các học viên có thể vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình.

Thầy kể, mới đây có doanh nghiệp in ấn bao bì nhận hai học viên vào làm chính thức hớn hở khoe hai học viên chuẩn bị đi Nhật xuất khẩu lao động ngành nông nghiệp. 

Nhiều thầy cô tham gia dạy ở trung tâm ban đầu đến lớp chỉ vì những học trò nghèo, rồi nhiều năm trôi qua vẫn không thể rời xa cũng bởi “thầy Hải sao mà thương mà quý!”. Có đứa là học viên của trung tâm, giờ thành đạt sau khi tốt nghiệp đại học, quay lại cũng chỉ để “cùng với thầy Hải lo cho các em nghèo khó như mình ngày xưa”. 

Có người ông đang chờ đón cháu học ở trung tâm về vì con cái chưa tan ca trong khu công nghiệp, nói: “Xưa thầy Hải dạy chữ, dạy nghề cho lớp chúng tôi. Đến đời con cái chúng tôi, thầy Hải vẫn miệt mài đứng lớp. Giờ đến lớp cháu rồi mà thầy vẫn giúp rèn chữ hằng đêm. Ở xứ này, chuyện gia đình ba, bốn thế hệ đều làm học trò thầy Hải không hiếm. Người dân đất này mang ơn thầy nhiều lắm”.

Chuyến phà ngang An Phú Đông nối liền vùng đất Vườn Cau Đỏ năm xưa với nội thành TP.HCM đêm đêm vẫn tì tạch nổ máy. Lát nữa đây, thầy Hải lại đi trên đôi dép mòn cũ dọc hành lang vắng thoảng hương hoa để khóa từng ô cửa lớp. Sau khi soạn bài là giờ tự học, rồi thầy Hải nhẹ nhàng ngả lưng lên chiếc ghế xếp ở góc căn phòng treo đầy bằng khen.

Điểm sáng về học tập suốt đời

Thành lập năm 2001, Trung tâm Học tập cộng đồng P.Thạnh Lộc, Q.12 có 15 giáo viên, tình nguyện viên tham gia giảng dạy cho gần 150 học viên từ lớp Một đến lớp 11 với ba buổi sáng, chiều, tối (học viên lớp 12 được chuyển về trung tâm giáo dục thường xuyên để chuẩn bị thi tốt nghiệp). Trung tâm còn liên kết phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, cung cấp kiến thức, phát triển năng khiếu, khuyến nông, dạy ngoại ngữ… miễn phí. 

Trong những năm qua, dưới sự quản lý của thầy Hải, trung tâm đã góp phần xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đông đảo học viên trên địa bàn quận cũng như con em người lao động ở nhiều tỉnh, thành đến TP.HCM làm ăn sinh sống, trong đó có cả trẻ khuyết tật. Trong khi phần lớn các trung tâm học tập cộng đồng trên cả nước hoạt động cầm chừng vì khó khăn thì Trung tâm Thạnh Lộc trở thành điểm sáng về việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời tại TP.HCM và cả nước.

Từ Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI