Nhà cách 100m, hai tháng chưa về

Là nhân viên Trạm Y tế P.7, Q.8 - phường có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất Q.8 - nên những ngày này, chúng tôi và cả người thân của Duyên Anh không dễ nói chuyện được với cô qua điện thoại. Hôm nào Duyên Anh bắt máy, chúng tôi lại nhận được câu trả lời gấp gáp: “Em đang lấy mẫu ở địa bàn dân cư. Chị thông cảm, khi nào xong việc, em sẽ gọi lại”. Khi Duyên Anh có thể gọi lại thì đồng hồ đã chỉ 1 -  2g sáng nên cô chẳng thể gọi cho ai.

“Thật sự em không biết hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu” - Duyên Anh cười hiền trước khi nói về công việc hằng ngày của mình và đồng nghiệp tại trạm y tế phường. Cô khái quát về một ngày làm việc: “Cứ mở mắt ra là đi, đụng đâu làm đó”. Công việc gồm xử lý ổ dịch, xét nghiệm cộng đồng, điều tra ca bệnh, đưa F0 (người mắc COVID-19), F1 (người tiếp xúc gần với F0) đi cách ly, dẫn đội xét nghiệm, test nhanh xuống địa bàn, khử khuẩn nhà dân… Có khi, 1 - 2g, cô mới về tới trạm, cũng có khi từ 0g, cô và đồng nghiệp bắt đầu khởi hành. 

Từ khi đợt dịch thứ tư bắt đầu bùng phát đến nay, gần hai tháng, Duyên Anh chưa về nhà dù trạm y tế phường cách nhà cô chưa đầy 100m. Chồng cô là đội phó đội chỉ huy phòng, chống dịch của phường, cũng trực chốt suốt, không về nhà. Thỉnh thoảng, UBND phường và trạm y tế phối hợp đi xử lý ổ dịch, vợ chồng cô mới gặp nhau, nhưng cũng chỉ nhận ra ánh mắt của nhau trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Đứa con bốn tuổi ở nhà với bà nội. Những ngày đầu, con điện thoại miết, lúc đó, dịch bệnh chưa căng, cô còn có thời gian trò chuyện với con. Rồi số ca nhiễm COVID-19 dồn dập tăng lên, những cuộc gọi cũng thưa dần. Đến khi xong việc, nhìn thấy những cuộc gọi nhỡ của con, cô không dám gọi lại vì đã quá nửa đêm. 

Cách đây hơn nửa tháng, khi nghe tin TPHCM sẽ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Duyên Anh tranh thủ chút thời gian trống, đi siêu thị mua ít thức ăn dự trữ cho con. Mang thực phẩm về nhà, thấy cửa nhà hé mở, cô rón rén đưa đồ vào nhà rồi đi nhanh. “Xui sao con bé đang chơi ở nhà người thân kế bên, đi bộ về thấy em, bé lao tới la to: “Mẹ, mẹ về hả mẹ”. Em giật mình nhìn lên thấy con, liền bỏ chạy” - cô kể, miệng cười mà đôi mắt ngấn nước. 

Lúc đó, bé càng cố sức đến gần mẹ thì Duyên Anh càng cố chạy xa. Không hiểu phản ứng này của mẹ, bé bật khóc tức tưởi. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, bà nội xót cháu, mắng con dâu: “Tội nghiệp nó quá, mày lại ôm con một chút thì có sao đâu”. 

Nỗi nhớ con thôi thúc khiến có lúc Duyên Anh gần như bỏ cuộc. Nhưng trong tích tắc, con số ca nhiễm, hình ảnh ổ dịch ở chợ Bình Điền mà mình vừa xử lý hiện ra khiến cô kịp “thắng” lại, quay lưng chạy thẳng một mạch về trạm y tế mà hai hàng nước mắt chảy dài. 

Suốt chiều hôm đó, cô cứ canh cánh chuyện gặp con. Cô ôm đồ đi tắm thật lâu rồi quay trở ra, cầm chiếc kit test nhanh đưa cho đồng nghiệp. “Anh test giúp em. Nếu âm tính, tối nay em về nhà thăm con, ngủ lại với con một đêm chứ em nhớ nó quá” - cô nói nhanh, cương quyết, như thể sợ rằng nếu chậm thêm vài giây, cô lại đổi ý. Kết quả test âm tính. “Sẵn đây, em test giúp anh luôn. Mấy hôm nay toàn đi ổ dịch phức tạp” - đồng nghiệp đề nghị. Duyên Anh vui vẻ nán lại giúp đồng nghiệp của mình. Kết quả xét nghiệm khiến Duyên Anh như chết đứng: đồng nghiệp của cô dương tính với COVID-19.

“Chị coi có trớ trêu không? Tại sao không phải là lúc khác?” - Duyên Anh bật khóc khi kể với chúng tôi câu chuyện đã diễn ra vài ngày trước đó. Tiếng nấc nghẹn trong điện thoại của người mẹ trẻ suốt hai tháng trời chưa gặp con khiến tim chúng tôi buốt nhói. Đồng nghiệp dương tính với virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa cô là F1. Quyết định về nhà chiều hôm đó coi như tan biến. “Mình đã có một buổi tối với tâm trạng hỗn độn, vừa nhớ con, vừa thương đồng nghiệp. Rồi những ngày sau sẽ vất vả hơn nhiều bởi P.7 là phường nhiều ca nhiễm nhất Q.8 với ổ dịch phức tạp từ chợ Bình Điền, trong khi trạm mình chỉ có sáu nhân viên y tế, mà đã có hai đồng nghiệp phơi nhiễm. Chưa kể, đồng nghiệp nam duy nhất chuyên đảm trách những công việc nặng nhọc cũng dương tính” - cô kể.

Những ngày gần đây, ca nhiễm ngày càng nhiều, và ai cũng có thể trở thành F0 khiến ý định về thăm con gần như không xuất hiện trong suy nghĩ của Duyên Anh nữa: “May mà thời gian trống trong ngày của em không còn nhiều. Chỉ mong cho nhanh hết dịch để mọi gia đình trở lại cuộc sống bình thường nhất”.

Luôn dặn lòng “không được gục ngã”

“Em ổn”, “Mẹ vẫn khỏe” là tất cả thông tin mà mỗi ngày, chồng con chị Trần Thị Bảo Châu - Phó trạm Y tế P.1, Q.8 - nhận được về người thân của mình. Những cuộc gọi nhỡ dày đặc trên điện thoại, trong cái lướt nhanh ở thời điểm quá khuya, nên chị cũng chỉ có thể để lại lời nhắn ngắn gọn và đầy đủ thông tin nhất để tranh thủ đi ngủ, lấy sức cho một ngày làm việc căng thẳng.

Khi tự lấy mẫu xét nghiệm cho mình trong những ngày này, chị Châu cảm thấy run sợ. Cảm giác này chỉ xuất hiện kể từ khi số ca nhiễm tăng mạnh, mọi người đều có khả năng trở thành F0. Chị sợ nếu mình phơi nhiễm, sẽ trở thành gánh nặng cho đồng đội, đơn vị lại mất thêm người đứng đầu. Trưởng trạm đã tình nguyện và được nhận về khu cách ly tập trung của quận để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân F0, chỉ còn chị và một số nhân viên của trạm ở lại thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại địa phương. 

Có đôi ba lần, chị mệt lả người nhưng ráng gượng dậy với lời tự nhủ: “Không được ngã. Nếu mình ngã lúc này thì đơn vị mình sẽ ra sao, ai sẽ làm đây?”. Ngồi xuống vài phút, lấy lại nhịp thở điều hòa, chị tiếp tục đứng lên, xuống nhanh địa bàn để tiếp tục những công việc còn đang đợi mình. Có những lúc, chị ngồi lại một góc khuất của trạm, quệt vội nước mắt vì nhớ nhà, nhớ các con. 

Từ khi dịch bùng phát, để bảo vệ sức khỏe của người thân và để không xao nhãng nhiệm vụ, chị quyết tâm không về nhà. Chỉ những cuộc điện thoại ngắn giúp người trong gia đình gần nhau hơn. Đến nay, thậm chí chỉ còn những dòng tin nhắn vội thay cho cuộc gọi vì có những ngày “đến cơm còn không kịp ăn”. “Bữa cơm còn không kịp ăn cho trọn vẹn thì thời gian đâu để mà buồn, mà nhớ con” - chị nói.

Ba tháng nay, Bùi Châu Uyên Ngọc - bác sĩ trẻ của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương - dọn vào ở hẳn trong BV. Đây cũng là quãng thời gian cô phải nén lại tình cảm của một người mẹ trẻ với đứa con vừa tròn sáu tháng tuổi để dồn tâm sức cấp cứu bệnh nhân. Cô gửi lại con cho ông bà chăm, nhưng thật khó khăn khi phải xa con, khi nghĩ về những thiệt thòi mà con mình phải gánh chịu khi phải xa mẹ từ khi còn quá nhỏ. 

Lúc này, ở khoa cấp cứu, mỗi y, bác sĩ như bác sĩ Ngọc hiểu rằng, nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao. Vậy nên, họ phải giữ an toàn cho gia đình và toàn tâm toàn ý bảo vệ cho bệnh nhân. 

Những cảm xúc từ phòng cấp cứu

Cũng ở Khoa Cấp cứu, BV Nguyễn Tri Phương, có nữ điều dưỡng đã gầy rộc người, cạn sữa dần sau ba tháng xa con. Đồng nghiệp ai cũng xót xa. Bác sĩ Hoàng Văn Triều - Bí thư Đoàn Thanh niên của BV - chia sẻ: “Bệnh nhân bị COVID-19 phải nằm viện một mình nên mọi thứ từ ăn, mặc, đánh răng, súc miệng, thay tã… đều do các chị điều dưỡng đảm trách. Nếu không có lòng thương người, yêu nghề thì không ai duy trì được công việc đó trong thời gian dài, vì những việc đó rất mệt và rất nguy hiểm. Chị vẫn luôn mỉm cười và vẫn tiếp tục công việc”. 

Nhớ thương gia đình không là đặc quyền của phái nữ. Bác sĩ Quách Bảo Đằng (Khoa Cấp cứu, BV Nguyễn Tri Phương) cũng có những lần “yếu đuối” như thế. Lý trí mách bảo “tự cách ly với gia đình là cách bảo vệ người thân tốt nhất” nhưng bác sĩ Đằng đã có lần về nhà vì quá nhớ. Thấy có sẵn cơm, canh, anh ăn vội chén cơm ở ngoài mái hiên nhà mình. Bên trong, đứa con vẫn đang chờ cha về để được ôm ấp, vui đùa nhưng rồi anh phải vội vã quay trở lại BV. Anh nói: “Thèm ăn cơm nhà là phụ, về nhìn thoáng qua gia đình yêu thương của mình mới là chính”. 

BV là một trong những nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất, mà khu vực cấp cứu lại là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, tức nguồn lây bệnh. Một bệnh nhân 80 tuổi được đưa vào BV Nguyễn Tri Phương cấp cứu vì ho và khó thở. Ê-kíp trực liền xử trí để giúp bệnh nhân thở được. Lát sau, tình trạng bệnh nhân xấu dần, suy hô hấp không cải thiện. Ê-kíp trực nhanh chóng đặt nội khí quản. Trong lúc đó, kết quả xét nghiệm nhanh đã xác định bà cụ bị dương tính với SARS-CoV-2. Một ngày sau đó, người con đưa mẹ vào BV cũng ho, đau họng và có kết quả xét nghiệm nhiễm COVID-19. 

Những pha cấp cứu như thế trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ngày một nhiều hơn. Ai cũng có thể là bệnh nhân COVID-19 và người nhà đi theo cũng vậy. Dù mặc đồ phòng hộ nhưng khả năng bị lây nhiễm là không thể tránh khỏi. Vì vậy, từ ba tháng nay, các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu, BV Nguyễn Tri Phương đã quyết định ở lại BV để giữ an toàn tối đa cho người thân của mình. 

Có lần, trong một đêm trực, các bác sĩ tiếp nhận một sản phụ chuyển dạ lúc 23g30, thai 37 tuần. Em bé được sinh thường lúc rạng sáng hôm sau nhưng bị giảm ô-xy máu, suy hô hấp sơ sinh. Theo kết quả xét nghiệm, người mẹ mắc COVID-19, phải chuyển đến nơi điều trị COVID-19. Em bé phải thở ô-xy ở Khoa Nhi của BV Nguyễn Tri Phương. Ở đây, các nữ điều dưỡng đã xin sữa về cho bé bú, mua áo quần cho bé vì cả nhà chưa kịp chuẩn bị gì cho bé. Với sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, bé dần khỏe lên, mỗi cữ bú được 30ml sữa và không cần thở máy nữa. “Những sinh mạng được cứu, những bệnh nhân dần khỏe lại… là nguồn vui, động lực cho đội ngũ thầy thuốc ở các BV” - bác sĩ Hoàng Văn Triều tâm sự. 

“Trải qua cơn thập tử nhất sinh, nữ bệnh nhân gọi điện cho chúng tôi nhờ tìm đồ đạc vì khi chuyển tuyến gấp, bệnh viện tuyến dưới lo cho sinh mạng cô ấy nên không tiện mang theo. Nhận được cuộc điện thoại tìm đồ, chúng tôi ai cũng bật cười nhưng lại mừng chảy nước mắt vì biết cô ấy khỏe rồi” - Trương Vân Anh - bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện dã chiến số 8 - kể.

Đồng nghiệp không biết mặt nhau

Khi dịch bắt đầu bùng lên ở TPHCM, toàn thể y, bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Thống Nhất chuẩn bị sẵn tinh thần là có thể được điều động đi các nơi để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ngày 13/7, BS Trương Vân Anh, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, là một trong 90 nhân viên (30 BS và 60 điều dưỡng) được cử đi làm việc tại BV dã chiến số 8 trong đợt điều động thứ nhất của BV Thống Nhất nhằm tăng cường nhân lực cho ngành y chống dịch.

BS Vân Anh có hai con trai, một bé 12 tuổi, một bé mới bốn tuổi. Kể từ khi dịch bệnh chuyển biến phức tạp hơn, chị và chồng thường xuyên làm công tác tư tưởng cho hai con để lúc cha mẹ công tác xa nhà, các cháu cũng bớt hụt hẫng, lo lắng. Hai con của BS Vân Anh nhờ cả vào ông bà ngoại coi sóc. Bé anh tỏ ra hiểu chuyện, biết chăm sóc em khi mẹ vắng nhà, còn cậu em vẫn nhỏ quá, thấy mẹ mãi chưa về thì giận lẫy, không thèm nghe điện thoại. Hai con của BS Vân Anh nhờ cả vào ông bà ngoại coi sóc. 

Với sự hỗ trợ của gia đình, BS Vân Anh đã cùng các đồng nghiệp tới BV dã chiến số 8 nhận nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Tại BV này, ngoài các y, BS của BV Thống Nhất, còn có các đồng nghiệp từ BV Bình Dân. Họ không biết mặt nhau; khi vào ca trực, họ chỉ biết nhau qua những cái tên được dán sau lưng bộ đồ bảo hộ. Thời gian đầu, việc giao tiếp khó khăn do bị đồ bảo hộ cản trở nhưng sau vài ngày, các y, BS đã quen dần, bắt nhịp tốt. Bây giờ, họ có thể đoán ra được tên các đồng nghiệp của mình qua dáng dấp, cử chỉ, sự phối hợp ăn ý trong công việc.

BS Trương Vân Anh làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Dã chiến số 8, nơi chuyên điều trị các trường hợp COVID-19 nặng. BV này có hai khu hồi sức cấp cứu, mỗi khu có 40 giường, tổng số bệnh nhân COVID-19 tính đến 6g ngày 27/7 là 3.796 người. Tại đây, các nhân viên y tế được chia ca trực và không có giờ cố định. Một ê-kíp gồm hai BS (một chính, một phụ) và 3-4 điều dưỡng. Diễn tiến bệnh của bệnh nhân COVID-19 nặng rất nhanh nên đòi hỏi sự theo dõi vô cùng sát sao và sự phối hợp chuyên nghiệp, ăn ý của các y, BS. Sau khi ra ca, ê-kíp trực cũ vẫn phải luôn mở điện thoại, sẵn sàng tiếp ứng khi đồng nghiệp cần hỗ trợ.

BS Vân Anh còn nhớ như in một trường hợp nặng đã thoát cửa tử ngoạn mục. Bệnh nhân là nữ, hơn 40 tuổi, có bệnh nền. Khi được chuyển vào khu hồi sức cấp cứu, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, chỉ hơi sốt và mạch hơi nhanh, cần theo dõi sát. Bệnh diễn tiến rất nhanh. Nhận thấy bệnh nhân thở gắng sức, ê-kíp trực liền cho thở oxy hai lỗ, sau đó cho thở mask có túi khí rồi gọi hỗ trợ.

Khi đội của BS Vân Anh đến chi viện thì ê-kíp trực đã đặt sẵn nội khí quản cho bệnh nhân. Sau khi xử lý hồi sức, các BS liền chuyển bệnh nhân lên BV điều trị COVID-19 tuyến trên. Hôm qua, khoa nhận được điện thoại của nữ bệnh nhân này. Cô gọi để hỏi đồ đạc của mình được cất ở đâu lúc chuyển viện. Tất cả nhân viên y tế lúc đó đều bật cười về tình huống hài hước nhưng ai cũng mừng rơi nước mắt vì bệnh nhân gọi điện được tức là đã khỏe, đã hồi phục.

Tại BV dã chiến số 8, ngày tiếp ngày, các nhân viên y tế và bệnh nhân kề vai sát cánh như trong một gia đình lớn. Theo BS Vân Anh, điều kiện sinh hoạt tại BV dã chiến số 8 ổn, đồ ăn của nhân viên y tế và bệnh nhân không thiếu. Nơi đây vốn là một chung cư để tái định cư dân, mỗi phòng có hai người, có ghế bố, bình đun nước nóng. Khẩu phần ăn của BS và bệnh nhân đều giống nhau. 

“Chúng ta đã cố hết sức rồi”

Kể từ khi bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ tư (ngày 27/4), BV Chợ Rẫy - nơi từng cứu chữa thành công những ca mắc COVID-19 nguy kịch nhất - đã phải chứng kiến sự ra đi của người bệnh. Lúc này, tiến sĩ (TS) - BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy - đang hối hả mở rộng khu vực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Đã từng cứu sống nhiều ca nguy kịch nhưng giờ phải chứng kiến những ca tử vong, TS-BS Lê Quốc Hùng và các đồng nghiệp không khỏi đau buồn. Trong những thời khắc mà mỗi thầy thuốc như một chiến sĩ và mỗi BV như một chiến trường, tất cả phải cố gắng vượt qua những giới hạn sức lực, những cảm xúc đau buồn để tiếp tục chiến đấu. 

Dưới đây, chúng tôi trích đăng bài viết của TS-BS Lê Quốc Hùng để bạn đọc hiểu hơn những nỗ lực của đội ngũ y tế tại TPHCM: 

Ngày 30/4, khi cả nước vui mừng đón lễ hội cũng là lúc nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới lặng lẽ đón nhận, điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 từ phương xa. Và cũng từ đó, số lượng nhân viên trực tiếp tham gia điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng, như báo hiệu cho đợt dịch thứ tư của Việt Nam.

Trung tuần tháng Sáu, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Toàn khoa chuyển sang chế độ trực chiến, chỉ điều trị COVID-19 nặng, nhắc nhở, chăm sóc lẫn nhau vì an toàn cho người bệnh, vì an toàn cho nhân viên. Cuối tháng Sáu, những thoáng lo âu cho gia đình người thân đã xuất hiện. Bảo nhau thu xếp chuyện gia đình, con cái, nhiều người dọn vào BV ở luôn. Ai cũng hiểu, cuộc chiến này sẽ căng.

Đầu tháng Bảy, số bệnh nhân nhập viện tăng ào ạt, kinh khủng, ngày cũng như đêm. TPHCM gồng mình chịu đựng. Nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới đã thấm mệt sau hơn hai tháng chiến chinh trong môi trường khắc nghiệt, nóng bức bao trùm. Đợi chờ, chờ đợi được bổ sung, thay thế nhân lực.

Nhưng những con số hằng ngày báo người dương tính như nhảy múa, tăng cao, ám ảnh. Điện thoại reo liên tục báo xin hỗ trợ từ các BV trong và ngoài thành phố. Những cuộc họp liên miên tìm giải pháp tháo gỡ. Những BV dã chiến hàng trăm, hàng ngàn giường xuất hiện mới mỗi ngày vẫn không đáp ứng đủ. Từng đoàn, từng đoàn y, BS rời BV Chợ Rẫy tới hỗ trợ các BV mới mọc lên. 

BV trở nên vắng lặng hơn bao giờ hết. Những bệnh nhân còn nằm lại đều là bệnh nhân nặng, những y, BS ở lại BV Chợ Rẫy đều phải gồng mình làm gấp hai, gấp ba ngày thường. Nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới không còn đợi bổ sung nhân lực nữa, lặng lẽ làm việc, tăng ca, tăng giờ làm. Mỗi ngày làm 10 giờ, rồi 12 giờ, rồi 80 giờ/tuần không còn hiếm. 

Và rồi, bệnh nhân đầu tiên không vượt qua bạo bệnh cũng đã có, nỗi buồn không chỉ của một người. Giám đốc an ủi: “Chúng ta đã cố hết sức rồi anh ạ” và nói như một mệnh lệnh thời chiến: “Bệnh nhân nặng đợi chờ ở khắp nơi, chúng ta phải gấp rút mở thêm khu hồi sức trong BV, nhân lực từ các chuyên khoa khác sẽ góp phần hỗ trợ các anh”.

Hơn 31 năm làm việc, lăn lộn công tác các tỉnh, thành, những tưởng đã nếm trải đủ khó khăn của nghề, nhưng không. Chưa bao giờ vấp phải khó khăn như ngày hôm nay. Hai ngày nữa, khu hồi sức tích cực mới hoàn thành, hàng loạt bệnh nhân nặng sẽ mau chóng lấp đầy. Nhìn những gương mặt mệt mỏi của nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới, bỗng tự hỏi: “Đâu là giới hạn sức con người? Đã nhiều ngày họ làm việc bằng ý chí, hãy cố lên tí nữa nhé các em”. 

Khi nhập viện, không còn sức để đứng, sáu lần bất tỉnh trên giường nhưng nay, cascadeur Lữ Đắc Long đang hồi phục và chuẩn bị xuất viện. Theo anh, đây là một phép màu, đến từ tập thể y, bác sĩ đã nỗ lực bất kể ngày đêm để giành lại sự sống cho anh...

Sáng 1/8, Bệnh viện (BV) Hồi sức COVID-19 TPHCM (đóng tại TP.Thủ Đức) tiếp tục có thêm mười người được xuất viện về nhà do sức khỏe hồi phục tốt. Đây là đợt xuất viện thứ hai từ BV này. Trước đó, chiều 26/7, trong đợt đầu, đã có 17 người xuất viện. 

Nữ bác sĩ trẻ - công tác tại BV Nhân dân Gia Định, được điều động hỗ trợ cho BV Hồi sức COVID-19 TPHCM - dẫn mười người từ tầng điều trị xuống sảnh BV. Cô căn dặn kỹ lưỡng và chúc mừng mười người đã được về nhà: “Hôm nay, mọi người được ra về, khả năng lây nhiễm cho cộng đồng là không có nữa nhưng khi về nhà, vẫn phải tự cách ly 14 ngày, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, kể cả người nhà. Ngoài ra, đồ đạc mình đem từ BV về thì nên để riêng ở một góc, năm ngày sau mới lấy ra xài được”. 

Ngô Hoàng Yến - 25 tuổi, ở TP.Thủ Đức - là một trong mười bệnh nhân xuất viện đợt này. Sau mười ngày được chăm sóc tích cực tại BV, Yến đã đủ điều kiện xuất viện. Trong 20 ngày điều trị, Yến trải qua hai BV, nơi đầu tiên là BV TP.Thủ Đức, sau đó được chuyển sang BV Hồi sức COVID-19 TPHCM do bệnh diễn tiến nặng. “Các y, bác sĩ ở đây rất thương em, lo cho em đầy đủ, hầu như không rời mắt khỏi mình, lúc nào cũng canh chừng mình. Các anh chị tình nguyện viên ở đây cũng lo cho bệnh nhân lắm; thấy ai buồn là động viên, an ủi, lo cho mình có khi còn hơn cả người nhà nữa. Cơm nước được lo đầy đủ. Thiếu gì, trên này nhắn xuống là các anh chị đi kiếm cho mình”. 

Tại BV Chợ Rẫy, nghệ sĩ - diễn viên đóng thế (cascadeur) Lữ Đắc Long đang hồi phục và chuẩn bị xuất viện. Hiện anh đang tập chống hai tay trên giường hoặc các bài tập giúp phổi nhanh hồi phục tổn thương. Ngày 22/6, anh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 13/7, bệnh tình của anh diễn tiến nặng, phải chuyển đến BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Tại đây, sau hơn hai tuần được đội ngũ y, bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới nỗ lực cứu chữa, sức khỏe của anh đã dần hồi phục. 

Trong gia đình, ngoài nghệ sĩ Lữ Đắc Long, vợ và hai con trai anh đều mắc COVID-19 và đã bình phục. Sáng 2/8, tại giường bệnh trong khu cách ly của Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, anh xúc động chia sẻ: “Lúc đầu vô đây, tôi không còn sức để đứng, sáu lần bất tỉnh trên giường. Nếu không được bác sĩ can thiệp, chắc tôi đã không qua khỏi. Đây là một phép màu. Phép màu này không phải tự nhiên có được mà nó đến từ một tập thể đã nỗ lực bất kể ngày đêm. Họ đã giành giật cho tôi từng phút, từng giây, từng hơi thở”.

Theo nghệ sĩ Lữ Đắc Long, sau ba lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, anh nghĩ mình võ sư, chắc không sao, nhưng thực tế không phải vậy. Khi nghệ sĩ Quyền Linh hỏi cần gì, nghệ sĩ Lữ Đắc Long chỉ nói “tôi cần BV”. Nghệ sĩ Quyền Linh và rất nhiều nghệ sĩ khác đã tìm cách đưa anh vào BV để điều trị. Nghệ sĩ Lữ Đắc Long nói: “Tôi sống được lần này là nhờ bác sĩ và rất nhiều anh em nghệ sĩ”. 

 

Những hình ảnh tất bật của y, bác sĩ để kịp cứu người bệnh khiến nghệ sĩ Lữ Đắc Long không thể nào quên: “Về đêm, khi bệnh nhân vào nhiều, y, bác sĩ không còn ai đi nữa mà là chạy. Họ làm rất nhiều việc: chỉnh máy móc, mổ, cấp cứu, đặt máy thở… Tôi vẫn không hiểu vì sao họ có đủ sức khỏe để làm nhiều việc đến vậy. Khi về nhà, tôi sẽ làm một điều gì đó để tỏ lòng biết ơn các y, bác sĩ đã cứu mạng, không chỉ cho mình mà còn cho nhiều người khác”. 

Sau hai tuần điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch, anh T.C.T. - 30 tuổi, ở Q.1 - đã được trở về xóm nhỏ của mình vào ngày 24/7. Ngày nhận thông báo được về nhà, anh T. xin được ở lại thêm hai ngày nữa để chăm sóc mẹ đã gần 60 tuổi. Những tưởng không được, nào ngờ các y, bác sĩ gật đầu đồng ý với điều kiện anh T. phải tự bảo vệ mình để không bị nhiễm bệnh trở lại. Y, bác sĩ tiếp tục đăng ký phần cơm miễn phí cho anh, các điều dưỡng còn cho thêm cơm, dặn dò mẹ anh T. nếu cần tiêm thuốc tiểu đường thì nhớ báo. 

Anh T. kể: “Ngày xuất viện, các y, bác sĩ chúc mừng và còn dặn chúng tôi về nhà phải ăn uống đầy đủ để bổ sung chất. Tôi xin nghiêng mình cảm ơn các y, bác sĩ. Mọi người đừng trách họ khi gặp chuyện không như ý muốn. Nếu có thể, hãy giúp các y, bác sĩ bằng mọi cách mình có thể. Riêng tôi, tôi tự hứa sẽ đồng hành với họ”. 

Bài: Hiếu Nguyễn, Thanh Huyền, Thu Lê, Khang Châu

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: