Thanh Trúc vừa bước xuống xe, người dân của xóm Cồn Cạn (nay là Thủy Đầm, Nha Trang) chạy ra ngắm nghía. “Trời ơi, hồi xưa đi lạc nó chút éc, giờ lớn quá, y xì bà Gái mẹ nó”; “Trời ơi, vậy mà nhiều người hồi đó cứ nói bà Gái bán con”... Trong đám đông ấy, một cụ bà tóc bạc phơ, tất tả chen lên, sững nhìn Trúc. Ánh mắt chạm nhau. Tiếng “ngoại”, tiếng ‘’con ơi” vỡ òa theo dòng nước mắt lăn dài, những nụ hôn tới tấp và vòng tay ôm chặt của 2 bà cháu. Vòng người đứng vây quanh Trúc càng lúc càng đông... “Cậu Ba - em kế của mẹ con nè. Cậu Hèo ngày xưa hay chơi với con nè, dì út ngày xưa giữ chị em con hoài nè…”. Mọi người tranh nhau giới thiệu, như thể phần nào điều ấy có thể bù đắp những gì mà nhiều năm qua Trúc đã mất. Trúc nức nở: “Mấy chục năm nay, kể cả trong mơ, con cũng chỉ mong mỏi ngày này”.
        30 năm trước, Trúc - 8 tuổi, và em trai Nguyễn Văn Út - 3 tuổi, ngày ngày theo mẹ ra ga Nha Trang mưu sinh. Mẹ bán chanh, còn chị em Trúc bán vé số. Một hôm, 2 chị em lên toa tàu hàng chơi và ngủ quên. Khi ánh đèn đường hắt vào làm Trúc thức dậy và phát hiện toa tàu ngày thường vốn nằm im nay đang chạy, 2 chị em kêu gào “mẹ ơi cứu con”.  Hôm sau, tàu đến ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Trúc bồng em trai lúc này đã bị sốt vì khóc và nhớ mẹ, đi xin ăn quanh quẩn toa tàu, chờ “tàu về Nha Trang”. Nhưng, đến ngày thứ năm, Trúc phát hiện đầu kéo của tàu này đi mất. 2 chị em khóc nức nở. Cũng ngày đó, Trúc và em trai được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, Thủ Đức, chính thức trở thành những đứa trẻ côi cút. Trúc được đặt tên Nguyễn Thị Liên, lấy ngày sinh 1/6/1988, còn em trai Nguyễn Văn Út, khai sinh ngày 1/6/1991.

       Những tiếng nấc theo câu chuyện của Trúc. Người cậu thứ ba ngồi trên xe lăn khóc nghẹn. Trúc ôm cậu, vỗ về: “Con đã về rồi, con không sao rồi, cậu yên tâm”. Trúc kể tiếp: “Vào trung tâm, chị em con nhớ mẹ khóc suốt. Con trốn trường đi tìm mẹ hoài. Nhưng cứ khi xe dừng ở cây xăng hay trạm dừng chân là có người của trung tâm đến đón con về. Các má thấy con và thằng Út nhớ mẹ quá, nên dẫn tụi con về bến xe Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) tìm mẹ (mẹ Trúc trọ ở đó). Nhưng khi ra tới nơi, thì mẹ con đã dọn đi. Rồi các má nhờ các đài truyền hình loan tin, rồi con đăng ký chương trình tìm người thất lạc nổi tiếng trên ti vi… nhưng không có kết quả. Tết năm 2008, con dẫn thằng Út về đây tìm, mà không biết nhà ngoại dời đi mấy trăm mét. Vì vậy, đêm giao thừa chị em lủi thủi quay lại Sài Gòn”.  
       Tình cờ, ngày 7/10/2023, Trúc thấy kênh Tuấn Vỹ - Kết nối yêu thương, chuyên tìm người thất lạc nên nhắn: “Em năm nay 38 tuổi, đi lạc từ năm 8 tuổi. Công an ga tàu đưa em vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, Thủ Đức. Em tên Trúc và em trai tên Út. Mẹ là Nguyễn Thị Phượng, quê Nha Trang”. Khi thông tin của Trúc đăng lên, một người hàng xóm của ngoại Trúc biết rõ câu chuyện này đã báo tin cho bà. Xóm Cồn Cạn vỡ òa và xóm trọ ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An của Trúc cũng tưng bừng. Trúc bồi hồi: “Nghe tin tìm được người thân, em mừng đến run người, nhưng em cũng sợ “bị lừa” vì quá nhanh. Nhưng sau đó, anh Tuấn Vỹ gọi điện cho em trò chuyện với ngoại, các cậu dì… các thông tin đều khớp. Các kỷ niệm cũ… nhắc lại em nhớ hết”. Hôm sau, Trúc và con trai được Tuấn Vỹ tài trợ vé máy bay, đưa về tận Nha Trang gặp người thân. 
        Gặp mẹ con Trúc, cậu em trai (của mẹ Trúc và người chồng sau) hài hước: “Trời ơi, tự dưng ở đâu lòi ra bà chị Hai, ông anh Ba và thằng cháu, đã gì đâu” làm mọi người đang khóc cũng phải bật cười. Trúc tâm sự: “Thật sự, đến giờ em vẫn tưởng mình mơ, không thể tả được niềm vui, hạnh phúc của mình. Tiếc rằng mẹ không kịp đợi em (mẹ Trúc mất năm 2022 - PV). Bà ngoại suốt đêm đó không ngủ, cứ ngồi nhìn em và khóc. Các cậu dì, em trai ngày nào cũng gọi điện, và cứ đóng thùng gửi thức ăn vô miết. Đợt rồi chồng và em trai của em không xin nghỉ làm về được, giờ ai cũng nôn nao mau tới tết để về sum họp với nhà ngoại. Tết này tụi em có quê để về rồi”.

       Bà Nguyễn Thị Phượng (53 tuổi) nhắn cho tôi qua hộp thư thoại: “Con đến đường số 3, khu phố 3, hỏi Phượng cụt tay thì ai cũng biết hết”. Đúng lời bà, từ đầu đường, tôi đưa từ khóa “dì Phượng cụt tay” thì được hướng dẫn cặn kẽ lối vào nhà, kèm bình luận “dì Phượng mới tìm được gia đình á, trên đời này không ai hay như dì luôn”. Bà Phượng đón khách bằng nụ cười rạng rỡ. Nhìn thần thái bà, không ai nhận ra người phụ nữ ủ rũ trong clip vài tháng trước khi đi tìm người thân. 
       Bà Phượng thất lạc gia đình lúc mới 5 tuổi. Trong một trận pháo kích cuối tháng 4/1975 ở Bà Rịa, Phượng bị đứt lìa cánh tay phải và khi tỉnh dậy chỉ nhớ “Tên Hộp. Ba tên Hoàng, có anh tên Thiện, tên Sơn và 2 chị tên Linh, tên Lệ. Khi bị thương, chị gái dúi vô tay cục cốm, kêu: “Hộp ơi, ăn đi em”. Sau đó, cô bé Hộp được đưa vào một cô nhi viện ở Thị Nghè, quận Bình Thạnh và được đổi tên thành Phượng. 4 năm sau, Phượng rời cô nhi viện, vì “đi ra đường mới tìm gia đình được, ở nhà người ta, làm sao cha mẹ biết mà tìm?”. Hành trang của Phượng độc một bộ đồ. Đói thì xin ăn, tắm thì ra bến Bạch Đằng, hoặc hồ Con Rùa, tối lấy gầm cầu, mái hiên nhà qua đêm. Trong những ngày lang thang, Phượng được một người phụ nữ cũng lang thang chải tóc, bắt chí… khiến Phượng nhớ mẹ quay quắt. Vậy nên, khi được người phụ nữ này nhận làm con nuôi, Phượng vui khôn xiết. Nào ngờ, người mẹ nuôi này bán “món quà con gái” của Phượng cho một người đàn ông với giá 5 chỉ vàng, rồi trả Phượng lại với vỉa hè. Phượng đi theo đoàn sơn đông mãi võ, theo đoàn mô tô bay, các gánh xiếc, hát rong… đi khắp nơi, với suy nghĩ biết đâu tìm được mẹ. 
      “Tôi luôn tự hỏi, mình là ai, mình từ đâu đến? Tôi nhất định phải giải được câu hỏi này. Tôi và 2 con trai có nhiều cơ hội đi định cư ở nước ngoài, nhưng tôi không đi. Tôi muốn ở lại đây để tìm nguồn cội của mình” - bà kể, nước mắt chảy dài theo câu chuyện. Chợt, bà cười hềnh hệch, như “vớt” chính mình ra khỏi cảm xúc u uất: “Tôi nghĩ ai làm người cũng gặp khó khăn, càng than vãn thì đời mình càng đi vô ngõ cụt”.

      Ánh sáng đến với bà vào một buổi chiều của tháng 4/2023. Hôm ấy, người dân khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức bị… giật mình khi thấy bà chân trần, chạy huỳnh huỵch khắp xóm, miệng hét: “Tôi tìm được gia đình rồi”. Câu chuyện tìm được người thân của bà Phượng cũng rất kỳ lạ. 49 năm qua, bà đã nhờ rất nhiều chương trình, nhiều kênh, quay hình, gửi thông tin… đủ cả, nhưng vô vọng. Cho đến chiều 8/4/2023, bà nhận được thông tin từ Tuấn Vỹ: “15 giờ chiều nay chị sẽ gặp được người thân”, cảm giác của bà lúc đó là “vui như điên”, bà chạy chân trần đi loan tin khắp xóm. Người đầu tiên bà Phượng được kết nối là dì Tư - em ruột của mẹ bà. Khi dì Tư xác nhận các thông tin như: ba tên Hoàng, anh trai tên Thiện, em trai Sơn, chị gái tên Linh, Lệ và chính chị Lệ đã kể: “Cho em Hộp cục cốm, nhưng tay em Hộp cụt không lấy được”, thì bà Phượng đã khóc tu tu như một đứa trẻ, quên luôn cảnh báo của bác sĩ là bà phải tránh xúc động mạnh, vì rất nguy hiểm đối với căn bệnh giãn động mạch khí quản của bà. 
       2 hôm sau, bà Phượng được xe của Tuấn Vỹ đưa về Bà Rịa - Vũng Tàu. Giây phút bà trùng phùng Nguyễn Ái Giao Linh - người chị gái kế mình, 2 chị em ngã vào nhau. Người chị gái nức nở: “Chị tưởng cả đời này sẽ không bao giờ được gặp em nữa”. Còn bà Phượng mếu máo: “Em cũng tưởng em sẽ chết trong côi cút, nhưng bây giờ em đã có gia đình rồi”. Gặp người thân, bà Phượng mới biết mình sinh năm 1971, có cái tên rất mỹ miều: Nguyễn Thị Ái Tiên Sa. Bà được người thân kể cho những hồi ức ấu thơ: “Ba mẹ thương em lắm, ba đi đâu cũng cõng em trên vai. Em là đứa duy nhất trong nhà được uống sữa hộp nên em có tên là Hộp”. Nhưng ngày trùng phùng cũng là ngày bà biết được người mẹ mà bà đi tìm gần 50 năm đã qua đời ngay trong trận pháo kích đó, được chôn vội tại chỗ.

        Sau cuộc đoàn viên, anh chị em của bà tứ tán khắp nơi đã tụ về mừng em gái và đưa hài cốt của mẹ về chôn cất bên cạnh ba ở Bình Thuận. 

        Câu chuyện đang rôm rả, bỗng điện thoại bà Phượng reo. Bà khoe: “Phong - cháu ruột, con bà chị tôi ở Kiên Giang - gọi. 4 đứa con chị Lệ ngày nào cũng gọi điện tâm sự”. Khi điện thoại được chuyển qua “cô nhà báo đến chơi”, Phong hồ hởi kể: “Dì Hộp giống mẹ con như đúc. Tụi con xem dì như mẹ ruột. 4 anh em con mong dì về quê sống với tụi con, tụi con sẽ chăm sóc, báo hiếu dì”. Nghe tiếng Phong, Nguyễn Văn Đạt - con trai út của bà Phượng - chạy ra: “Anh Hai ơi, em trông tới tết để về chơi với mấy anh chị quá”. Phong đáp lời: “Anh cũng trông nữa, mà anh Hai sẽ lên Sài Gòn thăm mẹ và 2 em trước”. Tắt điện thoại, Đạt nhìn mẹ cười: “Công nhận có anh chị vui quá mẹ ơi”. 

      Vui nên không thể kìm được tiếng cười, nhưng đôi khi trong tiếng cười lại có nước mắt, như cụ Ốc (ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Tìm được người thân ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng tìm ra rồi mà cũng không thể về, vì cụ không còn đủ sức khỏe để di chuyển từ Đồng Tháp đến Sơn La - nơi cụ sinh ra với ngôn ngữ Thái đặc thù mà sau gần cả đời lưu lạc, cụ chỉ còn nói được mỗi từ “ăn cơm”. Cụ như con suối nhỏ, cô độc giữa núi rừng vẫn âm thầm len qua những thăng trầm đồi dốc để tìm đường về sông, mải miết. May là họ vẫn có thể nói với nhau bao nhiêu điều dù xa cả ngàn cây số. Từ ngày tìm được người em gái và các cháu, cụ Ốc mỗi ngày đều trò chuyện với em qua điện thoại. Chị Cao Thị Minh Hiếu - hàng xóm của cụ, cũng là người đăng thông tin tìm người giúp cụ - kể: “Thấy cụ ở tuổi này rồi mà ngày nào cũng nhắc quê quán, anh chị em ở Sơn La nên tôi đăng tin tìm giúp, không ngờ, chỉ 8 ngày đã tìm được em gái và các cháu của cụ. Ngày biết mình tìm được người em, cụ khóc nhiều lắm”. Càng may hơn nữa khi biết được sức khỏe của cụ, Tuấn Vỹ cho biết sẽ sắp xếp hỗ trợ để đưa em gái và cháu cụ Ốc từ Sơn La vào Nam, để họ được trùng phùng.
      Vậy là sau mấy chục năm đằng đẵng, những đứa trẻ là bé Hộp, bé Trúc, bé Út, cụ Ốc… bơ vơ năm nào đã tìm được nguồn cội. Những ngày này, họ đang đếm ngược từng ngày chờ tết. Có người, gần như cả một đời, giờ mới cảm nhận được tết là gì, vì tết đâu chỉ là mùa cây đâm chồi nảy lộc, mà còn là ngày đoàn viên, tương phùng của 
tình thâm… 
      Từ đây về sau, họ đã có tết.

Chia sẻ bài viết: