Cô thợ may mở lớp học cho trẻ cơ nhỡ

08/03/2021 - 11:23

PNO - Cô giáo Thi là tên gọi thân thương mà người dân sống tại con hẻm 83 Lê Văn Linh, khu phố 1, Q.4 (TP.HCM) đặt cho cô thợ may Trần Thị Hồng Thi. Bởi, suốt sáu năm qua, cô đã miệt mài dạy chữ cho những đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tới trường.

Khoảng 5 giờ chiều, căn nhà nhỏ trong con hẻm bên hông khu chợ tạm đường Lê Văn Linh (Q.4) vang lên tiếng bi bô đánh vần, ráp chữ của 5-6 đứa trẻ. Chúng, quần áo nhếch nhác, nhưng ngồi ngay ngắn quanh chiếc bàn xếp nhỏ gò từng con chữ. 

“Lớp học” lọt thỏm trong gian nhà nhỏ xung quanh là máy may, vải vóc, móc treo quần áo - kế sinh nhai của cô giáo Trần Thị Hồng Thi. Dụng cụ dạy học chỉ vỏn vẹn quyển sách giáo khoa đã sờn gáy, vài quyển tập và mấy cây viết đi xin được. Giữa bộn bề mưu sinh ngoài kia, mùi thịt cá bốc lên từ khu chợ, các em nhỏ cứ mải mê với con chữ, với những điều mới lạ. Cứ như thế, lớp học cô Thi đã chắp cánh cho biết bao trẻ em nghèo tiếp cận với con chữ, để những bước chập chững đầu đời bớt chông chênh.

Cô giáo Thi bên những học trò của mình
Cô giáo Thi bên những học trò của mình

Cô giáo Thi là tên gọi thân thương mà người dân nơi đây đặt cho cô thợ may, dù thực tế cô đã “thất nghiệp” từ lâu. Cô sinh năm 1973, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm tại Phan Rang. Sau khi ra trường, cô dạy tại Trường tiểu học Đức Thắng (P.Đức Thắng, TP.Phan Thiết) ba năm. Năm 2005, cô kết hôn và theo chồng vào TP.HCM. Vì hoàn cảnh, cô buộc phải rời xa bục giảng và tìm kế sinh nhai khác. Đó là trở thành thợ may để vừa kiếm tiền vừa có thời gian chăm sóc chồng con. 

Gia đình cô Thi thuộc diện hộ cận nghèo, ở nhà thuê, chồng làm nhân viên khách sạn nhưng con cái đều được chăm lo học hành chu đáo. Con gái lớn của cô hiện đang học lớp 11, dù hoàn cảnh thiếu thốn, không có tiền để học thêm nhưng năm nào cũng đạt học sinh giỏi.

Mang trong mình nghiệp nhà giáo nên cô luôn trăn trở trước hoàn cảnh của những đứa trẻ nhà nghèo, thay vì được cắp sách tới trường như bao bạn bè đồng trang lứa thì lại lang thang theo cha mẹ kiếm sống.

Biết con dâu còn nặng duyên với nghề giáo, bà Lê Thị Bê, mẹ chồng cô đã vận động gia đình những trẻ em trong độ tuổi tiểu học không có điều kiện tới trường, tham gia lớp học tình thương ngay tại tiệm may của con dâu. Cô Thi trực tiếp đứng lớp, dạy cho các bé; còn bà Bê trong vai trò như bảo mẫu, hỗ trợ trông nom các bé. 

“Đây là bé Thanh, sáu tuổi. Gia đình bé ở trọ, ba bé bị tàn phế một tay, mẹ lượm ve chai kiếm sống. Trước đây, bà nội chăm sóc bé, nay bà mất rồi. Hằng ngày, ba mẹ đi lượm rác, mọi người thường thấy bé lang thang chơi trong hẻm”, cô Thi kể. Thấy hoàn cảnh bé đáng thương, đến tuổi đi học nhưng không được đến trường nên cô và mẹ chồng đã đến nhà vận động ba mẹ cho bé đến lớp học.

Cô Thi kể tiếp về hoàn cảnh của những học trò mình: “Còn đây là bé Phúc, Tuyền, Minh và Thư. Bốn bé là anh em ruột, bé nhỏ nhất đang học lớp Một. Hoàn cảnh các bé rất éo le, bố mẹ ly hôn. Mẹ bé đã có gia đình riêng nên chỉ nuôi được đứa con út, còn bốn anh chị em Thư phải gửi cho xơ nuôi dưỡng”.

Do đó, khi biết có lớp tình thương của cô Thi, người mẹ đã xin cho các con theo học. Bé Minh và Phúc rất hay trốn học, không ít lần cô Thi và bà Bê đã phải lặn lội đi tìm, bởi lo lắng các bé đi chơi dễ bị kẻ xấu dụ dỗ. 

Học sinh của lớp học tình thương này lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn, vướng tệ nạn xã hội, thậm chí thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ đánh nhau. Bởi thế, các bé phần nào bị ảnh hưởng và không thích đi học, hay trốn học.

Để thuyết phục các bé có hứng thú, chịu tới lớp, cô Thi và bà Bê đã phải nghĩ ra rất nhiều cách. Đến học thì được cô Thi cho ăn bánh, ăn kẹo, thậm chí bà Bê còn nấu cơm cho ăn. Ban đầu, những đứa trẻ tới lớp để được no bụng, sau rồi thành nếp, chịu nghe giảng, biết đọc, biết viết và làm toán. 

Lâu dần, tiếng lành đồn xa, trẻ con chạy sang nhà cô Thi bất kể giờ giấc để hỏi bài. Thậm chí sau này, có nhiều bé lớn lên, được đi học vẫn quay về nhờ cô Thi phụ đạo. 

Trời sẩm tối, chợ đã tan. Trong gian nhà nhỏ chừng 20m2, xung quanh các xấp vải xếp chồng chất, có sáu đứa trẻ mặt mũi lấm lem ngồi quây quần thay phiên nhau truyền tay quyển sách giáo khoa cũ kỹ. Ngồi cạnh mấy đứa trẻ là hai phụ nữ, một già và một trẻ. Người phụ nữ trẻ tay đang cầm kim khâu đơm nút áo thỉnh thoảng dừng lại, ngước lên, lắng nghe những giọng đọc trẻ thơ… 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI