Từ trên đài quan sát của trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, bằng ống kính chuyên dụng, người chiến sĩ trực đài nói rằng có thể nhìn rõ mọi thứ trong phạm vi bán kính hơn một ngàn mét.

Tôi đưa mắt mình vào gần ống kính, thử nhìn về phía bên Campuchia, các dòng tên sòng bạc trên những tòa nhà phía nước bạn hiện lên rõ mồn một. 

Huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh có 31,5km đường biên với nước bạn, trải dài qua năm xã, với 45.542 người dân sống cặp theo 16 cột mốc chính và 59 cột mốc phụ. Huyện có một cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu phụ, hai lối mở truyền thống.

Thượng tá Vũ Quang Quân, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài cho biết: “Trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19 đợt 1, hằng ngày lượng khách xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu này trên 5.000 người với hơn 500 xe container và xe khách qua lại biên giới”.

“Gần hai năm qua, chính thức là từ 0 giờ ngày 18/3/2020, khi lệnh đóng cửa khẩu chính thức được thực hiện, nhằm ngăn chặn khả năng lây nhiễm dịch bệnh, khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Việt Nam và cửa khẩu Quốc tế Bavet - Campuchia vắng như chùa Bà Đanh”. Thiếu tá biên phòng Võ Thị Thùy Trang, nhân viên kiểm thể kiêm phiên dịch cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nói thêm. 

Thiếu tá Thùy Trang là một trong 12 hội viên chi hội phụ nữ bộ đội biên phòng tỉnh. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, không băng rừng, lội suối tuần tra cột mốc biên giới, đường mòn, lối mở hằng ngày, hằng tuần… nhưng Trang cùng các đồng đội nữ của mình thực sự là những bông hoa đẹp của lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 240km biên giới của lực lượng Biên phòng Tây Ninh. 

Kiểm thể và phiên dịch tiếng Anh chuyên nghiệp là hai công việc mới hình thành từ yêu cầu thực tế. Thùy Trang là người duy nhất thực hiện “nhiệm vụ kép” này tại Mộc Bài - cửa khẩu quốc tế lớn nhất trên tuyến đường biên Việt Nam - Campuchia dài 1.137km xuyên qua 119 xã, 36 huyện trên địa bàn 10 tỉnh biên giới. 

Kiểm thể được hiểu nôm na là kiểm tra thân thể của các đối tượng nữ có biểu hiện nghi ngờ che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, chủ yếu là vận chuyển các mặt hàng cấm qua biên giới và thường được che giấu rất tinh vi. “Các điểm tế nhị trên cơ thể luôn được các đối tượng nữ “ưu tiên” gửi gắm hàng cấm”, Thùy Trang nói.     

Tôi nhớ, trước giờ thực hiện lệnh đóng cửa khẩu năm 2020, người về từ Campuchia đông như trẩy hội. Khi ấy, thượng tá Lê Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài, nhận định sẽ có không ít đối tượng lợi dụng tình trạng tập trung kiểm soát COVID-19 của các cơ quan chức năng để tranh thủ vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam.

Cứ ngỡ, việc thăng quân hàm đột xuất liên quan đến thành tích kiểm thể và phiên dịch trong thời điểm phòng chống dịch, hóa ra, việc cô được thăng cấp trước niên hạn do những hành động bình thường, rất nhỏ bé, mà khi thực hiện cô không hề nghĩ việc làm ấy mang ý nghĩa thể diện quốc gia. 

Trang kể, một hôm nhận được cuộc gọi từ TP.HCM của một người đàn ông ngoại quốc. Ông xưng tên và nhắc món nợ 25 USD Trang cho ông mượn khi ông làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài bằng cuốn hộ chiếu số 12DC49383 mang tên Serda Daniel Marie, quốc tịch Pháp. 

Lời giới thiệu ấy không khó để Trang nhớ lại: Khi ông Serda Daniel Marie vào đóng lệ phí thị thực, thay vì chỉ đóng 25 USD như lần trước, lần này trường hợp ông phải đóng 50 USD, gấp đôi số tiền mà ông có. Daniel Marie không mang theo tiền mặt, lại đang trên đường công tác gấp, nên rơi vào “thế bí”, chẳng biết xoay xở sao. 

Nhận thấy tình huống khó xử của ông, Thùy Trang nhanh chóng tiếp cận. Qua trao đổi, Trang biết ông Serda Daniel Marie nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích giúp trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam và chuyến công tác vào Việt Nam lần này cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Biết việc làm cao cả của ông, Trang nói cô sẽ cho ông mượn 25 USD để ông được nhập cảnh vào Việt Nam cho kịp giờ. Quá bất ngờ và vui mừng, ông Serda Daniel Marie tranh thủ làm thủ tục và chỉ kịp xin số điện thoại của Trang cùng lời hứa sẽ quay lại. 

Những tưởng lời hứa gió bay, vả lại số tiền 25 USD chỉ như lời “cảm ơn” đối với người đã giúp trẻ em Việt Nam, thật bất ngờ, ông Daniel Marie lại liên lạc và có nhã ý mời Trang tham dự buổi gala dinner dự kiến được tổ chức một tuần sau đó tại TP.HCM để bày tỏ lòng biết ơn.

Lời mời bị từ chối và biết không thể thuyết phục thêm, ông lại ngỏ ý tặng cô một món quà mà cô thích để thay lời cảm ơn. Trang buột miệng nói cô chỉ thích hoa. 

Bất ngờ hơn, 9 giờ 30 ngay sáng hôm sau, ông Daniel Marie có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài cùng bó hoa thật tươi trên tay. Ông Daniel Marie tặng hoa cho Thùy Trang và gửi lại 25 USD ông đã mượn.

Trước sự chứng kiến của nhiều hành khách quốc tế đang chờ làm thủ tục tại đây, ông Daniel Marie kể lại câu chuyện của mình cùng hành động đẹp của Thùy Trang.

Ông vừa dứt lời, tất cả hành khách ngoại quốc đang ngồi chờ làm thủ tục cấp thị thực đứng dậy cùng vỗ tay tán thưởng và chúc mừng hành động đẹp của nữ quân nhân Việt Nam.

Gần đây nhất là trường hợp của anh Matthew David Willson (quốc tịch Mỹ). Trên đường từ Campuchia về Việt Nam, anh đã mất hết tiền, không còn tiền đóng thị thực, không thể nhập cảnh, Matthew buồn bã...

Làm xong thủ tục cho các hành khách, Thùy Trang bước ra ngoài, thấy Matthew đứng ngồi không yên cạnh phòng làm thủ tục, cô bước đến hỏi thăm sẻ chia cùng Matthew.

Thấy Trang cởi mở nên anh ta mạnh dạn ngỏ lời mượn 30 USD đóng lệ phí để vào Việt Nam cùng lời hứa trở lại trả nợ. Biết khả năng hoàn trả rất thấp nhưng thấy Matthew đã hết cách, hôm ấy Trang đành mượn tiền đồng đội 600.000 đồng để giúp Matthew được vào Việt Nam. 

Cầm thị thực trong tay, Matthew không tin vào mắt mình, anh luôn miệng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của cô gái Việt Nam nhỏ nhắn. Trước khi rời cửa khẩu, Matthew đã xin địa chỉ, số điện thoại cùng lời hứa quyết tâm trở lại Mộc Bài tìm Trang sau khi chuyến công tác tại Việt Nam kết thúc. 

Chuyến công tác tại Việt Nam đã kết thúc chưa, Trang không biết, Matthew cũng chưa quay lại tìm cô. Thực tế, trong tám lần "cho mượn", Trang chỉ được trả lại hai lần, nhưng cô vui vẻ nói: “Giúp người là một cách để tự rèn bản thân biết sống vì mọi người, có gì to tát đâu anh!”.

Xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có một ấp của người Khmer - ấp Bố Lớn. Đây là ấp biên giới có cột mốc 148 phân chia giới tuyến với nước bạn Campuchia.

Ấp Bố Lớn có 287 hộ dân sinh sống, phần đông là hộ nghèo, hộ khó khăn. Nhưng chốt trưởng chốt dân quân nơi đây nhiều nhiệm kỳ đều là người Khmer. Năm 2016, chốt trưởng là anh Som Phanl.

Hôm 2/4/2021, có dịp quay lại vùng biên này, tôi tranh thủ ghé ngang thăm chốt. Con đường đất đỏ nắng bụi mưa lầy uốn éo trong vạt rừng cao su ngày nào giờ đã là con đường nhựa phẳng phiu. Tôi phải dừng xe hỏi thăm mấy lần mới biết chính xác đó là con đường xưa mình đã đi qua.

Chốt Bố Lớn có dấu hiệu xuống cấp, nhưng hàng mít trồng quanh chốt vẫn tươi xanh và sai trái. Anh Som Phanl vẫn vậy, mái tóc quăn quíu được cắt ngắn, đôi môi đen dày, cặp mắt to tròn và hàm răng trắng lóa. Anh nghiêm túc, chững chạc trong bộ đồ dân quân, nhưng lần này anh là dân quân, còn vị trí chốt trưởng thuộc về cậu Keo Ran. 

Som Phanl cười tươi nói: “Mình già rồi, để lớp trẻ làm tốt hơn! Ờ, mà Keo Ran là em trai của Keo Onl đấy. Còn nhớ Keo Onl không?”. Lại thêm một bất ngờ! Thật sự là lần ghé thăm này chủ yếu để tôi hỏi đường tìm đến nhà Keo Onl xác minh một việc được cơ quan giao. 

Lần đó, tôi gặp chị Kà Reo - Keo Onl - tổ trưởng tổ tự quản số 4, kiêm chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bố Lớn. Đó là người phụ nữ có chiều cao khiêm tốn, nước da ngăm, gương mặt tròn phúc hậu, ánh mắt như biết nói. Chị vui tính, mỗi lần cười hai bên má có hai lúm đồng tiền sâu một cách khó quên. 

Som Phanl dẫn tôi đến nhà chị Keo Onl rồi chia tay vì anh bảo có nhiệm vụ được giao ở ngôi chùa Girikumararam gần đấy. Anh tranh thủ ra dấu cầm ly đưa lên miệng rồi hất lên trời như ám hiệu, xíu nữa, khi xong việc sẽ “phất tầng ót” (tức cạn ly) cùng nhau. Chiếc xe quèn của anh lại rồ ga, xịt khói hướng về phía ngôi chùa “nghèo nhất xóm” nằm trên địa bàn xã lân cận. 

Quả tình, cả ấp ngàn nhân khẩu, chỉ một quán hủ tíu của chị, chỉ cần 1% trong số này đến quán, thì sau khi trừ chi phí, thu nhập của chị cũng từ 100 đến 150 ngàn đồng/ngày. Ít còn hơn không.

Nhưng trước mặt tôi, ngoài chị là chủ quán còn có một cụ bà hàng xóm nằm võng tòn teng và một cô gái đang ngồi bấm smartphone bên cạnh. Tuy vậy, điều đập vào mắt tôi chính là chiếc tủ kính trưng bày các loại bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, quà tặng lưu niệm từ các cuộc đại hội, giao lưu điển hình tiên tiến cấp xã đến Trung ương. 

Chị nói vui: “Nhà xuống cấp quá, không còn chỗ treo, mới đặt thợ đóng, hết 5 triệu đồng”.

Có lẽ, chiếc tủ ấy với chị như một gia tài, quý giá còn hơn căn nhà đang cư ngụ. Bởi căn nhà ấy, nền thấp hơn mặt đường gần nửa thước, từ mái tôn, ánh nắng mặt trời xiên xéo khắp nơi, một cái thùng to góc nhà đang lấp lánh nước dột từ mái nhà từ cơn mưa đêm qua… Không khí ẩm ướt, đặc quánh.

Vật dụng bên trong nhà giống kho chứa hơn là nhà ở. Trong khi chiếc tủ kính, được chị mang ra quán ăn, đặt nơi sáng sủa, sạch sẽ mà bất kỳ ai muốn ngồi vào bàn ăn cũng phải nhìn. Tôi nhìn thấy tầng trên của tủ trưng bày các ảnh, tượng Bác Hồ, cờ Tổ quốc cùng các loại bằng khen.

Nào là bằng khen của Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bà Keo Onl vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Nào là bằng khen Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tặng bà Keo Onl vì thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

Hai bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng cho bà vì thành tích xuất sắc, đóng góp vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh và vì thành tích xuất sắc trong việc tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm ấp khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2015.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh khen bà Keo Onl, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh khen bà Keo Onl… Hàng loạt giấy khen các cấp, lớp đứng, lớp nằm chật kín chiếc tủ kính cao năm tầng, bề ngang hai thước hai. 

Chị bảo, cái tủ kính không phải để khoe những việc mình làm. Sự ghi nhận trong cộng đồng người Khmer ở ấp Bố Lớn mới là điều khiến chị vui hơn cả.

Chị Kà Reo - Keo Onl thuộc thế hệ 7X. Chị nói Kà Reo là tên “nhà xài”. Còn Keo Onl là tên đi… họp (tên khai sinh).

Trong cộng đồng dân tộc Khmer ấp Bố Lớn, nhiều người cao tuổi hơn, nhưng chị Kà Reo đã được cộng đồng dân tộc Khmer bầu làm “già làng”. Chính quyền tỉnh cũng liên tục hàng năm ra quyết định công nhận: Bà Keo Onl ấp Bố Lớn là người có uy tín với dân tộc Khmer nơi đây. 

Từ năm 2009, khi chị tham gia công tác Hội Phụ nữ, thường xuyên cùng các lực lượng du kích, công an, bộ đội biên phòng đi tuần tra quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc… góp phần giữ an ninh trật tự xóm ấp; thường xuyên vận động người dân tham gia bảo vệ tốt tuyến đường biên giới Việt Nam - Campuchia, không vượt biên, không mua bán, vận chuyển hàng lậu… và làm rất nhiều việc cụ thể cho bà con trong ấp.

Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, già làng Kà Reo - Keo Onl đã vận động các nhà hảo tâm tặng hơn 500 phần quà các dịp tết Nguyên đán Việt Nam, tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của dân tộc Khmer… trị giá hơn 150 triệu đồng cho người dân trong ấp, các ấp lân cận và hội viên các ngành trong xã. 

Riêng năm 2019, chị vận động xây tặng bốn căn nhà tình thương (trị giá 55 triệu đồng/căn), chín nhà vệ sinh tự hoại với tổng trị giá 90 triệu đồng. Chị xin đất đổ nền xây nhà cho bà con nghèo, sửa lại đường đi, xin hỗ trợ bò cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trong ấp… 

Nhìn mái nhà lợp tôn thủng lỗ chỗ, nắng chiếu xiên như qua cái rổ xảo, cột kèo mối mọt bu đầy, quán xá ế ẩm… tôi buột miệng hỏi: “Nhà chị cũng đang xuống cấp, sao chị không xin chính quyền hỗ trợ?" 

Chị cười rồi bảo: “Mấy anh bộ đội biên phòng Phước Tân cũng có tặng cho mấy con heo rừng để nuôi rồi còn gì. Còn nhà… thì ưu tiên cho mấy hộ khó khăn đã. Chừng nào trong ấp hết người cần được giúp xây nhà, mình xin cũng đâu muộn…”. 

Ngày 22/4/2021, tôi nhận được bức ảnh chụp trong một lần ghé thăm nhà già làng Nách Chan, ở ấp Kà Ốt (xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).

Trong bức ảnh có già làng Nách Chan, có trưởng ấp, nguyên là thầy giáo dạy tiếng Khmer Cao Văn Xây, cô giáo Nách Chan Nên và tôi. Bức ảnh được chụp trước buổi cơm trưa tại nhà già làng vào ngày cuối tết cổ truyền dân tộc Khmer Chol Chnam Thmay hồi tháng 4/2018.

Lần đó, sau buổi cơm trưa, cô giáo Chan Nên lấy xe máy đèo tôi sang ấp Suối Dầm để dự lễ đắp Núi Cát, cầu cho mưa thuận gió hòa để người Khmer nơi đây có một vụ lúa bội thu… Buổi lễ qua nhanh, nhưng tình cảm của tôi với cộng đồng Khmer dày thêm.

Ở xã Tân Đông có ba ấp người Khmer, nằm ở ba vị trí cách trung tâm xã như ba góc của một tam giác đều: Kà Ốt - Tầm Phô - Suối Dầm. Việc hình thành và ra đời các ấp Khmer này nếu ví như chị em trong gia đình thì Suối Dầm là cô em út, còn Kà Ốt và Tầm Phô là hai cô chị sinh đôi. 

Hai cô chị song sinh nằm sát đường biên giới để che chắn cho cô em út nên có được chia một ít tài sản. Cụ thể, Kà Ốt thì có được ngôi chùa to nhất vùng - chùa Kiri Satray Meanchay, là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống cho cộng đồng 2.000 người Khmer tại đây. 

Tầm Phô được sở hữu lối mở qua ngôi chùa lớn mang tên Uđông Mean chy Sre Ta Nuôl của phum Ta Nuôl (xã Chăn Muôl), trên đất bạn, ở bên kia biên giới.

Việc qua lại biên giới để thăm thân nhân của nhau thường được bà con ba ấp chọn đi từ lối mở này. Còn phần thưởng cho Suối Dầm chính là sự bình yên phía sau lưng hai cô chị. Đắp Núi Cát là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer và được thực hiện hằng năm. 

Điều tôi quan tâm và ngạc nhiên không phải là bức ảnh, mà chính là lời nhắn kèm theo: “Em vừa được giới thiệu ứng cử hội đồng nhân dân huyện rồi!”.  

Tôi biết cô giáo Chan Nên, trong 10 năm (từ năm 2011 đến nay) chuyện cô được ứng cử “bà hội đồng” của một huyện có gần 40.000 hộ dân với khoảng 70.000 cử tri sẽ đi bầu trong ngày 23/5 sắp tới quả là tin đặc biệt.

Nách Chan Nên là con gái thứ sáu trong gia đình có 12 người con của già làng Kà Ốt - Nách Chan. Ngay từ nhỏ, Chan Nên đã ý thức được việc học, nhưng cô học chỉ như là một cách báo hiếu. 

Mãi đến khi hết lớp 12 cô mới thực sự hiểu: vì ít học mà bà con trong phum làng cứ mãi theo nghiệp chăn trâu hoặc làm mướn với thu nhập chỉ đủ kiếm sống qua ngày. 

Vì vậy, cô chọn con đường trở thành cô giáo vì: “Ước mơ lớn nhất của tôi là mong sao đời sống của bà con được phát triển hơn, trẻ em trong phum sóc được học hành đàng hoàng, tới nơi tới chốn, để không phải vì quá tất bật với chén cơm, manh áo mà phải bỏ học giữa chừng, rồi sau này thua kém mọi người và chịu hối tiếc”. 

Năm 2011, khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Tây Ninh, Chan Nên xin quay về đúng ngôi trường ngày xưa mình từng học. Cô nghĩ tại đây cô sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc kèm cặp và động viên các em nhỏ trong làng.

Để giúp các em hứng thú đến trường, cô liên hệ với nhiều Mạnh Thường Quân xin kinh phí làm khu vui chơi thiếu nhi ngay cạnh trường học. Những trường hợp thật sự khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng, cô vận động bạn bè người thân xin học bổng để nâng bước các em đến trường.

Hè đến, cô tập trung các em chưa đủ tuổi học cấp I để dạy tiếng Khmer, rồi dạy các điệu múa truyền thống dân tộc cho các em cấp II, phối hợp xã đoàn tổ chức những cuộc thi “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” …  

Năm 2018, Chan Nên là một trong 63 giáo viên trong cả nước được bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh và tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn năm học 2018-2019. 

Chan Nên còn được Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc, Chan Nên cũng nhận bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong giảng dạy tại những lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… 

Trước kỳ Đại hội Đảng bộ Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 hồi tháng Chín năm ngoái, tôi có dịp quay lại Kà Ốt thăm già làng Nách Chan, tình cờ gặp ông đang ngồi trò chuyện với Danh Ngất, bí thư ấp và cựu thầy giáo, trưởng ấp Kà Ốt - Cao Văn Xây. 

Thầy Xây phấn khởi khoe: số trẻ cấp I trong độ tuổi đến trường là 76 em đạt tỷ lệ 100%, cấp II và III có rơi rụng một ít, nhưng trong ấp hiện cũng đã có nhiều em học xong cao đẳng hoặc đại học, đã có việc làm hoặc đang chờ nhận việc.

Ông nhắc tới những cái tên như Sai Thiết, con trai Khuôn Sai tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã có việc làm và Sai Lôm con của Nach Sai, vừa tốt nghiệp khoa xét nghiệm trường cao đẳng Viễn Đông TP.HCM đang chờ nhận thử việc ở một bệnh viện lớn trong tỉnh. 

Ông Danh Ngất khẳng định: “Người truyền cảm hứng và tạo nên không khí xã hội học tập sôi động của cộng đồng người Khmer ở Kà Tum không ai khác hơn chính là cô giáo Nách Chan Nên.

Thầy giáo Xây - Trưởng ấp Kà Ốt còn cho biết thêm, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây nhiễm rất cao tại khu vực biên giới, mới đây Chan Nên đã chủ động xin các nhà hảo tâm hỗ trợ kệ, bàn, sách vở, tranh ảnh, đồ chơi… thành lập thư viện mở 24/7 tại nhà mình. 

Sáng trưa chiều tối, bất kỳ lúc nào các em nhỏ trong phum làng cũng có thể ghé nhà cô Nên để ngồi bàn, nằm võng, thậm chí lăn cả xuống sàn nhà đọc sách. Mới đây, Chan Nên còn xuất hiện trên kênh TTV11 của đài phát thanh và truyền hình Tây Ninh với tư cách “phát thanh viên tiếng Khmer” thực hiện các bản tin liên quan đến COVID-19.  

Trong tiếng Khmer, Chan có nghĩa là vầng trăng, Nên là nhỏ. Chan Nên là vầng trăng nhỏ… như vài cách giải thích trìu mến của bà con Khmer vùng Tân Đông dành cho cô gái hết lòng vì cộng đồng này.

Tôi không biết, việc làm thêm ở đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh có là duyên mới - nghề mới của Vầng Trăng Nhỏ hay không? Liệu, nghề dạy trẻ ở vùng biên xa xôi có còn sức hút như thuở ban đầu hay không?... Nhưng tôi luôn tin, dù làm việc gì, Nách Chan Nên cũng luôn làm hết mình, vì lợi ích cộng đồng. 

 

 

Bài: Nguyễn Thiện

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết:
BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM