Nữ doanh nhân đồng hành với Hội

19/01/2015 - 14:27

PNO - PN - Ngày càng có nhiều nữ doanh nhân đồng hành với Hội trong công tác chăm lo, hỗ trợ chị em hội viên, phụ nữ nghèo, học sinh hiếu học. Bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh doanh, chia sẻ với cộng đồng là hoạt động mà họ quan...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nu doanh nhan dong hanh voi Hoi

Bà Trần Thị Ngọc Hầu (bìa trái) luôn nặng lòng với phụ nữ và học sinh nghèo

TẤM LÒNG THƠM THẢO

Khi chúng tôi ghé công ty, vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Hầu (SN 1960, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Phú Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.7, P.15, Q.8, TP.HCM) đang lui cui sắp xếp mấy trăm cuốn tập học trò.

Trước đây, ông Trần Phú Quới (SN 1959, chồng bà Hầu) chạy xe ôm, có khi làm rẫy, nuôi cá kiểng; bà thì cặm cụi làm bánh khoai mì để sáng ra đạp xe rảo bán. Vợ chồng đồng cam cộng khổ, tích góp từng đồng vốn. Năm 2009, công ty Hoàng Phú Vinh ra đời. Dù là chủ nhưng ngày ngày bà vẫn vào xưởng làm tăm tre, xiên que chứ không chịu ngồi “bàn giấy”. Mấy năm nay, sản phẩm tăm tre Hoàng Phú Vinh đã xuất sang nhiều nước: Campuchia, Mỹ, Canada… Khởi nghiệp từ nguồn vốn khiêm tốn, nhưng nữ doanh nhân Ngọc Hầu để lại nhiều tình cảm quý mến với những ai từng tiếp xúc bởi tấm lòng thơm thảo của bà.

Ưu tiên hàng đầu của bà Hầu là hỗ trợ phụ nữ (PN) và học sinh nghèo. Cứ vào năm học mới, bà lại mua tập vở chia thành từng phần từ 10-20 cuốn cùng bút, thước kẻ rồi gửi Hội LHPN phường trao tặng học sinh nghèo. Bà cũng đi thăm, mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tặng những trường hợp đau ốm, nhập cư khó khăn.

Ông Quới có nhóm bạn thân. Cả nhóm thống nhất chuẩn bị sẵn heo đất, cứ gặp nhau là mỗi người bỏ vô heo ít tiền tiết kiệm. Hình thức nuôi heo đất này phát huy hiệu quả rất lớn. Bà Giang Lệ Quyên (SN 1954, ngụ KP.7, P.15) bán bánh tráng trộn. Các con đi làm xa, bà Quyên một mình chăm sóc hai đứa cháu. Cháu gái đã học tới lớp 9 rồi mà nhà không có phòng tắm, cũng không có vách, bốn phía chỉ được che chắn bởi những miếng bạt rách. Ông Quới và nhóm bạn quyết định đập mấy chú heo đất, xây nhà tình thương cho bà Quyên. Đồng thời, họ còn giúp chi phí nâng nền nhà cho một hộ nghèo khác ở KP.8, P.15.

NHỮNG BƯỚC CHÂN KHÔNG MỎI

Phải hơn 7g tối, tôi mới gặp được bà Nguyễn Ngọc Hạnh (SN 1960), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nghiệp Q.Thủ Đức, TP.HCM, chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng Kim Hạnh (cơ sở 2 tại KP.2, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức). Những ngày này, bà tất bật chuẩn bị gạo, sữa, mì gói, đường… cho chuyến đi thăm hơn 2.500 cụ già neo đơn, người bệnh tâm thần, khiếm thị và bệnh phong ở tỉnh Đồng Nai; các Q.Thủ Đức, 12, TP.HCM.

“Tôi vốn xuất thân trong cảnh đói nghèo, từng đi làm kinh tế mới, khi bụng mang dạ chửa vẫn phải nằm co ro giữa căn nhà lá rách nát. Bây giờ kinh tế khá hơn trước nên ngoài công việc, gia đình, tôi dành nhiều thời gian tham gia hoạt động từ thiện”, bà Hạnh chia sẻ.

Từ TP.HCM xuống Long An, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau hay ngược ra Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Định, Huế… nơi nào bà Hạnh cũng từng đến. Khi thì bà theo đoàn cứu trợ đồng bào lũ lụt, đoàn khám bệnh từ thiện, khi lại cùng chị em trong CLB Nữ doanh nghiệp khảo sát thực tế để có kế hoạch tài trợ xây cầu giao thông nông thôn, nhà tình thương cho người nghèo.

Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, bà Hạnh đã tài trợ xây dựng bốn căn nhà tình thương và sửa chữa ba căn nhà cho hộ nghèo, người khuyết tật ở các xã vùng sâu, vùng xa. Từ cuối năm 2014, mỗi tháng, bà Hạnh và những người bạn cùng các thành viên CLB Nữ doanh nghiệp quận góp công, góp của xây tặng một căn nhà tình thương cho người nghèo.

Chị Nguyễn Thị Thanh Luận, Chủ tịch Hội LHPN P.Linh Trung cho biết: “Chị Hạnh là Mạnh Thường Quân luôn nhiệt tình và sẵn sàng ủng hộ các hoạt động chăm lo chị em nghèo của Hội. Trước đây, chị thường tổ chức nấu bữa cơm dinh dưỡng cho người già. Tuy nhiên, thấy các cụ đi lại khó khăn nên chị chuyển qua hỗ trợ gạo, quà bánh và tiền. Thỉnh thoảng, chị cũng tặng những bộ áo dài truyền thống để động viên, khích lệ cán bộ chi, tổ Hội”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI