Trần Sơn Hải run lên sung sướng khi bước lên bục nhận giải thưởng Tài năng trẻ và Huy chương Vàng Liên hoan Ca múa nhạc học sinh - sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc lần thứ nhất. Mẹ cậu cũng chạy ào lên, ôm chầm lấy con trai. Mẹ và con, nước mắt cứ thế rơi...

Đó là vào năm 1994, khi Trần Sơn Hải 18 tuổi, là sinh viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Thời điểm đó, anh là sinh viên khiếm thị đầu tiên và duy nhất của nhạc viện.

Bà Nguyễn Thị Bạch Nga - mẹ của nhạc sĩ Trần Sơn Hải - nhớ lại, năm 1983, gần tết, có một người bán bong bóng bay ghé vào khu tập thể ở thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình - nơi gia đình bà đang sinh sống. Hải khi đó 7 tuổi, cùng nhiều đứa trẻ trong khu tập thể ào ra xem. Bình khí hydro dùng để bơm bong bóng bất ngờ phát nổ làm 25 người bị thương, trong đó có 6 người bị thương nặng. Hải là 1 trong 6 người bị thương nặng đó. Những ngày tiếp theo, phía trước Hải chỉ là bóng tối. “Khi không còn thấy đường, người tôi rất bứt rứt, tôi cứ hỏi mẹ: “Bao giờ thì mắt con nhìn thấy lại được?”. Trả lời tôi là tiếng khóc nấc của mẹ. Dần dà, tôi cũng hiểu được tình trạng của mình” - nhạc sĩ Trần Sơn Hải kể về ngày đó.

Bà Bạch Nga xin chuyển việc, về công tác ở TP Hà Nội, đưa Hải vào điều trị ở Bệnh viện Mắt trung ương. Hải sau đó được đưa đến trường dành cho người khiếm thị, tiếp xúc với chữ nổi (chữ Braille). Kể từ khi bắt đầu việc học qua đôi tay, Hải cảm thấy mất đi đôi mắt không phải là mất tất cả. Cậu chăm chỉ học hành và luôn đứng đầu lớp. Tuy vậy, việc không thấy đường khiến Hải bức bối, hay cau có. Mẹ Hải chợt nhớ nhà mình có cây đàn guitar cũ, liền lau chùi cẩn thận rồi đưa Hải, hy vọng những âm thanh từ 6 dây đàn giúp con mình khuây khỏa. Và Hải đã mày mò để tự đánh được vài ca khúc phổ biến của thiếu nhi. Đó là năm 1987, khi Hải 11 tuổi. 

Cùng năm đó, bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy được công chiếu, một trong những nhân vật chính của phim là nghệ sĩ guitar Văn Vượng. Mẹ Hải nghĩ, nếu cho Hải học guitar, biết đâu sau này cậu cũng có thể thành nghệ sĩ. Thế là bà đạp xe đèo Hải đến gặp nghệ sĩ Văn Vượng. Từ đó, ngày ngày, Hải mang cây đàn guitar có chiều cao gần bằng mình, cần đàn to hơn bàn tay mình, ngồi lên ba ga xe đạp để mẹ đèo đi học đàn. Dây đàn cũ, các đầu ngón tay sưng tấy nhưng Hải quyết chí phải chinh phục cho bằng được.

Học được 2 năm thì nghệ sĩ Văn Vượng “hết vốn”, ông khuyên 2 mẹ con đi tìm thầy khác. Mẹ Hải lại tìm thầy, nhưng người thầy mới này cũng chỉ dạy Hải vài tháng, vì: “Thằng này giỏi lắm. Cô phải cho nó vào Nhạc viện Hà Nội mới được”. Bấy giờ, Nhạc viện Hà Nội chưa từng nhận học viên khiếm thị vào học chính quy. Do vậy, dù thi đầu vào sơ cấp đạt thủ khoa, Hải vẫn phải học tạm. May thay năm đó, Bộ GD-ĐT có chính sách mới, cho phép các trường nghệ thuật được tiếp nhận học viên là người khuyết tật và Hải đã trở thành học viên chính thức. Để rồi, không chỉ thi đầu vào trung cấp, đại học đều đạt thủ khoa, Hải còn tốt nghiệp 2 chuyên ngành là guitar cổ điển và sáng tác - lý luận - chỉ huy cùng lúc, vào năm 2001. Đó là điều mà ngay cả sinh viên sáng mắt cũng khó làm được. Từ năm đó, Trần Sơn Hải được Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam giữ lại làm giảng viên.

Nhạc sĩ Trần Sơn Hải tâm sự: “Cũng có lúc tôi chán nản chứ, muốn bỏ hết. Nhiều đêm, tôi cứ nằm xuống nghĩ suy rồi lại vùng dậy ôm cây đàn. Thế rồi, ngôn ngữ âm nhạc sáng dần trong tôi. Tôi nhận ra, âm thanh không chỉ từ bầu đàn mà còn rung lên từ lòng mình, tâm trí mình”.

Việc học nhạc đối với người bình thường đã khó, với người không còn đôi mắt càng khó bội phần. “Nhưng tôi có mẹ. Mẹ là đôi mắt của tôi” - Hải nói.

Bà Bạch Nga - sinh năm 1942, là người Hà Nội chính gốc. Năm 1967, bà tốt nghiệp đại học chuyên ngành nông hóa - thổ nhưỡng, được Nhà nước điều về công tác ở tỉnh Quảng Ninh 3 năm, Thái Bình 14 năm. 
Gương mặt phúc hậu, cương nghị, ánh mắt hiền từ, bà kể: “Cha mẹ tôi ở Hà Nội. Chồng tôi cũng ở Hà Nội, công tác trong Bộ GD-ĐT. Tôi đã nhiều lần xin chuyển về Hà Nội công tác nhưng chưa được, thì Hải bị tai nạn. May lúc ấy Viện Dược liệu trung ương thuộc Bộ Y tế nhận vào làm ở mảng trồng trọt, tôi mới có cơ hội đưa con về Hà Nội chữa trị, học hành”. 

Để giúp con học trong khi không biết chữ nổi, bà nghĩ ra cách thu âm bài học: “Tôi bảo cháu đọc bài lên rồi tôi ghi âm, nắm được nội dung bài học. Khi dò bài, đến đoạn nào sai thì tôi bảo chỗ ấy sai rồi. Nhờ cách này mà Hải tiếp thu rất nhanh, lúc nào cũng đứng đầu lớp”. Để đồng hành với con trên đường âm nhạc, bà mua sách dạy nhạc, tự mày mò học nốt nhạc, cách ký âm. Bà bảo: “Kỹ sư nông nghiệp mà học nhạc thì tất nhiên là khó, nhưng vì con, không gì mà tôi không làm được”. 
Khi Hải soạn Tổ khúc giao hưởng Việt Nam để báo cáo tốt nghiệp đại học, bà và anh mất 20 ngày, từ sáng đến đêm khuya, chỉ cho công đoạn anh đọc từ chữ nổi, bà viết lại bằng chữ thường. “Lúc nhận bài, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - khi đó là Phó chủ nhiệm Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội - cứ gật gù và không chữa một nốt nào” - bà Nga kể.

Nhiều năm nay, bà Nga không còn ở chung với Hải trong căn nhà nhỏ tràn ngập tiếng đàn và bao kỷ niệm ở đường Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình mà chuyển đến căn hộ gần Hồ Tây. Hải lập gia đình năm 38 tuổi, với chị Nguyễn Thị Thu Hồng - cựu sinh viên ngành tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Con trai 8 tuổi của vợ chồng anh rất mê đàn piano. Mỗi ngày, anh dậy từ 5g sáng, vợ đưa con đi học, còn anh phối khí, soạn giáo án… cho đến trưa. “Bây giờ, tôi đã hoàn toàn yên tâm về Hải rồi” - tiếng bà Bạch Nga nhẹ nhõm.

Tôi nói bà là người mẹ vĩ đại, bà cười hiền: “Tôi chỉ làm những gì mà một người mẹ bình thường nên làm”. 

Chia sẻ bài viết: