Lao động hợp đồng 1 tháng cũng đóng bảo hiểm xã hội

24/10/2014 - 08:03

PNO - PN - Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).

edf40wrjww2tblPage:Content

* Tăng lương phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội

Lao dong hop dong 1 thang cung dong bao hiem xa hoi

Lao động hái cà phê chỉ làm theo thời vụ. Nguồn ảnh: internet.

Nội dung mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc đưa nhóm lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc công việc có thời hạn từ một - dưới ba tháng tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết. Quy định này sẽ bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động.

ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định mới sẽ giúp hạn chế tình trạng doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động lách, trốn đóng BHXH bằng cách ký hợp đồng với người lao động liên tục dưới ba tháng.

Cùng quan điểm song ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá quy định này sẽ khó khả thi. Ông cho rằng, nếu làm đúng thủ tục thì khi chưa kịp có sổ BHXH, người lao động đã hết hợp đồng.

ĐB Phương kiến nghị nên bổ sung điều khoản: sau khi hết hợp đồng một - ba tháng, nếu đơn vị sử dụng lao động tiếp tục ký hợp đồng thì mới phải tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc. ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị cân nhắc kỹ quy định này vì thu nhập người lao động giai đoạn ký hợp đồng một đến dưới ba tháng thường không cao, nếu tham gia BHXH bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Phản ánh tình trạng nợ BHXH tràn lan, ảnh hưởng tới đời sống của người hưu trí, người tham gia bảo hiểm, các vị ĐBQB yêu cầu quy định chế tài mạnh mẽ, đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ, chiếm dụng tiền BHXH. Đa số ý kiến cho rằng, nên giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thay vì chỉ giao thanh tra việc đóng BHXH.

Cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình về việc phê chuẩn hai công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật và về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Cũng trong ngày, liên quan tới việc khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, sẽ trình Trung ương đề án tiền lương vào một thời điểm thích hợp để có thời gian triển khai hiệu quả các giải pháp đã được Trung ương thông qua.

Trong thời gian tới (khi Trung ương chưa thông qua Đề án cải cách chính sách tiền lương), Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.

 Phương Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI