Giả công an lừa qua ĐT: Vì sao nạn nhân liên tục sập bẫy?

02/04/2014 - 16:36

PNO - PN - Hôm qua (1/4), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an TP.HCM) cho biết đã có vài chục trường hợp bị lừa dưới hình thức "thông báo nợ cước điện thoại" với số tiền thiệt...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mới đây, từ 28-30/3, liên tiếp xảy ra bốn vụ lừa đảo gần một tỷ đồng xảy ra tại Q.Bình Thạnh, Q.1, Q.10, Q.2 (TP.HCM). Mạng lưới lừa đảo qua điện thoại này không chỉ dừng lại ở TP.HCM mà còn hoạt động tại Tây Ninh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Cần Thơ. 

Bỗng dưng thành…nghi phạm

Ngày 30/3, bà N.T.H. (53 tuổi, ngụ Q.1) đến Công an Q.1 trình báo, bà nhận được cuộc gọi vào số máy bàn, thông báo: Thuê bao quý khách đang nợ tiền cước 8,93 triệu đồng, để biết thêm thông tin bấm phím 0, khiếu nại bấm phím 9. Theo chỉ dẫn của cuộc gọi, bà H. bấm phím 0. Bà H. kể: “Đầu dây bên kia trả lời tôi họ là nhân viên của VNPT, hỏi tôi có phải tên là N.T.H. không, họ còn hỏi số chứng minh nhân dân (CMND), địa chỉ của tôi”.

“Sau khi tôi thông báo các dữ liệu thì họ nói là thuê bao của tôi đang nợ cước 8,93 triệu đồng, có phát sinh nhiều cuộc gọi ra nước ngoài. Khi tôi thắc mắc mình mới đóng cước điện thoại xong, và không gọi điện ra nước ngoài thì đầu dây bên kia khẳng định tên tôi được đăng ký một số điện thoại ngoài Hà Nội, và cước của cuộc gọi này đang nợ 8,93 triệu đồng".

Cũng theo bà H. người này đề nghị bà giữ máy để họ chuyển qua số tổng đài công an Hà Nội. Sau vài tiếng tút, tút… bà H. gặp một người đàn ông xưng trực ban công an Hà Nội. “Người đàn ông tỏ ra rất nghiêm trọng, thông báo tôi nằm trong đường dây rửa tiền và công an Hà Nội đang lập chuyên án, đã bắt giữ được nhiều đối tượng trong đường dây này. Rồi người đàn ông nói: Bây giờ bà muốn khai báo qua điện thoại hay ra Hà Nội trực tiếp làm việc? Lúc này tôi nghe rõ những tiếng trình bày như trong đồn công an với tiếng còi hụ, tiếng báo cáo…”.

Khi bà H. cho biết, muốn trình bày qua điện thoại, đầu dây bên kia hô lớn: “Các đồng chí, chuẩn bị máy ghi âm, đương sự đang khai báo” và nói với bà: “Bà cứ bình tĩnh, nói rõ ràng chúng tôi đang ghi âm lời khai của bà”. Người này còn thông báo với bà H., các đối tượng đã bị bắt giữ, đề nghị bà cung cấp số tài khoản, số dư tài khoản tại các ngân hàng.

“Chúng hù dọa tôi, phải nộp 200 triệu đồng cho cơ quan điều tra để xác minh nguồn gốc số tiền, vì chúng cho rằng, số tiền trong tài khoản của tôi trùng khớp với số tiền mà cơ quan điều tra đang tình nghi có giao dịch bất hợp pháp”, bà H. cho biết. “Bà nộp 200 triệu cho cơ quan điều tra, sau hai giờ đồng hồ nếu chúng tôi xác minh xong không có gì bất thường thì sẽ trả lại bà 200 triệu đồng này”, đầu dây bên kia thông báo cho bà H., đồng thời yêu cầu bà phải giao số tiền này cho “một cán bộ viện kiểm sát”. Một lát sau, có người đến cho bà H. xem thẻ tên Nguyễn Văn Minh, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM. Đối tượng này nhận tiền rồi lên taxi đi mất.

Gia cong an lua qua DT: Vi sao nan nhan lien tuc sap bay?

Lê Thị Hà - một đối tượng trong đường dây lừa đảo vừa về Việt Nam để gom tiền thì bị công an bắt. Phương tiện mà các đối tượng dùng để lừa đảo

Tương tự, ngày 28/3, bà L.T.T.N. (55 tuổi, ngụ Q.10) nhận được điện thoại từ một đối tượng tự xưng là trung úy Nguyễn Hoàng Nam, công tác tại Công an TP.Hà Nội, yêu cầu bà nộp 250 triệu cho cơ quan điều tra để xác minh nguồn gốc tiền vì nghi ngờ số tiền này do phạm tội mà có. Ngày 29/3, bà H.N.M.L. (38 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cũng nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên Công ty VNPT, thông báo nợ cước điện thoại và hù dọa bà L. đang bị Bộ Công an xác minh vì có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Đối tượng này yêu cầu bà L. chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng Techcombank. Bà L. sau đó đã chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản này.

Màn kịch hoàn hảo

Theo các nạn nhân, các đối tượng tạo ra một kịch bản quá hoàn hảo, khiến họ không thể nào nghi ngờ. “Tiếng còi hụ trong trụ sở công an, tiếng báo cáo, tiếng đánh máy lạch cạch, tiếng hỏi cung… tất cả đều như thật khiến tôi không nghĩ đây là một vụ lừa đảo”, bà N.T.N. (ngụ Q.2) - nạn nhân của vụ lừa 280 triệu đồng trình bày.

Trong khi đó, một cán bộ điều tra Đội 8 (Phòng PC46) cho biết, các đối tượng này khi gặp người nào tỏ ra nghi ngờ, chúng sẽ “nối máy với Viện kiểm sát" để “diễn tiếp”. Có trường hợp, chúng đề nghị nạn nhân nếu có nghi ngờ thì gọi vào số 04 (1080) để xác minh xem số điện thoại chúng gọi cho nạn nhân có đúng là Công an TP.Hà Nội hay không. Khi nạn nhân gọi thì tổng đài cho biết đúng số đó của Công an TP.Hà Nội. “Các đối tượng đã dùng thủ thuật đảo đầu số, khiến nạn nhân tưởng gọi từ Công an TP.Hà Nội hoặc Bộ Công an. Nói chung, các đối tượng đã dàn dựng khá chặt chẽ, khiến các nạn nhân dễ bị sập bẫy”, cán bộ điều tra này cho biết thêm.

Thiếu tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8 (PC46) đề nghị người dân phải hết sức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ, đặc biệt là người xưng cán bộ cơ quan pháp luật có yêu cầu xác minh, thu thập thông tin về tài khoản trong các ngân hàng. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, số thẻ tín dụng cho người khác nếu thấy không cần thiết. Khi có người tự xưng là cán bộ cơ quan điều tra, viện kiểm sát liên hệ thì đề nghị cho biết tên, nơi làm việc để trực tiếp liên hệ trao đổi với các cơ quan đó. Trong trường hợp nhận được cuộc gọi có nội dung lừa đảo nêu trên, cần báo ngay cho cơ quan công an, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản khác theo yêu cầu của đối tượng gọi đến.

Trong khi đó, thiếu tá Nguyễn Quang Thắng (Phó chánh văn phòng Công an TP.HCM) cho biết, người dân nên nâng cao cảnh giác. Trong các vụ lừa đảo này, nếu là người hiểu biết pháp luật sẽ nhận thấy điểm vô lý của các đối tượng lừa đảo, bởi không có cơ quan điều tra nào lấy lời khai đối tượng tình nghi qua điện thoại.

 Hải Dương

  

Tuyển người để... lừa đảo

Dự kiến hôm nay (2/4), cảnh sát Đài Loan sẽ làm việc với Công an TP.HCM để tiếp tục đấu tranh, làm rõ đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Theo phía cảnh sát Đài Loan, họ đã bắt giữ một nhóm tội phạm lừa đảo qua điện thoại đối với người Việt Nam. PC46 cho biết, hình thức lừa đảo này không mới, nhưng mấy năm trước, các băng nhóm lừa đảo bằng hình thức này hoạt động trực tiếp tại Việt Nam. Từ Việt Nam, chúng gọi điện cho các nạn nhân ở Đài Loan (Trung Quốc) để thực hiện hành vi lừa đảo những người này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các băng nhóm này bắt đầu tấn công vào Việt Nam, chúng thực hiện các cuộc gọi từ Đài Loan về Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo. Để có người nói được tiếng Việt Nam trong băng nhóm, các đối tượng qua Việt Nam tìm người dưới các hình thức lao động hoặc kết hôn hay các lao động từng làm việc tại Đài Loan. Các lao động này được trả lương từ tám đến mười triệu/tháng, sau đó được “tập huấn” để “hành nghề”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI