Đón vị khách đến từ châu Âu, cô Phan Kim Ngân, tên thường gọi là Bảy Muôn, chủ nhà vườn Công Minh - liền niềm nở chào hỏi bằng tiếng Anh và không quên giới thiệu sơ nét về Cồn Sơn. Phát âm của cô chưa được chuẩn, nhưng vị khách đến từ châu Âu tỏ ra bất ngờ và vô cùng thích thú về sự hồn nhiên, dễ mến của cô.

Sau khi chào hỏi, vị khách quốc tế được cô Bảy Muôn tiếp đãi bằng các loại bánh dân gian như bánh kẹp cuốn, bánh bò, bánh chuối, dẫn đi xem nổ cốm và học cách làm bánh kẹp cuốn cùng người dân địa phương. 

Monuel Spunten cho biết, anh làm nghề đầu bếp ở nhà hàng 5 sao. Khi đến Cồn Sơn, được ăn các món bánh dân gian Nam bộ, được hòa mình vào thiên nhiên còn hoang sơ, khí hậu trong lành, trò chuyện bằng tiếng Anh với người dân nông thôn, anh thấy rất thú vị: “Đây chính là điều mà chúng tôi mong muốn được trải nghiệm. Chúng tôi muốn tận hưởng những thứ mà các đô thị đông dân cư không có”. 

Ông Michael Janes Madrid (người Mỹ) từng 3 lần sang Việt Nam nhưng đây là lần đầu ông đến Cồn Sơn sau khi được bạn bè giới thiệu và tìm hiểu trên mạng xã hội. Michael Janes Madrid khá bất ngờ khi được những phụ nữ lớn tuổi ở đây như cô Lê Thị Mỹ Loan, Trần Khánh Phượng giới thiệu món bánh xèo, bánh phu thê bằng tiếng Anh với giá 10.000 đồng/cái và còn hỏi có ngon miệng không. 

Ông nhận xét: “Mọi người đều rất dễ mến, dễ gần. Tôi rất thích nghe họ nói tiếng Anh. Tôi cũng đặc biệt thích thú khi được thưởng thức các món cá từ sông Mê Kông, bánh dân gian Nam bộ, trái cây và ngắm cù lao còn hoang sơ, những con đường ngoằn ngoèo rợp bóng mát bên sông. Một chuyến đi về vùng sông nước tuyệt vời”. 

Để có một địa điểm du lịch Cồn Sơn được nhiều du khách xa gần yêu thích như hôm nay là cả quá trình. Chị Lê Thị Bé Bảy - người được xem là “bà đỡ” của du lịch Cồn Sơn, hiện công tác ở Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thủy - nhớ lại: “Cách nay hơn 7 năm, khi còn công tác ở Phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy, cứ mỗi lần họp bàn về du lịch, tôi luôn trăn trở khi Cồn Sơn có nhiều tiềm năng nhưng chưa có nhiều sản phẩm đặc thù. Có lần, được nghe một vài thanh niên ở phường Bùi Hữu Nghĩa nêu ý định mở vườn chôm chôm cho khách tham quan, tôi lặn lội qua Cồn Sơn khảo sát để tư vấn cách làm du lịch”. 

Chị Bé Bảy đã hướng dẫn bà con chỉnh trang nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ mà vẫn giữ được nét Nam bộ, trồng thêm cây để làm đẹp cảnh quan, chế biến các món ăn truyền thống, làm bánh dân gian… Phải mất mấy tháng trời, mới có được 7 hộ tham gia. 

Cô Bảy Muôn kể: “Lúc đó, tui nói với cô Bé Bảy rằng mình là nông dân quê mùa, có biết gì đâu mà làm du lịch. Nhưng cô Bảy nói cứ làm thử, bởi nhà tui thoáng mát, có vườn cây đặc sản, có nghề làm bánh kẹp cuốn rất ngon. Cổ nói cứ làm bấy nhiêu đó được rồi”. 

Anh Lý Văn Bon (Bảy Bon, làm nghề nuôi cá bè) thì được tư vấn sắp xếp lại các bè cá trên sông Hậu liền nhau, làm cầu cho khách đi an toàn khi thăm cá, mở dịch vụ cho cá ăn và xem cá mê rổ phun nước, cho cá mát-xa chân. Những hộ khác cũng được tư vấn mở một dịch vụ nào đó để phục vụ du khách. 

Thời gian đầu, Cồn Sơn vắng khách, nguồn thu không bằng đi làm mướn nên một số người nản chí. Chị Bé Bảy kiên trì thuyết phục mọi người bám trụ với du lịch, rồi chạy đôn chạy đáo móc nối với các công ty du lịch, đơn vị lữ hành, nhờ họ thí điểm đưa khách sang Cồn Sơn tham quan. Các sở, ngành trong tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ. Từ đó, khách đến Cồn Sơn tăng dần, nhất là khách quốc tế. Sau khi đến đây, họ đã giới thiệu nhiều bạn bè cùng ghé để trải nghiệm vùng đất hoang sơ, dễ mến này. 

Để du lịch Cồn Sơn không bị rập khuôn kiểu “đi một nơi, biết cả vùng” khi số hộ làm du lịch ngày càng nhiều, chị Bé Bảy đề nghị mỗi hộ chỉ chọn làm một sản phẩm mà mình có thế mạnh. Vậy là, nhà vườn Song Khánh chọn làm món cá tai tượng nướng lá sen, nhà vườn Chín Nhỏ chọn làm món lẩu ếch đặc biệt, nhà vườn Thanh Nhàn chọn làm món lẩu tả pí lù, nhà vườn Phương My chuyên làm lẩu mắm, nhà vườn Công Minh chuyên làm bánh kẹp cuốn và các loại bánh dân gian, nhà vườn Thành Tâm làm dịch vụ ngắm cá lóc bay, tát mương bắt cá… Những hộ chưa có điều kiện mở điểm du lịch thì đảm nhận việc hái rau các loại để cung ứng cho các nhà vườn làm lẩu. 

“Việc mỗi nhà làm một sản phẩm vừa tránh trùng lắp, vừa có sự đầu tư chuyên sâu để đảm bảo chất lượng, đồng thời tránh cạnh tranh với nhau. Do vậy, khi du khách đến tham quan nhà vườn Song Khánh xong, nhà vườn này sẽ vui vẻ giới thiệu khách đến các nhà vườn khác để thưởng thức thêm cái mới. Bên cạnh đó, nếu nhà vườn này có khách đến đông thì người của nhà vườn khác sẽ chạy sang hỗ trợ. Đây là trách nhiệm chung và cũng là cái tình của những người làm du lịch Cồn Sơn”, cô Bảy Muôn nói. 

Cũng theo cô Bảy Muôn, trước đây, gia đình cô canh tác hơn 6 công vườn mà không đủ ăn, có lúc rơi vào diện cận nghèo. Từ ngày làm du lịch, kinh tế gia đình cô đã ổn định, thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Anh Lý Văn Bon cũng nhìn nhận, mô hình du lịch bè cá mang lại doanh thu khá cao so với việc nuôi cá đơn thuần như ngày trước, các đầu mối thu mua cá thương phẩm cũng tìm đến nhiều hơn. 

Để phát triển bền vững, khoảng 40 hộ làm du lịch ở Cồn Sơn nhất trí thành lập Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn. Theo đó, khi đến tham quan Cồn Sơn, du khách sẽ được hợp tác xã điều phối đến các điểm dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành viên. Hợp tác xã còn thu hút gần 60 hướng dẫn viên trẻ - đa phần có trình độ đại học chuyên ngành du lịch - tự nguyện đến làm việc và sinh sống cùng người dân địa phương. Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp này đã giúp hoạt động du lịch ở Cồn Sơn bài bản, chuyên nghiệp hơn. 

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết lãnh đạo địa phương rất hài lòng với sự phát triển của mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn, trong đó phụ nữ đóng vai trò trụ cột. Mô hình này không chỉ tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ, giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương mà còn tạo được điểm nhấn, nét riêng, được nhiều đơn vị lữ hành chọn đưa vào tua tuyến du lịch. Tới đây, ngành văn hóa, du lịch tỉnh sẽ tiếp tục xúc tiến, quảng bá thương hiệu, đồng thời mời doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào Cồn Sơn để cùng bà con phát triển du lịch theo đúng định hướng của UBND thành phố. 

Hiện, Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn đang xây dựng những sản phẩm truyền thống đạt tiêu chí của chương trình OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó có việc khôi phục nghề may áo bà ba và các nghề khác, tạo thêm những cảnh quan để du khách chụp ảnh lưu niệm, xây dựng ngôi nhà cộng đồng trưng bày những sản vật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo soạn giả Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ, việc hình thành khu du lịch Cồn Sơn không những giúp bà con cải thiện thu nhập mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đồng thời giữ gìn được các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, văn minh miệt vườn. Ông cho rằng, chính sự hoang dã, bùn lầy ở các con đường và những chiếc cầu tre bắc qua sông rạch đã tạo nên một Cồn Sơn giàu sức sống, thân thiện, gần gũi, hồn nhiên, chan chứa tình người. Do vậy, trong hiện tại và tương lai, không nên bê tông hóa các con đường hay lối vào nhà. 

Chia sẻ bài viết: