Chơi gốm sứ cổ: thượng vàng, hạ cám!

13/09/2017 - 15:01

PNO - Thị trường online đang dậy sóng với thú chơi - săn đồ gốm sứ cổ. Có những món được đấu giá lên đến hàng chục triệu đồng vẫn được nhiều “tín đồ” tranh mua. Song, giá trị thực của những “đồ cổ” này ra sao?

Nhộn nhịp “mua” sự tinh tế

Phan Trọng, Hoa Dương… là những facebook “đình đám” trong giới chơi gốm sứ ngoại cổ. Không như dân chuyên nghiệp, giới săn hàng gốm sứ cổ ở những trang mạng này tạm định nghĩa “cổ” đây là những hàng từ 50-60 năm trước, bây giờ không còn sản xuất hay không còn dùng nữa.

Choi gom su co: thuong vang, ha cam!

Trên trang này, hàng trăm sản phẩm (SP) từ bộ ấm trà, tách chén, khay trà đến bình hoa, bát đĩa… được giới thiệu là “gốm cổ”, chủ yếu xuất xứ Nhật Bản, Anh quốc. Các hàng này có giá từ 200.000 đồng đến vài chục triệu đồng/SP.

Một khay trà Kaikai Japan giá 1.450.000 đồng; đĩa hình vỏ sò Royal Arden, giá 500.000 đồng/2 cái… Với tách trà, SP đôi thường cao hơn SP lẻ vì đồ xưa còn được đôi là hiếm và nhiều người cũng tin… phong thủy “có đôi, có cặp”. 

Theo lời nhiều người bán: “Giá SP rất vô chừng, tùy thuộc vào độ hiếm của SP, thương hiệu, xuất xứ… SP có họa tiết vẽ tay thường có giá hơn in. Thông thường, SP có tuổi từ 60 - 100 năm sẽ có giá lên đến hàng chục triệu đồng. 

Trường hợp đặc biệt, với những món thuộc hàng hiếm, người bán chỉ inbox báo giá cho khách muốn hỏi mua”. 

Cụ thể như bộ trà Aynsley, made in England, theo giới thiệu là “hàng antique sản xuất năm 1934 - 1938, còn đẹp nguyên vẹn, viền vàng. Họa tiết 3 bông hồng lớn vẽ tay, bạn nào yêu inbox báo giá”…  Chỉ sau hai phút đăng đàn, người bán đã thông báo “hàng đã bán”. 

Choi gom su co: thuong vang, ha cam!
Gốm sứ cổ đang là thú chơi của nhiều người

Thị trường trực tuyến có rất nhiều trang rao bán đồ cổ như thegioidoco.net, phocovat.net, zapmeta.com.vn, izito.com.vn, buondoco.com, chotot.com, muaban.net, vatgia.com bán đủ các loại SP gốm sứ, đồng hồ, điện thoại quay số, quạt điện, đèn, sách...

Chỉ một số ít trong những trang này chuyên bán gốm sứ ngoại, song có cả gốm sứ cổ, gốm sứ mới. Nếu không tìm hiểu kỹ, người mua rất dễ rinh phải hàng giả cổ với giá chót vót.

Anh Tấn Hưng (ngụ Q.7, TP.HCM) kinh nghiệm hơn 5 năm sưu tầm nhưng vẫn bị “quả lừa” khi mất hơn chục triệu đồng mua một set ấm trà Nhật hiệu Fukagawa, 5 chung  bán trên mạng, trong khi giá thực chưa đến 2 triệu đồng.

“Họ khẳng định set trà này chỉ có một bộ duy nhất, ra đời từ năm 1950 và đã ngưng sản xuất. Tôi tin mua nhưng sau kiểm tra lại mới phát hiện đây là hàng mới sản xuất đại trà”, anh Hưng kể.

Choi gom su co: thuong vang, ha cam!

Thậm chí, có người mua một bình hoa với giá chỉ 500.000 đồng, tưởng mua được hàng cổ, giá hời, về xem kỹ thì phát hiện, bình hoa được phủ lớp sơn đen trên men trắng, một chiêu  tăng thêm giá trị “độc, lạ” cho món hàng!

Thú chơi và giá phải trả

Những SP hiếm thường được đấu giá trên eBay.com. Theo dõi một phiên đấu giá trên trang này mới thấy thú chơi gốm sứ cổ của Anh, Nhật thu hút một lượng “dân chơi” đáng kể từ già đến trẻ ở nhiều nước.

Với thú chơi này, người mua có thể gặp rủi ro là mua lầm “gốm giả cổ”; còn với người bán, theo chia sẻ của giới chuyên doanh thì rủi ro lớn nhất là hàng bị vỡ trong quá trình vận chuyển, mặc dù hầu hết các món hàng đều có bảo hiểm rủi ro nhưng không bù lỗ được. 

Có những món gốm “cổ xưa” được rao đấu giá đến mức… khó tin! Cụ thể như  “bộ trà Nhật Satsuma, sản xuất 1868 - 1912, chỉ dành cho hoàng gia Nhật sử dụng. Giá đấu thành công: 1.000 USD/2 tách. Ngoài kênh eBay, gốm sứ cổ còn được vận chuyển, trao đổi mua bán qua đường xách tay thông qua các du học sinh và người thân ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không ít người mới bắt đầu chơi và những người “ngoại đạo” vẫn còn hoài nghi về tính thực, hư của “gốm sứ cổ”. Anh Phan Trọng, tốt nghiệp chuyên ngành ngữ văn Trung Quốc, chuyên nghiên cứu, sưu tầm và kinh doanh gốm sứ ngoại cổ, cho biết: “Gốm sứ cổ thì nước men không còn bóng nữa. SP trên 100 năm trong thành phần có đất và sắt, vì thế lớp men sẽ có vết rạn, người sành chơi nhìn sẽ biết. Thông tin SP nằm dưới lớp men, khi thử bằng cách vạch một đường lên SP, chữ vẫn không bị mất thì đúng là gốm sứ cổ”. 

Với thú chơi này, người mua có thể gặp rủi ro là mua lầm “gốm giả cổ”; còn với người bán, theo chia sẻ của giới chuyên doanh thì rủi ro lớn nhất là hàng bị vỡ trong quá trình vận chuyển, mặc dù hầu hết các món hàng đều có bảo hiểm rủi ro nhưng không bù lỗ được.

Thêm nữa, người bán có thể một lời một khi “mua ký, bán cái” sở hữu đúng món hàng “độc nhất vô nhị”; ngược lại, nhiều trường hợp vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm, không thẩm định được giá trị của món hàng nên lỗ vốn.  

Giá trị của gốm sứ cổ rất “vô cùng”. Ở nhiều nước có hiệp hội định giá SP nhưng cũng chỉ định giá ước chừng đối với gốm sứ cổ; còn ở Việt Nam, SP gốm sứ cổ đắt là do người mua thích chơi, bao nhiêu tiền cũng sẵn sàng bỏ ra để sở hữu món đồ yêu thích, chứ chưa chắc giá trị thực của SP tương ứng với số tiền bỏ ra. 

Vì vậy, chơi gốm sứ cổ, ngoài có tiền, người chơi cần có kiến thức, kinh nghiệm để đánh giá SP theo đúng giá trị lịch sử, văn hóa người xưa để lại và thưởng thức, cảm nhận được “hồn gốm sứ” với tất cả tâm huyết của nghệ nhân, chứ không nên tốn tiền chạy theo phong trào.
ThS Phan Quân Dũng - Trưởng khoa Mỹ thuật, Đại học Văn Lang TP.HCM


Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI