Cần một phiên tòa nữa

08/11/2013 - 16:06

PNO - PN - Kẻ gây án giết người đã ra thú tội và ông Nguyễn Thanh Chấn, người tù bị giam oan thay cho y 10 năm trời đã được tạm thời trả tự do. Chúng ta thấy rõ, cả một quá trình 10 năm qua, trình tự tố tụng, xử án đã được chấp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Về mặt thủ tục, hình thức, các phiên tòa được công khai, được báo chí đưa tin, công bố, ca ngợi “sáng suốt”, không thiếu sót gì, không sai. Không có bàn tay đen nào chỉ tay dạy việc cho các phiên tòa, nghĩa là không phải án bỏ túi. Cấp tham gia chung thẩm là Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chứ đâu phải cấp phường cấp xã.

Can mot phien toa nua

Nguyễn Thanh Chấn, người bị ngồi tù oan 10 năm.

 Suốt cả 10 năm không ai, không tờ báo nào trong 700 tờ báo (trừ báo Tiền Phong có một bài nêu nghi vấn) lên tiếng có vi phạm luật tố tụng. Bản thân bị cáo đã kêu oan, nhưng bị cáo thì ai tin! Đã có quá nhiều bị cáo tố cáo bị bức cung trước tòa, có vẻ đã nhàm, tòa nào cũng cho là can phạm “vu cáo” cho cơ quan điều tra để chạy tội, không bao giờ có chứng cứ (đã bị giam cầm, đâu dễ có máy ghi âm, làm sao có chứng cứ?). Chưa hề thấy tòa nào thừa nhận có chuyện này.

Cỗ xe pháp luật thật đầy đủ bánh xe, tuấn mã, lại có một số nhà báo đánh phèng la, thổi kèn đi cạnh. Nhưng cỗ xe đã sa xuống hố: án oan! May mà không gây chết người (ông Chấn thoát án tử hình nhờ người cha liệt sĩ) để có ngày hôm nay. Ngày hạnh phúc nhất đời của ông Chấn đáng thương, “sương tan đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Và cũng là ngày chúng ta phải sửng sốt, xấu hổ. Cỗ xe đẹp vậy mà sa xuống hố!

Chúc mừng ông Chấn, phanh phui nỗi đau của ông, của gia đình với bà vợ phận con sâu cái kiến, bốn đứa con chịu cảnh thất học, ca ngợi bà đã can đảm không tin vào sự “sáng suốt” của mấy tòa có lẽ cũng đủ rồi. Điều nên làm và rất cần làm là hãy tìm xem cỗ xe luật pháp trong vụ án này và có thể trong những vụ án oan khác có thiếu cái gì để nó phải một lần sa xuống hố. Ông Chấn phải trả giá oan đến mười năm chứng minh chắc chắn có chuyện mớm cung, ép cung, và việc tòa tối cao trả tự do cho ông đã cho chúng ta cơ hội hiếm hoi để tin như vậy.

Từ chuyện ép cung đã hé lộ cái thiếu lớn nhất chính là lương tâm! Dù vô tình hay cố ý thì lương tâm vẫn vắng mặt trong nhiều tình huống của vụ án.

Điều tra viên thừa biết lời cung không phải của nghi can mà của mình, nghi can phải diễn lại cảnh giết người theo kịch bản của mình thì chắc chắn anh ta không thể là thủ phạm, hay ít nhất là chưa thể coi là thủ phạm, vậy mà vẫn ép anh ta nhận tội, dù đó là tội có thể chịu mức án tử. Điều tra viên trong vụ này chính là người làm ra án, biết mình là tác giả chế tạo ra thủ phạm và mọi tình tiết của vụ giết người. Đưa một con người lương thiện vào cõi chết mà không chút áy náy lương tâm sao?

Chuyện thiếu lương tâm, vô cảm với khổ đau và oan ức của đồng loại trong vụ này không chỉ của điều tra viên. Trước tòa, bị cáo đã tố có mớm cung, chỉ tay nhận mặt kẻ đánh mình, kêu bị buộc diễn kịch giết người, đã liên tục kêu oan, chứng cứ thì mù mờ, khiên cưỡng, vậy mà tòa sơ thẩm rồi tòa phúc thẩm vẫn nhắm mắt xử cho xong, sao vậy? Vì thành tích phá án, vì đạt kế hoạch số lượng phiên tòa, vì tòa trên nể tòa dưới, tòa dưới sợ mất điểm?

Tôi không tin lương tâm của điều tra viên, các vị kiểm sát viên và quan tòa trong vụ này đã bị cà răng hết. Những thiếu sót của hệ thống pháp luật là cái bóng mát để không ít người che giấu lương tâm. Mọi người, từ dân thường đến đại biểu Quốc hội đều thừa nhận vụ án này là một vết nhơ của hệ thống pháp luật. Nhưng vết nhơ nào cũng có thể rửa được nếu muốn rửa.

Chúng ta đòi hỏi một phiên tòa chứ không chỉ là cuộc họp “kiểm điểm”, để những người táng tận lương tâm vô tình hay cố ý gây ra vụ án oan này có cơ hội phục hồi lương tâm và lương tri, nền tảng không thể thiếu của con người, nhất là những người bảo vệ pháp luật.

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI