Bình ổn thị trường 2014: Đẩy mạnh liên kết, đi vào chiều sâu

05/04/2014 - 07:45

PNO - PN - Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 (CT BÔTT 2014) vừa chính thức được triển khai từ ngày 1/4 - 31/3/2015 với 76 doanh nghiệp (DN) tham gia. Điểm nổi bật năm nay là các DN sẽ đẩy mạnh liên kết và hướng đến...

edf40wrjww2tblPage:Content

Binh on thi truong 2014: Day manh lien ket, di vao chieu sau

Nguồn hàng phong phú, ổn định, giá thấp hơn thị trường là điểm nổi bật của chương trình bình ổn thị trường 2014 - Ảnh: Phùng Huy

Đa dạng hàng hóa

Về cơ chế thực hiện và các nhóm hàng trong CT BÔTT 2014 vẫn cơ bản như năm 2013. Cụ thể, DN bình ổn sử dụng nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp từ các tổ chức tín dụng tham gia CT BÔTT để đầu tư sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung ứng hàng bình ổn. Tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký dành cho CT BÔTT 2014 là 8.300 tỷ đồng (tăng 6.340 tỷ đồng so với năm 2013). TP tiếp tục thực hiện bốn CT BÔTT gồm: lương thực - thực phẩm thiết yếu; dụng cụ học sinh chuẩn bị mùa khai giảng; sữa; dược phẩm thiết yếu. CT năm nay cũng bổ sung thêm nhiều mặt hàng: nhóm dụng cụ học sinh thêm mặt hàng giày; nhóm sữa bổ sung thêm dòng sản phẩm (SP) sữa nước và sữa bột đặc trị, nâng nhóm sữa BÔTT lên 49 chủng loại SP.

Đi vào chiều sâu của chương trình, ông Trần Hữu Đức - GĐ Đối ngoại Công ty NutiFood cho biết, ngoài nâng cao chất lượng, sản lượng, cùng với việc đưa hàng BÔTT về các vùng sâu, vùng xa, công ty sẽ tổ chức cho đội ngũ bác sĩ, trình dược viên đến tận nơi bán hàng bình ổn để khám sức khỏe, tư vấn cho công nhân, lao động nghèo, người già, trẻ em...

Tiêu chí của CT BÔTT năm nay là tạo mối liên kết các DN với nhau để đa dạng hàng hóa, đem đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Ba đơn vị nòng cốt gồm Saigon Co.op, Satra và Công ty Ba Huân sẽ kết hợp cùng những DN khác chọn thời điểm, thời gian, số lượng chuyến hàng để cùng nhau đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa… Ông Trần Bá Dũng, PGĐ Kinh doanh Công ty Hami cho biết, sẽ kết hợp nhóm bán hàng lưu động đến các điểm trường học vùng sâu, vùng xa để giảm chi phí và đa dạng nhóm hàng. Cụ thể là liên kết với đơn vị sản xuất túi xách Miti, giày Tuấn Việt… Bên cạnh đó, phối hợp với phòng kinh tế các quận, huyện để hội phụ nữ, đoàn thanh niên trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng địa phương.

Binh on thi truong 2014: Day manh lien ket, di vao chieu sau

Hàng bình ổn năm nay sẽ được gắn logo của chương trình bình ổn thị trường giúp người tiêu dùng dễ nhận diện, chọn lựa

Thấp hơn giá thị trường 5 - 10%

Giá bán hàng bình ổn được quy định như mọi năm, về cơ bản thấp hơn giá thị trường từ 5-10% và được điều chỉnh tăng, giảm khi chi phí đầu vào biến động hay giá thị trường giảm… Theo đánh giá của các DN, muốn giá bán bình ổn phải chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Các DN chuyên doanh SP gia súc, gia cầm đã chủ động liên kết với các hộ chăn nuôi theo hình thức bao tiêu sản phẩm. Ông Văn Đức Mười - TGĐ Công ty Vissan cho biết, Vissan đã triển khai năm dự án chăn nuôi và liên kết chăn nuôi tại Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, An Giang, Long An với vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Công ty đầu tư từ chuồng trại đến con giống, đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, đồng thời sản xuất SP chế biến và phân phối ngược lại các tỉnh thành.

Ông Trương Chí Thiện - GĐ Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, công ty tập trung thu mua hàng tạm trữ, tránh để các trại chăn nuôi lỗ quá, không tái đàn được, dẫn đến thiếu hàng. Với hai kho lạnh vừa được xây mới ở miền Tây và Q.12, TP.HCM, công ty đã ký kết bao tiêu hết SP cho các trại chăn nuôi đang hợp tác. Ông Thiện cho biết thêm, dù SP tham gia BÔTT chủ yếu là trứng loại 1, nhưng công ty bao tiêu hết SP và phối hợp với các đơn vị phân phối thực hiện khuyến mãi để tiêu thụ trứng loại 2, 3, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Tăng cường hợp tác các tỉnh, thành

Năm nay, Saigon Co.op sẽ đi sâu hơn nữa vào các chợ truyền thống với những mặt hàng phục vụ cho bữa ăn hàng ngày như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ... Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó TGĐ Saigon Co.op đánh giá, mạng lưới giao thông đã hỗ trợ tốt cho các DN vận chuyển hàng bình ổn trong mùa cao điểm Tết 2014 vừa qua. Cách làm này cần được duy trì và phát huy để đảm bảo hàng hóa được thông suốt và kịp thời, vì hiện các DN đều gặp khó khăn trong khâu này.

Bà Lê Ngọc Đào - PGĐ Sở Công thương TP.HCM cho biết, để khuyến khích DN đầu tư - liên kết sản xuất kinh doanh, phát triển mạnh hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ SP, đặc sản vùng miền, TP.HCM sẽ tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM với các tỉnh, thành. “Chương trình hợp tác này đồng thời để thực hiện hiệu quả các đề án mang tính chiến lược, tạo nguồn hàng cho TP, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN nâng cao năng lực đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ SP ổn định và hướng đến xuất khẩu”, bà Đào nhấn mạnh.

CT BÔTT năm nay cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hợp tác xã hướng đến mục tiêu sản xuất SP đạt tiêu chuẩn VietGap, HACCP, SP sạch; tạo điều kiện cho DN đầu tư - liên kết - phát triển sản xuất, kinh doanh. CT BÔTT cũng gắn liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thông qua việc phối hợp tổ chức phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối hàng hóa vào chợ truyền thống...

 Nguyễn Cẩm

Bà Lê Ngọc Đào - PGĐ Sở Công thương TP.HCM

Mở rộng đối tượng tham gia chương trình

Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận các nguồn vốn nhằm tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng bình ổn cho TP, năm nay các ngân hàng đăng ký thêm gói tín dụng 3.350 tỷ đồng, với lãi suất 7-8%/năm hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối trong chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết với DN trực tiếp tham gia CTBÔTT, trong đó ưu tiên cho các HTX sản xuất nông sản - thực phẩm. Nét mới nữa là sẽ mở rộng các đối tượng tham gia chương trình, cụ thể là các DN, các vệ tinh tại TP.HCM và các tỉnh, thành khác đang thực hiện việc liên kết sản xuất cung ứng hàng hóa cũng sẽ được giới thiệu với các tổ chức tín dụng để xem xét vay vốn với lãi suất hợp lý. Đặc biệt, dự kiến sẽ đưa thêm nhiều SP, mặt hàng vào danh mục hàng bình ổn, trên tinh thần tự nguyện đăng ký của các DN, để tạo nguồn SP phong phú, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, TP sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN phát triển các điểm phân phối hàng hóa; tăng cường thực hiện các chương trình kết nối giữa sản xuất và phân phối. Theo đó, sẽ hướng các DN hoạt động theo chuỗi cung ứng SP. Nghĩa là, mỗi DN sẽ tham gia vào một khâu trong chuỗi cung ứng đó, ví dụ DN sản xuất thì sẽ chuyên vào sản xuất, DN nào phân phối thì đẩy mạnh tập trung phân phối...

 N.L. (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI