Bạo hành học sinh, sao ngày càng dã man?

28/11/2018 - 09:57

PNO - Nếu ngành giáo dục vẫn còn luyến tiếc căn bệnh mang tên “thành tích” thì rất có thể ngày mai, ngày kia sẽ lại xuất hiện những vụ GV bạo hành HS mức độ còn dã man hơn.

Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ giáo viên (GV) ra lệnh học sinh (HS) tát HS về hành vi “hành hạ người khác”. 

Trước sự việc tày đình này, cô giáo biện minh do áp lực thi đua. Còn bà hiệu trưởng lại xin truyền thông đừng đưa tin vì trường sắp được công nhận chuẩn quốc gia. Và tôi tin chắc nếu đi hỏi ông trưởng phòng GD-ĐT huyện hay ông giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh thì các ông cũng không muốn đưa sự việc lên mặt báo, vì sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua. Họ không biết rằng, chính cái thành tích mà họ đang ra sức chạy theo là nguyên nhân dẫn đến bao sự việc đau lòng trong giáo dục. 

Bao hanh hoc sinh, sao ngay cang da man?
Bé N. phải nhập viện sau khi bị tát 231 cái

Thi đua có nghĩa là động viên mọi người phấn đấu hoàn thành tốt công việc của mình. Để hoàn thành tốt công việc, người GV rất cần các điều kiện cụ thể, đó là có đồng lương phải đủ sống, có thời gian để vui chơi - giải trí - tái tạo sức lao động và bổ sung kiến thức, có đầy đủ các phương tiện phục vụ giảng dạy, lớp học có sĩ số HS không quá lớn, môi trường giáo dục phải thật sự trong sạch, môi trường xã hội cũng phải thuận lợi…

Nhưng xin nói thẳng, hiện nay họ không được đảm bảo những điều kiện ấy. Thay vào đó chỉ là sự hô hào và áp đặt các chỉ tiêu rất chủ quan từ các cấp. Để hoàn thành nhiệm vụ trong hoàn cảnh ấy, GV chỉ còn cách phải báo cáo đối phó với tổ trưởng, tổ trưởng cứ thế đối phó với ban giám hiệu nhà trường, nhà trường đối phó phòng, phòng đối phó sở… Ai, cấp nào cũng biết mình đang trong chùm đối phó, nhưng đều vui vẻ chấp nhận. 

Chính điều đó đang đẩy giáo dục đến một bi kịch khủng khiếp, đó là mọi người thiếu tôn trọng nhau và không tôn trọng cấp trên. Thậm chí, họ không sợ làm điều sai trái, vì ai cũng có “phốt” cả. HS cũng chẳng sợ điểm kém vì các em biết chắc rằng, GV không thể cho các em điểm kém, vì như vậy GV sẽ mất danh hiệu thi đua.

Chuyện GV cho điểm khống để đạt danh hiệu cho bản thân, cho nhà trường giờ đây không còn là điều bí mật. Đây đó, hiệu trưởng còn gợi ý cho GV làm. Thế mới có chuyện đi thi THPT quốc gia chỉ đạt 3-4 điểm, nhưng điểm trung bình năm học thì đều khá giỏi. 

Nhờ những thành tích hư hư thật thật ấy mà GV được danh hiệu, được cất nhắc; tổ trưởng, hiệu trưởng, trưởng phòng cũng sẽ được "đôn" lên những chức vụ cao hơn… với những lợi lộc kèm theo. Nhưng di chứng của nó - sự tha hóa của con người sẽ tồn tại rất lâu.

Bởi thế cho nên một thời, ngành giáo dục đã xác định đó là “bệnh thành tích” và quyết tâm từ bỏ. Nhưng do bệnh đã ăn sâu, cắm rễ, lại thiếu quyết tâm, nên chẳng những không thể xóa mà ngày càng nặng hơn. Đó là lý do phát sinh ra bao nhiêu chuyện, đặc biệt là nạn GV bạo hành HS đang diễn ra ngày càng nhiều trong trường học. 

Vụ cô giáo Thủy bắt các HS thay nhau tát 230 cái và tự tay mình tát cái thứ 231 vào mặt một HS xảy ra ngày 19/11, chỉ sau vụ xét xử 18 tháng tù vì tội đánh HS đến ngất xỉu với một bảo mẫu tại TP.HCM. Trước đó vài ngày là chuyện một GV tiểu học ở TP.HCM bắt HS tự tát vào mặt mình vài chục cái.

Từ đầu năm đến nay, có biết bao vụ GV bạo hành HS chiếm sóng truyền thông, như các vụ: cô giáo bắt HS quỳ gối khiến HS sợ đi học ở Long An; GV đánh bầm tay HS lớp Một vì em này không viết được bài (Thái Bình); cô giáo bắt HS uống nước giẻ lau bảng (Hải Phòng); thầy giáo tát HS vì không làm bài (TP.HCM); GV đánh gãy răng HS, có những lời lẽ xúc phạm và đuổi học HS ba tuần (Hà Nội); cô giáo đánh HS bầm lưng (Hà Tĩnh)... 

Nguyên nhân thì đã rõ, nhưng nếu vẫn còn luyến tiếc căn bệnh mang tên “thành tích” thì rất có thể ngày mai, ngày kia sẽ lại xuất hiện những vụ GV bạo hành HS mức độ còn dã man hơn. 

Minh Nhật 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI