Phóng viên: Viết tiếp câu chuyện hoà bình đạt 4,4 t view trên các nền tảng, và vẫn tiếp tục tăng thêm, anh đón nhận con số này thế nào?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Con số 4,4 tỉ view cho thấy mức độ lan toả của Viết tiếp câu chuyện hoà bình trên các nền tảng mạng xã hội. Mọi người đã yêu thích và sử dụng đoạn nhạc trong bài cho các clip ngắn và đăng tải, giúp ca khúc được lan toả.

Còn con số 4,4 tỉ view không có nhiều ý nghĩa về mặt doanh thu. Bởi nếu tính doanh thu theo lượt xem trên YouTube, thì so với những bài hát trăm triệu view của nhiều ca sĩ khác, Viết tiếp câu chuyện hoà bình khá khiêm tốn.

Tuy nhiên, có thể nói thành công lần này rất khác với những thành công trước đây của tôi. Điểm khác nhất là ca khúc tiếp cận tệp khán giả rất rộng từ cô bác lớn tuổi, các bạn học sinh - sinh viên, cán bộ công nhân viên, anh em chiến sĩ vũ trang, cán bộ nhà nước và lãnh đạo cấp cao... Trước đây, những bản nhạc tình yêu hay tình cảm gia đình của tôi nếu có hit, cũng chỉ lan toả đến một nhóm đối tượng nhất định.

Tác phẩm

Tác phẩm "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" đạt 4,4 tỷ lượt người xem trên các nền tảng mạng xã hội, theo thống kê của đơn vị phát hành. Ảnh: FBNV

Để đạt được thành công, ai cũng phải bắt đầu từ những bước đầu tiên, với Viết tiếp câu chuyện hoà bình, anh khởi đầu ra sao?

Vào cuối 2023, tôi mong được thử sức ở mảng đề tài mới thay vì chỉ viết nhạc tình yêu, gia đình, nhạc thiếu nhi. Trùng hợp là vào thời điểm đó, ca sĩ Duyên Quỳnh cũng đến gặp và nói muốn thực hiện một bài nhạc để tặng cho ba và các đồng đội là cựu chiến binh.

Từ chia sẻ của Duyên Quỳnh, tôi quyết định gom những sáng tác có sẵn trong kho nhạc của mình. Đây là những bài hát tôi đã viết khi tham gia các cuộc vận động sáng tác về chủ đề Bác Hồ, về những người lính Trường Sa, về TPHCM đổi mới... do Hội Âm nhạc TPHCM phát động.

Khi chọn được các bài nhạc để làm thành tuyển tập, tôi thấy còn thiếu 1 ca khúc chủ đề nên tiếp tục suy nghĩ và Viết tiếp câu chuyện hoà bình ra đời. Thời gian sáng tác không lâu, chỉ vài tiếng kể từ nốt nhạc đầu tiên vang lên nhưng để viết được, cần quá trình góp nhặt cảm xúc, trải nghiệm khá dài.

Sau nhiều bản hit như Vầng trăng khóc, Con đường mưa, Nhật ký của mẹ... liệu anh đã tìm được công thức để tạo hit cho mình?

Tôi không có công thức tạo hit, vì lúc nào cũng nghĩ mình là người mới viết. Có thể do trí nhớ không tốt nên tôi thường quên những gì trước đó, quên ca khúc cũ từng thành hit ra sao. Tôi nghĩ chính sự nhớ quên này giúp tôi lúc nào cũng thấy mình mới, thấy cần học lại để tiếp tục sáng tác.

Vậy còn sự thất bại, một nhạc sĩ nhiều bản hit như anh có từng đối mặt?

Có thể bạn chưa biết, gia tài sáng tác của tôi đến nay khoảng hơn 700 bài. Trong đó, may mắn có vài chục bản hit. Điều này tương đương hơn 600 bài còn lại mọi người không biết. Nếu gọi số bài không ai biết là thất bại, thì tôi có 600 lần thất bại, con số này đâu nhỏ.

Thành công không đến dễ dàng nên tôi không nghĩ mình thất bại, mà chỉ xem đây là bài học. Về cá nhân, tôi thích làm những việc khó, thích tin vào điều kỳ diệu. Làm việc khó, mình thất bại là chuyện bình thường, còn nếu thành công, thì đó là sự phi thường. Và tôi muốn được công nhận theo hướng bản thân đã vượt qua những thử thách nhất định.

Tôi nhớ không ít lần, anh nói về sự cô đơn khi viết nhạc cho thiếu nhi. Bây giờ, tình hình có thể vẫn chưa khác, nhưng từ phía khán giả, tôi đã thấy mọi người đón nhận nhiều hơn. Tín hiệu này là món quà với anh, đúng chứ?

Tôi nhận được tín hiệu tích cực này khi bản thân sắp bỏ cuộc trên con đường viết nhạc thiếu nhi. Tôi viết nhạc thiếu nhi từ năm 2012 đến năm 2020. Trong quá trình đó, tôi chịu khá nhiều nỗi buồn, sự cô đơn khi 1 mình đi trên con đường. Đôi khi, tôi tự hỏi lựa chọn của mình là đúng hay sai. Viết nhạc thiếu nhi không kiếm ra tiền, đâu bán được như nhạc tình yêu, không mang lại doanh thu hay danh tiếng...

Vào lúc tôi sắp bỏ cuộc, tôi nhận được tin nhắn của một phụ huynh chia sẻ rằng: “Em cảm ơn thầy, vì bài hát thiếu nhi của thầy làm cho con em tự nhiên ngoan hơn, thương mẹ, tự nhiên làm thiệp tặng mẹ”.

Một chị khác kể con chị chậm nói, đến 6 tuổi vẫn chưa nói như bạn bè, nhưng tự nhiên một ngày con gọi mẹ rồi bập bẹ: “Mẹ ơi có biết, con thương mẹ nhiều” (lời trong ca khúc Mẹ ơi có biết của Nguyễn Văn Chung - PV). Chị khóc, chị quay lại clip và gửi cho tôi. Tôi xem clip và thấy việc mình làm có ý nghĩa, thế là tôi đi tiếp, không bỏ cuộc. Những tin nhắn đó giống hệt cảm giác mình đang giữa sa mạc và thấy được ốc đảo.

23 năm trong sự nghiệp đồ sộ, anh nói nhiều về 2 từ “may mắn”. Nhưng liệu có quá khiêm tốn không, khi những gì đạt được cũng là do anh nỗ lực, không bỏ cuộc?

Với kiến thức âm nhạc của tôi thì không thể so với anh chị em đồng nghiệp được đào tạo bài bản. Tôi chỉ là người rẽ ngang nhưng lại thành công từ những bước đâu, thì có lẽ, đó là nhờ may mắn. Sự may mắn góp phần rất lớn vào sự nghiệp, vì tôi biết, có rất nhiều người giỏi nhưng họ chưa thể đạt đến thành công như kỳ vọng. Tôi không khiêm tốn và tôi cũng biết mình đã cố gắng như thế nào. Nhưng nếu không có sự may mắn ở giai đoạn đầu tiên, không có những lời động viên bất ngờ xuất hiện lúc tôi muốn bỏ cuộc, thì có lẽ, tôi không đạt được như hiện tại. 

Ở những cột mốc đáng nhớ của bản thân, anh thường nhắc về mẹ như một người luôn dõi theo, soi sáng. Thường khi anh thành công, bà nói với anh điều gì?

Mẹ tôi không bao giờ nói về thành công của tôi, mà chỉ nhắc những thiếu sót. Bà hay nói: “Con phải như thế này. Con phải khắc phục cái kia”... Khi tôi viết những bài hát về tình yêu, mẹ nói tôi đừng viết những bài hát yêu đương bi quan, tiêu cực. Bà dặn tôi cố gắng viết những bài hát tích cực, lan toả vì như thế mọi người sẽ yêu mến con hơn, tôn trọng con hơn. Viết tiếp câu chuyện hoà bình hay Nhật ký của mẹ được tôi viết ra với tư cách là một nhạc sĩ, và là một người con của mẹ, để mẹ đi đâu cũng có thể tự hào rằng: “Con tui viết đó!”.

Trước kia, những lúc tôi mệt mỏi, áp lực, tôi rất ít chia sẻ với mẹ. Mặc dù tôi biết mẹ sẽ hiểu, nhưng tôi sợ mẹ buồn lo nên không nói ra được. Cho đến khi vượt qua, tôi với mẹ mới nói chuyện với nhau. Bây giờ, càng thành công, tôi càng nhớ mẹ. Giờ tôi không còn ai để nhắn tin khoe những món quà tôi nhận được, những thành tích tôi có được...

Gần đây, anh quyết định dành 50% tiền tác quyền để hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ mồ côi sau khi anh qua đời. Quyết định này có liên quan đến sự ra đi của mẹ anh?

Mong muốn này xuất hiện từ lúc mẹ tôi qua đời. Mẹ mất đã thay đổi nhiều quan điểm trong tôi. Tôi tự hỏi mình sống để làm gì, mình ra đi để lại gì. Như mẹ, mẹ ra đi để lại cho tôi sự nhớ thương vô hạn, và thôi thúc tôi sống ý nghĩa hơn. Trước khi mất, mẹ nhờ tôi thay mẹ giúp đỡ những người mà mẹ đang giúp. Thời khắc đó, tôi cảm thấy được gửi trao nguyện vọng, cảm nhận được tình thương của mẹ dành cho mọi người. Mẹ đã dạy tôi thông qua những việc mẹ làm, và tôi cũng muốn làm gương cho con mình.

Cuộc sống của ông bố một mình nuôi hai đứa con như thế nào, anh nhỉ?

Như những ông bố bình thường khác, buổi sáng sau khi con đi học, tôi tập thể dục, ăn sáng, làm việc, qua phòng thu. Chiều con về, cho con ăn uống. Những lúc con tới mùa thi thì ôn bài cùng con, rồi đi đá banh. Hoặc khi rảnh thì cha con đi chơi với nhau, chơi bida, gắp thú...

Qua lời anh kể, tôi không thấy sự mệt mỏi, vất vả nào dù đáng ra, việc nuôi dạy 2 đứa trẻ không hề dễ dàng...

Thời gian vất vả đã qua rồi. Nếu nhắc về thời điểm căng thẳng, áp lực nhất thì là khoảng 2 năm về trước. Tôi khi đó chưa có nhiều điều kiện. Con chưa lớn nên mình phải đưa đón con đi học mỗi ngày. Ai có con cũng biết những giờ đưa đón con đi học lúc kẹt xe mệt như thế nào. Tôi tranh thủ đi làm kiếm tiền nhưng có lịch đi quay, lịch đi tỉnh cũng không dám nhận vì không dám xa con. Những gánh nặng về tiền học của con, tiền điện nước, nhà cửa... cứ liên tục nặng thêm. Bản thân cũng không có thời gian để chăm sóc, yêu thương. Lúc đó mẹ bệnh nên tôi dành thêm thời gian chăm sóc mẹ. Mọi thứ như vắt kiệt sức.

Người ta nói đàn ông thường khó rơi nước mắt nhưng liệu lúc anh yếu lòng nhất, có giọt nước mắt nào đã rơi?

Tôi là người khá nhạy cảm. Nếu nói những chuyện về mẹ, tôi sẽ nhanh rưng rưng nước mắt. Tôi nhớ có 2 lần mình đã từng khóc. Một lần trong đó là khoảng thời gian tôi áp lực, nhiều khó khăn ập tới thì chiều cùng ngày, tôi nhận được tin nhắn từ cô giáo nói con gây ra một sự cố ở trường. Tôi đi đón con về và bình thường, tôi sẽ la con nhưng hôm đó quá mệt, tôi ngồi thụp xuống và hỏi: “Tại sao con phải làm như vậy? Con đã biết sai sao con vẫn làm? Cha mệt lắm con!”. Tôi nói tới đó và bật khóc. Hôm đó, con cũng tự khóc theo và đến ôm tôi, xin lỗi...

Thường phải đau vì tình mới viết nhạc tình hay. Ở giai đoạn mới của tình cảm, anh gom nhặt cảm xúc ra sao?

Tôi thường viết nhạc theo cảm xúc, trải nghiệm hiện tại. Tất nhiên, tình yêu của một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi sẽ khác với chàng thanh niên ở tuổi 19, 20. Khi còn trẻ, mình sẽ sống chết vì người mình yêu, dành hết tâm trí, thời gian. Còn bây giờ, tình yêu với tôi chỉ là một phần của cuộc sống.

Theo thứ tự, đầu tiên là gia đình, thứ hai là sự nghiệp, sau đó đến tôi và cuối cùng là tình yêu. Gia đình đương nhiên xếp đầu tiên vì nơi đó có ba mẹ, con cái, những người thân yêu nhất. Thứ hai là sự nghiệp. Nếu không có sự nghiệp, bạn sẽ không tự tin đi ra ngoài xã hội. Và khi không tự tin, bạn không có sự thu hút thì làm sao người khác yêu bạn và bạn đủ tự tin để yêu họ. Thứ ba, bạn phải đủ yêu bản thân thì mới chăm sóc được cho đối phương. Tình yêu không phải là sự hy sinh một chiều. Với tôi, đây là công thức an toàn để tôi có thể cân bằng mọi thứ.

Sau nhiều biến cố cuộc sống, bây giờ, tôi đón nhận mọi thứ một cách tuỳ duyên như dòng nước, tình yêu cũng vậy. Nước chảy đến đâu, mọi thứ êm trôi đến đó...

Chia sẻ bài viết: