Có khi nào các bậc cha mẹ tự hỏi “con mình học để làm gì?”

02/10/2016 - 12:15

PNO - Có khi nào các bậc cha mẹ tự hỏi “con mình học để làm gì?”. Tôi dám cá là với hỏi câu này, đến 90% phụ huynh lúng túng và cuối cùng nghiêng về đáp án: học để kiếm được một ngành nghề gì đó sau này.

Học để làm gì? Câu hỏi đó rất ít người đặt ra cho mình và cho con. Tất cả chúng ta chỉ suy nghĩ học là việc đương nhiên phải làm và không cần phải bàn cãi. Nhưng học để làm gì? Tôi nghĩ, nếu cha mẹ chưa xác định được rõ là cho con đi học để con được gì thì tốt nhất... đừng cho con đi học. Có ba luồng suy nghĩ về mục đích việc học như sau:

1. Học để thành sao. Với suy nghĩ này, cha mẹ thường tập trung cho con học các kiến thức để đi thi. Trong những kỳ thi của đời còn trẻ, kỳ thi quan trọng nhất mà cha mẹ muốn tạo sao chính là kỳ thi đại học. Bởi vì, cha mẹ thấy rằng thi đại học là một trường thi rộng lớn và chỉ số ít chiến binh dũng cảm đậu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đồng ý với nhau rằng: có một chỗ trong trường đại học không có nghĩa sẽ có một nghề nghiệp ổn định và kiếm được đủ tiền lo cho thân mình. Lượng sinh viên ra trường rồi bị thất nghiệp khá cao.

Cha mẹ cần chú ý, các bạn trẻ bị thất nghiệp không phải tại Nhà nước mà bởi vì cách học chỉ để đi thi. Học sinh học quá lệch, trọng tâm luôn đặt vào các môn thi. Chính vì thế, học sinh thiếu trầm trọng các kỹ năng sống, các kiến thức cần thiết của cuộc sống.

Khi ra đời, thực sự một mình chiến đấu với một kỳ thi lớn: kỳ thi của những người lao động làm các bạn trẻ đuối dần đều. Nhiều bạn không sao lọt qua khe cửa của bất kể chỗ làm nào, nhiều bạn vào được nhưng lại ra, nhiều bạn không đủ kiên nhẫn làm bất kể nghề gì. Điều đó còn dẫn đến những va vấp liên tiếp khi các bạn ấy ra đời và sinh sống với cộng đồng.

Như vậy, rõ ràng, chiếm một chỗ trong trường đại học không giúp bạn trẻ tìm được công việc tốt đẹp mà chỉ thỏa mãn khát vọng mang tên đại học.

Co khi nao cac bac cha me tu hoi “con minh hoc de lam gi?”
Ảnh mang tính minh họa. Shuttestock

2. Học để kiếm chỗ làm tốt. Nếu bạn cho con học để kiếm chỗ làm tốt, có lẽ chúng ta nên chia ra làm hai khả năng tìm kiếm công việc: đó là công việc tại các cơ sở tư nhân và cơ quan nhà nước.

Nếu để con vào được các cơ sở công lập, điều mà cha mẹ biết là không đơn giản. Cho dù có nhiều phụ huynh vẫn nghĩ, các mối quen biết và tiền sẽ giúp con em họ vào được các cơ sở công lập thì phải công nhận một sự thật là vẫn luôn có những vị trí dành cho người có năng lực.

Nếu vào các cơ sở tư nhân như các công ty kinh doanh hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì việc quan trọng không phải là tiền bạc hay sự quen biết mà chính là khả năng của nhân sự ấy. Khả năng này không phải là việc làm tốt các bài kiểm tra kiến thức thời phổ thông mà sẽ là một tập hợp các kiến thức sống, kỹ năng sống và đạo đức sống của chính người ấy. Một bạn trẻ có nền tảng tốt về ba điều trên luôn có nhiều lựa chọn.

Vậy, kiến thức sống ở đâu? Ta có thể thấy nó là một tập hợp các kiến thức của tất cả các bộ môn được học tại nhà trường cộng với khả năng tự học, tự thu lượm kiến thức. Và nổi trội trong đó chính là các bộ môn khoa học thường thức như: lịch sử, địa lý, sinh vật, vật lý, hóa học… Biết, hiểu và vận dụng tốt những bộ môn này, các bạn đã nắm được tới 60% khả năng thành công của mọi vị trí rồi.

Kỹ năng sống là thứ không thể thiếu. Một người lao động khéo léo, làm được mọi việc, ngoài công việc chuyên môn còn biết sửa chữa đồ đạc, nấu ăn, biết mẹo xử lý vấn đề trong cuộc sống, giao tiếp khéo léo... thì sớm muộn gì cũng thành công.

Còn một người giỏi chuyên môn cỡ mấy mà giao tiếp lúng túng, động đâu hỏng đấy thì chắc chắn khả năng thành công cũng kém đi. Đạo đức sống cũng thế. Một người có đạo đức tốt, được mọi người yêu quý thì thường sẽ được sự giúp đỡ ngay từ nơi làm việc nên chắc chắn sẽ dễ thành công hơn người kém về đạo đức.

3. Học để trưởng thành và thành một người bình thường. Nếu bạn nghĩ con mình học với mục đích này, chắc chắn bạn sẽ không trách móc khi con bị điểm kém. Bởi vì, đứa trẻ là người thường, nó không phải là ngôi sao, không phải thiên tài. Đứa trẻ không bị cha mẹ kêu ca về điểm số sẽ không có nhiều nhu cầu phải quay cóp hay làm các trò gian lận khác. Nó sẽ không quá cố gắng để lấy điểm đẹp vì bố mẹ không lấy đó làm quan trọng nên nó có sao học vậy và biết là biết thật chứ không phải học vì điểm.

Ngoài ra, cha mẹ cũng sẽ xếp thời gian cho con vui chơi, trải nghiệm nhiều hơn là o ép con học. Bạn cũng sẽ xui con đọc nhiều sách khác ngoài sách giáo khoa hơn vì bạn nghĩ nó chắc sẽ chẳng thích sách giáo khoa lắm. Bạn cũng sẽ nhờ cậy con làm việc nhà nhiều hơn bởi vì bạn nghĩ lớn lên nó kiểu gì cũng làm các công việc bình thường dành cho những người bình thường.

Vô tình thôi, một đứa trẻ được trải nghiệm nhiều qua thực tế và qua các trang sách, được giao nhiều công việc nhà và các trọng trách gia đình sẽ tiếp thu tốt hơn, học hành càng lên cao càng giỏi và dễ dàng thành công hơn.

Nếu học để làm người thường, bạn sẽ ít trách móc con khi nó ôm cuốn sách ngồi suốt ngày hoặc chơi đồ hàng tơi tả hay chạy nhảy ngoài đường với bạn bè, quên cả bài học. Như thế, đứa trẻ có khả năng ứng phó, ứng biến, ứng đối tốt hơn hẳn những đứa trẻ học hành kia. Ra đời, những khả năng này sẽ giúp nó hanh thông mọi việc, bởi vì đó là những kinh nghiệm quý báu mà người ta chỉ có khi trải nghiệm thật sự.

Có thể thấy, việc học của trẻ con hoàn toàn do chính quan niệm của cha mẹ quyết định. Vì thế, câu cuối cùng tôi muốn hỏi các cha mẹ vẫn là: các phụ huynh ơi, các vị muốn con học để làm gì?

TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI