Thằng bé bị chích đau, khóc ré, Rinh quay sang dỗ dành mà vẫn chưa buông đề tài cũ: “Cái gì cô Loan chú Chất cũng giúp con, mà con chưa có dịp báo đáp. Nhiều lúc gặp, con ngại quá!”. Hễ thấy mặt, tiếng trước chào, tiếng sau là Rinh lại nhắc điệp khúc này. 

Đó là câu chuyện dài và căng thẳng vào một đêm khuya cuối tháng 12/2020. Rinh đẻ tại nhà, và lúc em bé chào đời an toàn cũng là lúc Rinh lên cơn co giật, huyết áp cao. Hộ sinh cho Rinh, chị Loan biết người phụ nữ này đã rơi vào cơn sản giật sau sinh. 

Ia Mơ là xã biên giới, cách trung tâm huyện Chư Prông hơn 50km, đường gập ghềnh đất đá, mất đến gần hai giờ mới tới được bệnh viện huyện. Trong khi bác tài - Trưởng Trạm Y tế xã Ia Mơ Hà Phẩm Chất, cũng là chồng chị Thư Loan - vật lộn với cái vô lăng trên Tỉnh lộ 665 đầy ổ gà ổ voi thì chị ở phía sau cũng “rung lắc” tơi bời, lại phải đo huyết áp và cố định sản phụ qua những đoạn đường dằn xóc. 

Chỉ số huyết áp “leo” tới 200, mắt trợn ngược, miệng méo, la hét, ú ớ theo từng cơn co giật, Rinh “tung chưởng”, quăng quật mọi thứ giữa hai hàng ghế xe. Khó khăn lắm chị Loan mới tìm được một miếng bỉm để mặc cho Rinh trước khi lên xe, nhưng chỉ đi một đoạn đường ngắn là Rinh đã cào cấu, bứt xé, liệng mất. Càng co giật, máu sản phụ càng tuôn…

Giờ đây nhìn Rinh cười toe toét, luôn miệng nói cảm ơn, thơm thảo mời xuống nhà ăn con gà cúng hay nhắc món nợ đã tròn năm, chị Thư Loan mừng muốn khóc.

Chiếc xe hơi anh chị mua là để thỉnh thoảng về thăm con ở huyện Chư Sê (Gia Lai), nào ngờ lại trở thành phương tiện cấp cứu cho người dân trong xã, nhất là bà đẻ. Chẳng phải Ia Mơ không có nhà xe, nhưng tất cả chủ xe đều từ chối ngay từ đầu với bất kỳ giá thuê nào, bởi quan niệm cổ xưa “chở bà đẻ xui xẻo lắm”.

“Với những ca khó, tiên lượng xấu, quá khả năng xử lý ở tuyến xã, vợ chồng tôi cứ chở đi, còn nước còn tát. Suy nghĩ duy nhất của vợ chồng lúc đó là làm sao kịp cứu, không kiêng dè cũng không nghĩ đến xe cộ hư hỏng hay phải vất vả… rửa xe. Ngày xưa phải khiêng cáng, võng một đoạn ra xe hoặc phải nhờ đến xe máy cày mới trị nổi những hố sâu trên đường, mà người ta còn cố và vượt qua được. Con người với nhau mà, hơn nữa đây là công việc mình đã chọn. Mạng người đều quý, đây lại là mẹ bầu, con thơ” - anh Hà Phẩm Chất chia sẻ.

Con đường từ nhà ra trạm y tế xã có khi chỉ một quãng ngắn, nhưng quan niệm cổ hủ rằng phải sinh tại nhà đã khiến người ta phải mất 10 năm, 20 năm thậm chí qua nhiều thế hệ sản phụ mới tới được. Đây là vấn đề khá phổ biến với đồng bào dân tộc ít người và Ia Mơ không là ngoại lệ. 

Khi người phụ nữ vào thai kỳ, quyền quyết định vượt cạn ở đâu, như thế nào đều tùy thuộc vào mẹ ruột (chế độ mẫu hệ). Để rồi mỗi lần sinh nở của sản phụ trẻ chính là một trận chiến dằng dai giữa mới và cũ, trẻ và già, giữa những chiến sĩ áo trắng với bóng đêm hủ tục. Nhiều người vẫn chủ quan: “Xưa giờ toàn sinh tại nhà có sao đâu?”. Khi đó, sự khỏe mạnh, an toàn của mẹ và bé tùy thuộc vào những chiếc áo blouse trắng vượt rừng băng suối đã đến kịp chưa. Đến kịp để đỡ bé, đỡ nhau, ngăn việc cắt rốn bằng dao kéo rỉ sét hay cây nứa bị bám bẩn khiến gây nhiễm trùng, để ngăn đứa bé vừa được sinh ra đã bị dội ào nước lạnh trong khi mới rời bụng mẹ với thân nhiệt đến 37 độ C.

Có những ca sinh đã lâu nhưng chỉ cần nhắc đến tên là các anh em nhân viên trong trạm lại giật mình, ám ảnh. Đó là Rơ Mah Sách, vì là đứa thứ năm trong gia đình toàn con trai nên bị bỏ ở một góc nhà ngay khi bé vừa đến với thế giới bên ngoài, “coi như lơ, coi như không có đứa con này”. Được báo tin, chị Loan vội đến nhà cho bé bú và rỉ rả tuyên truyền để gia đình chấp nhận núm ruột của mình, dù là gái hay trai. Giờ thì gặp ai, Rơ Mah Sách cũng tự hào khoe: “Không có mẹ Loan là giờ đâu có mình”. 

Đó là chị Rơ Mah Ur không chịu ra trạm cũng không chịu đẻ trong nhà vì “nếu đẻ trong nhà hằng năm phải cúng một con trâu, làm sao lo nổi!”. Nhân viên trạm y tế đến, thuyết phục cách nào cũng chẳng ăn thua, năn nỉ đẻ ở nhà sau, ở chái bếp cũng không. Tới hồi chuyển dạ, sản phụ liền sà ra vườn, cạnh chuồng bò, đẻ lăn đẻ lóc khiến đứa bé bị nhiễm trùng rốn, may mà vẫn cứu được.

Rồi có những ca, khi chị Loan lau bé sạch sẽ, bảo đưa đồ để mặc thì người nhà lắc đầu, nói: “Chưa mua quần áo. Đẻ ra biết chắc còn sống mới đi mua!”. Thế là đứa bé được họ đùm tạm vào quần áo cũ đi nương, đi rẫy của bố mẹ, ông bà với nguy cơ bị nhiễm trùng ở mức cao. Đó là lý do nhiều lúc đi đỡ đẻ, chị Loan phải “thủ” sẵn cả quần áo sơ sinh. 

Cũng có khi chị Thư Loan không quản ngại đường xa tìm đến tận nhà để đỡ đẻ, nhưng sản phụ chỉ cho chị khám ngoài: đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, nghe tim thai… chứ nhất quyết không cho khám trong (xác định cổ tử cung đã mở bao nhiêu phân, ngôi thai có thuận không).

Cơn gò ập đến, sản phụ không tập trung nghe hiệu lệnh của người đỡ để phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả mà cứ lo khép khép, che che “vùng cấm địa”. Họ thẹn thùng, xấu hổ, căng thẳng khi người khác nhìn vào cơ thể của mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phụ không chịu đi sinh ở trạm. 

 

Ngày ấy, người làng Krông nhìn bốn người lạ mặt đi xe máy chở kỉnh lỉnh nào ấm nước, gối mền, bình thủy, chai sữa em bé… đến, không giấu được sự ngạc nhiên, nhưng rồi họ cũng chẳng mấy quan tâm. Xứ núi Kẹp suối Mơ này rừng thiêng nước độc, bệnh sốt rét đến như cơm bữa, sự thiếu thốn thì trăm bề: thiếu nước sạch, không điện, không sóng điện thoại… những người lạ kia, liệu trụ được mấy ngày?

Bụi đất giăng đỏ người, tất cả dường như đã mệt rũ, đứa bé trong lòng người mẹ trẻ quấy khóc. Sẵn có bóng cây kơ nia đầu làng, nhóm bốn người dừng lại nghỉ chân. Khi người mẹ trẻ ngồi sụp xuống cho con bú thì cũng là lúc giọt nước mắt của người đàn ông đứng tuổi lăn dài. 

Người đàn ông đứng tuổi ấy là ba của chị Thư Loan. Thấy con gái mới sinh còn non tháng đã chọn con đường khó cho mình, bố mẹ chị Thư Loan xót xa nhưng không thể ngăn cản, nhất là khi con gái tha thiết muốn về Trạm Y tế xã Ia Mơ công tác để được gần chồng. Thời điểm năm 2003 đó, anh Phẩm Chất đang đóng quân tại Đồn Biên phòng Ia Púch (thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Gia Lai), cách Trạm Y tế xã Ia Mơ khoảng 20km. Thỉnh thoảng vợ chồng gặp nhau nhờ chương trình quân dân y kết hợp, anh Chất cũng là y sĩ ở Phú Thọ trước khi vào Tây Nguyên.

Ca đầu tiên sau bữa cơm đầu chị Thư Loan nhận việc là ca khó (ngôi ngang, sa dây rốn), giờ đứa bé ấy đã trở thành một người mẹ và là một trong những cô đỡ thôn bản giỏi, đầy tâm huyết với sứ mệnh “mị viu nạ pră” (tiếng Gia Rai, có nghĩa “mẹ tròn con vuông”).

Từ chỗ bà bầu tìm đến trạm y tế xã để sinh con là chuyện hiếm, giờ đây 50% tổng số ca sinh đã tìm đến trạm, và tỷ lệ này dần tăng theo mỗi ngày. Sản phụ đã có ý thức tiêm phòng uốn ván đầy đủ, không làm việc nặng nhọc, dơ bẩn, không đi nương rẫy xa khi ngày dự sinh cận kề, tránh tình trạng đẻ rớt và đã sẵn sàng đến trạm khi có dấu hiệu chuyển dạ. Những buổi tiêm ngừa thai, phụ nữ làng tự giác đến trạm đông đủ như ngày hội. Trai làng cũng bắt đầu chịu nghe tư vấn về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, về những nguy cơ biến chứng khi người phụ nữ sinh nở kém an toàn hay những vấn đề liên quan pháp lý như tảo hôn, hôn nhân cận huyết… 

Mỗi ngày, chị Thư Loan vẫn cùng các đồng nghiệp của trạm ngày đêm học tiếng các dân tộc ở địa phương mình, để tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho các mụ vườn, nhân viên y tế thôn bản - người gần nhất với dân làng. Đồng thời, rút tỉa cái hay, cái nhân văn của phong tục tập quán bản địa và góp phần chuyển hóa cái lạc hậu, tiêu cực. Lắm khi việc chăm sóc y tế phải kết hợp cả tư vấn, giải tỏa tâm lý để thai phụ, sản phụ vui vẻ, an lành. Trường hợp của Rơ Mah Rinh là một ví dụ. Việc co giật sau sinh của cô có thể bắt nguồn một phần từ ăn uống không khoa học trong thai kỳ, và nhất là áp lực tinh thần vì mang thai với người đàn ông chưa cưới.

“Bộ muốn ăn bò hả?” - Rinh đã úp mở dọa chết như thế khi người nhà gặng hỏi vì sao chưa có chồng mà bụng lại phình to. Sự đồng hành, hỗ trợ tâm lý của gia đình, của chị Thư Loan và sự thừa nhận phía nhà chồng tương lai đã giúp Rinh gỡ dần những hoang mang. Niềm vui nhân lên gấp bội khi Rinh và bé an toàn sau phen thập tử nhất sinh và tình cảm gia đình hai bên cũng thắm thiết. 

Năm tháng trôi qua, đứa bé vài tháng tuổi bú mẹ ven đường năm nào giờ trở thành anh chiến sĩ biên phòng đẹp trai, chững chạc. Ia Mơ đã chuyển mình. Cây kơ nia đầu làng giờ đã cao vút, hồ thủy lợi biếc xanh mọc lên giữa lòng núi rừng biên giới… và khoảng cách từ nhà đến trạm y tế đối với người dân nơi đây giờ gần hơn bao giờ hết.

“Mẹ kể ngày xưa bà từng chứng kiến một cô bị băng huyết sau sinh tại nhà. Nghĩ mình không qua khỏi và đứa con mới đẻ không có sữa bú cũng chẳng sống được nên cô đi chôn đứa bé. Máu cô tuôn xối xả theo từng bước chân mà người chồng không cản ngăn, khuyên răn. Cuối cùng, sau khi chôn đứa bé thì cô mất.

Bốn năm trước, em sinh con đầu, bé lọt lòng ra trông tím tái như hoa chuối. Cô Loan hút đờm dãi, đập đập mấy cái vào mông bé rồi cô miệng kề miệng để hô hấp nhân tạo. Chỉ vài giây sau, em bé chuyển sang hồng hào và cất tiếng khóc. Cô Loan giải thích em mới hiểu là do em chuyển dạ quá lâu tại nhà nên bị nhiễm trùng ối từ phân xu, nước ối có màu xanh và em bé bị ngạt vì uống phải ối. 

 

 

Anh Hà Phẩm Chất – chị Phạm Thị Thư Loan cùng hai con bên vườn thuốc nam của Trạm y tế Ia Mơ.
Anh Hà Phẩm Chất – chị Phạm Thị Thư Loan cùng hai con bên vườn thuốc nam của Trạm y tế Ia Mơ.

 

 

Bài: Rơ Lan Út, người Gia Rai, làng Klăh, xã Ia Mơ

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: